Điều trị sớm trẻ sinh non để giúp thoát nguy cơ mù lòa

Duy Tính
Duy Tính
03/02/2018 15:56 GMT+7

Theo thống kê của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc, hằng năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non trên toàn thế giới. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, tần suất sinh non tại Việt Nam là 4%.

Ngày 3.2, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Bệnh lý võng mạc trẻ sinh non”. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu về trẻ sinh non trong nước và quốc tế như Mỹ, Canada…
Tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa sơ sinh BV Từ Dũ (TP.HCM), cho biết theo thống kê của Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc, hằng năm có khoảng 15 triệu trẻ sinh non trên toàn thế giới. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới, tần suất sinh non tại Việt Nam là 4%.
Theo bác sĩ Từ Anh, riêng tại BV Từ Dũ hằng năm có khoảng 65.000 ca sinh, trong đó trẻ sinh non chiếm từ 10-12%. Mặc dù tỉ lệ trẻ sinh non ngày càng tăng, nhưng tỉ lệ tử vong ngày càng giảm theo từng năm, đây là thành quả của việc chăm sóc tích cực trước, trong và sau sinh.
“Gánh nặng về bệnh tật và những di chứng của sinh non là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm của tất cả mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là ngành y tế”, bác sĩ Từ Anh nói.
Điều trị bệnh lý võng mạc tại BV Nhi đồng 1 Ảnh: BVCC
Theo bác sĩ Từ Anh, trẻ sinh non có thể được phát hiện sớm và chăm sóc sớm. BV Từ Dũ đã áp dụng nhiều kỹ như siêu âm do độ dày cổ tử cung để tiên lượng những trường hợp sinh non; xét nghiệm tiên đoán trường hợp sinh non; cho thuốc giúp trưởng thành phổi…
Về hồi sức sau sinh, BV đã làm theo thực hành của Hội nhi khoa, Hội tim mạch Mỹ. BV Từ Dũ đang áp dụng những biện pháp chăm sóc hỗ trợ phát triển và chăm sóc Kangaroo để bảo đảm trẻ sinh non được phát triển tốt hơn.
Cũng theo bác sĩ Từ Anh, việc chăm sóc hỗ trợ phát triển là biện pháp chăm sóc giúp tạo ra một môi trường giảm stress và hỗ trợ phát triển các giác quan cho trẻ từ xúc giác (chăm sóc nhẹ nhàng), khứu giác (giảm mùi gây kích thích cho trẻ), giảm tiếng ồn âm thanh, giảm ánh sáng không cần thiết, giảm đau, bảo đảm những tư thế phù hợp, tôn trọng giấc ngủ trẻ.
Đặc biệt phương pháp Kangaroo mà BV áp dụng tại BV 20 năm qua dành riêng cho trẻ sinh non và nhẹ cân, biện pháp này không chỉ bảo đảm thân nhiệt cho trẻ mà còn hỗ trợ sự phát triển về tâm thần và vận động nhờ sự tiếp xúc da kề da (bé và mẹ) liên tục.
Về mặt bệnh lý liên quan đến trẻ sinh non, bác sĩ Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng Khoa sơ sinh BV Nhi đồng 1, cho biết thêm: bệnh lý võng mạc sinh non (ROP) là bệnh lý thường gặp ở trẻ sinh non, chiếm từ 20-30%. Đây là vấn đề quan trọng ở các nước phát triển. Tỉ lệ bệnh cao ROP cao nhất và di chứng khiếm thị cao nhất gặp ở trẻ sinh non từ dưới 28 - 30 tuần tuổi và trẻ sinh nhẹ dưới 1,5 kg. Ngoài ra, các yêu tố liên quan đến ROP là trẻ có bệnh nền như vàng da sơ sinh, nhiễm trùng huyết, sốc, viêm phổi; phụ thuộc vào các phương pháp chăm sóc, điều trị…
“ROP là nguyên nhân gây mù chính ở trẻ em. Tuy nhiên, bệnh này có thể phòng ngừa và điều trị tốt nếu phát hiện sớm. Kết quả nghiên cứu tại BV Nhi đồng 1 cho thấy kết quả điều trị ROP sau một năm là: 89% số ca có cấu trúc võng mạc tốt, 85% số ca có thị lực tốt, hơn 83% cận thị…”, bác sĩ Kiến Mậu cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.