Điều trị thành công bệnh nhân bị són tiểu 20 năm

Quang Minh Nhật
Quang Minh Nhật
26/05/2022 18:54 GMT+7

Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long vừa điều trị thành công ca bệnh sa bàng quang, són tiểu 20 năm qua.

Nữ bệnh nhân N.T.B.V (50 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) đến Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long thăm khám vì các triệu chứng khối phồng âm đạo và són tiểu khi ho hoặc làm việc nặng. Những triệu chứng này gây phiền toái, làm bệnh nhân phải mặc tã hoặc dùng băng vệ sinh khi đi xa. Người thân cho biết bệnh nhân này đã bị tình trạng nêu trên từ năm 2002 đến nay và đã điều trị nhiều nơi nhưng không thuyên giảm mà bệnh tình ngày càng nặng thêm.

Qua thăm khám và thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tình trạng sa bàng quang (một bệnh lý liên quan sa tạng chậu) và són tiểu. Sau khi hội chẩn, ê kíp bác sĩ quyết định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật sa bàng quang qua ngõ âm đạo nhằm phục hồi thành trước âm đạo bằng mesh (tấm lưới).

Bác sĩ phẫu thuật, chữa trị cho nữ bệnh nhân bị són tiểu 20 năm

Phương Chi

Ca mổ diễn ra trong khoảng 45 phút, bệnh nhân nằm viện 2 ngày và được xuất viện. Lần tái khám ngày 26.5, bệnh nhân đã chấm dứt việc tiểu không kiểm soát, tình trạng sa thành trước âm đạo và bàng quang không còn nữa. Sức khỏe và tâm lý của bệnh nhân đã được cải thiện nhiều.

Theo ThS-BS Nguyễn Đức Duy, Phó trưởng Khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, bệnh sa tạng chậu thường gặp ở các phụ nữ trong độ tuổi từ ngoài 40 do sinh nở nhiều lần, có tiền sử chuyển dạ kéo dài, sanh khó làm cho hệ thống dây chằng, tầng sinh môn tổn thương không giữ được cơ quan vùng tiểu khung. Một số ít phụ nữ trong độ tuổi từ 25 - 30 tuổi dù chưa sinh đẻ nhưng thể trạng yếu cũng có khả năng mắc bệnh sa sinh dục, sa thành trước âm đạo... Đặc biệt, vì mang "bệnh khó nói" nên nhiều phụ nữ mắc bệnh cảm thấy mặc cảm, tự ti, chịu đựng tình trạng bệnh tật kéo dài dẫn tới việc đánh mất cơ hội được điều trị hiệu quả.

Để điều trị bệnh sa tạng chậu, phụ nữ cần chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ, rau quả để ngăn ngừa táo bón; duy trì cân nặng ở mức hợp lý, không để cơ thể béo phì, tập thể dục thường xuyên và thực hành các bài tập theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm tăng cường sức co cơ sàn chậu và luyện cơ sàn chậu.

Khi thấy có những dấu hiệu bất thường trong việc đi tiêu, tiểu hoặc có khối phồng bất thường vùng âm đạo… phụ nữ nên đi khám đúng chuyên khoa sớm nhất để được điều trị kịp thời, đạt hiệu quả và đỡ tốn kém.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.