Giảm yêu cầu về quy mô dự án tương đương
Ông Đ.T, đại diện một đơn vị đang làm chủ đầu tư một số dự án giao thông lớn, dẫn chứng: Các quốc gia như Singapore và Hàn Quốc khi đưa ra các tiêu chí đấu thầu đều rất chú trọng yếu tố mở. Họ không chỉ muốn tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) nội địa mà còn chú ý tới yếu tố dẫn dắt DN nhỏ và vừa (SME). Theo đó, luật không yêu cầu cụ thể về quy mô dự án tương đương mà tập trung vào năng lực và kinh nghiệm tổng thể của nhà thầu.
Điều này bao gồm đánh giá các dự án đã hoàn thành và năng lực tài chính, kỹ thuật của DN. Các DN vừa và nhỏ có thể chứng minh năng lực qua các dự án nhỏ hơn hoặc các thành tựu kỹ thuật và tài chính khác. Đồng thời, có các chính sách rõ ràng để ưu tiên SME, đặc biệt là trong các dự án công. Chính phủ sẽ có cơ chế dành một phần các gói thầu dưới 1 ngưỡng giá trị nhất định chỉ riêng cho SME. Các gói thầu lớn hơn cũng khuyến khích sự hợp tác giữa SME và các DN lớn thông qua các hình thức liên danh. Bên cạnh đó, cung cấp nhiều chương trình hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để nâng cao năng lực cho SME.
"Các chương trình này giúp SME cải thiện công nghệ, quy trình làm việc, và năng lực tài chính để tham gia đấu thầu. Như chương trình BuildSG Transformation Fun hoặc KOTEC (Korea Technology Finance Corporation) của Hàn Quốc. Họ cung cấp các khoản vay ưu đãi và bảo lãnh tín dụng cho SME để giúp DN có đủ tài chính tham gia các dự án đấu thầu lớn. Như vậy, việc đấu thầu không chỉ đơn giản là tìm nhà thầu tốt cho các dự án đầu tư công mà còn có tác động lan tỏa rất lớn như mở cơ hội phát triển cho các nhà thầu VN quy mô vừa và nhỏ, nâng cao năng lực ngành xây dựng nước nhà, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế", ông Đ.T nhận định.
Từ quan điểm trên, ông đề xuất trường hợp chưa thể có các chương trình ưu đãi đặc biệt cho khối SME như Hàn Quốc hay Singapore thì nên mở điều kiện để không làm giảm cơ hội tham gia của khối DN này vào các dự án lớn. Cụ thể, nên giảm yêu cầu về quy mô dự án tương đương: có thể xem xét điều chỉnh yêu cầu kinh nghiệm thực hiện dự án từ 50 - 70% xuống còn 30 - 50%; cho phép các DN chứng minh năng lực thông qua việc tích lũy kinh nghiệm từ nhiều dự án nhỏ, thay vì yêu cầu phải có một dự án lớn tương đương.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, nhận định hiện các cơ quan nhà nước sửa đổi, ban hành nhiều quy định để đồng bộ với các luật mới áp dụng theo hướng chặt chẽ, lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) đủ năng lực để tham gia thực hiện dự án là tất yếu. Tuy nhiên, nếu nâng các điều kiện, quy định lên quá cao theo kiểu đánh đố DN là không nên. Chẳng hạn, quy định NĐT đã có kinh nghiệm thực hiện dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu từ 50 - 70% dự án đang xét thầu thì rất ít công ty đáp ứng được. Từ đó sẽ hạn chế các NĐT có năng lực hiện nay mặc dù trước đó họ chưa đầu tư các dự án lớn.
Ông Đính kiến nghị cần điều chỉnh tỷ lệ đối với yếu tố đánh giá tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư tối thiểu xuống từ 20 - 50%. Đồng thời, bỏ yếu tố đánh giá "NĐT đã góp vốn chủ sở hữu với giá trị tối thiểu là 50 - 70% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của dự án đang xét".
Không nên áp tiêu chí về kinh nghiệm cũ, lỗi thời
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu VN, nhận định: Năng lực của các NĐT trong nước nói chung hiện đã tăng mạnh và tiếp cận được việc thực hiện hàng loạt dự án quy mô lớn. Nhưng nếu theo quy định của dự thảo mà Bộ KH-ĐT đang lấy ý kiến là yêu cầu NĐT phải thực hiện dự án có quy mô 50 - 70% với dự án đang xét thầu hay quy định tỷ lệ hoàn thành, nghiệm thu các hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công việc của dự án tương tự trước đó phải đạt tối thiểu 80% là quá cao đối với các DN cũng như gây khó khăn trong quá trình xét chọn hồ sơ thầu. Quy định này đã "trói tay trói chân" DN trong nước.
Trong khi đó, quy định mới của luật Đất đai không cho phép phân lô, bán nền tại 105 TP, thị xã; tăng thêm 81 TP, thị xã so với quy định hiện hành. Nghĩa là phần lớn các dự án NĐT phải xây thô lên mới được bán, đẩy tổng mức đầu tư của dự án lên rất cao. Chẳng hạn, trước đây dự án quy mô 50 ha chỉ khoảng 1.000 - 2.000 tỉ đồng thì đến nay vật giá gia tăng, quy mô dự án cũng sẽ tăng lên ít nhất 4 - 5 lần, tương đương khoảng 5.000 - 6.000 tỉ đồng. Như vậy, lấy con số quy mô dự án đã thực hiện ra đánh giá năng lực của NĐT ở hiện tại là khập khiễng vì không cùng mặt bằng chung.
Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu VN cho rằng cơ quan soạn thảo nên giảm tỷ lệ về quy mô dự án đã thực hiện xuống dưới 50% dự án xét thầu nhưng quan trọng hơn là không nên đưa tiêu chí này là bắt buộc mà chỉ nên để tham khảo.
"Quan trọng nhất là cần đánh giá phương án dự thầu của NĐT về quy hoạch, kiến trúc… để mang lại hiệu quả như thế nào khi dự án được thực hiện. Hơn nữa theo quy định hiện hành, các NĐT có thể xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật là có thể chuyển nhượng nên có thể chỉ xem xét quy mô nguồn vốn chỉ cần đủ để thực hiện xong giai đoạn đầu. Điều này cũng không ảnh hưởng đến tiến độ của dự án hay môi trường đầu tư", ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.
Đồng tình, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về quy mô vốn tối thiểu đối với các dự án tương tự khi đánh giá năng lực của NĐT tham gia đấu thầu. Cụ thể, cân nhắc việc bỏ giới hạn dưới (mức sàn) hoặc có thể quy định mức này thấp hơn, từ 0 - 20% và giảm mức giới hạn trên xuống, tối đa chỉ là 50% giá trị dự án đang xét. Đồng thời, ban soạn thảo không quy định tỷ lệ hoàn thành phần lớn mà để cơ quan có thẩm quyền đối với từng dự án điều chỉnh tỷ lệ theo quy định Thông tư số 09/2021 của Bộ KH-ĐT hoặc điều chỉnh quy định theo hướng giảm mức tối thiểu hạng mục, giá trị dự án đã hoàn thành phần lớn từ 80% xuống còn 50%. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong nước, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, trong việc tổ chức đấu thầu công bằng tại các dự án sử dụng đất có quy mô lớn...
Dự thảo Thông tư quy định liên quan đến điều kiện lựa chọn NĐT để đấu thầu các dự án theo phương án đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất là phải có kinh nghiệm đã thực hiện dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu từ 50 - 70% dự án mời thầu là một tiêu chí quá cao. Quy định này được nhận định là sẽ hạn chế số DN trong nước tham gia đấu thầu để thực hiện dự án quy mô lớn. Từ đó vô hình trung các đại dự án sẽ có nhiều khả năng rơi vào tay các công ty nước ngoài hoặc chỉ vài DN lớn.
Bình luận