Bài: Trần Lệ Thủy
Theo số liệu từ chương trình khám mắt học đường do GALEPO và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện trên 10.000 học sinh của 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM ở lớp 6, 7, 8 và 9 thì tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ nói chung là 49,16%, tỷ lệ cận thị là 48,1%. Để góp phần bảo vệ đôi mắt, cần biết vài nét về các chất dinh dưỡng cần thiết cho mắt.
PGS. TS Nguyễn Thị Lâm (Viện phó Viện dinh dưỡng) sẽ đưa ra những thông tin hữu ích giúp độc giả có thêm thông tin dinh dưỡng cho cửa sổ tâm hồn.
Có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho mắt như: vitamin A, B,C, protein, kẽm, selen, phốt pho.. những chất này có nhiều trong các thực phẩm ăn hằng ngày. Do đó, bạn nên lập chế độ ăn uống phù hợp đủ bữa, đủ nhóm chất nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và cho cửa sổ tâm hồn.
Bổ sung dưỡng chất cần thiết
Mỗi loại thực phẩm đều có chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Dưới đây là những nhóm chất rất quan trọng và cần thiết cho mắt mà mỗi người nên bổ sung thường xuyên trong thực đơn hằng ngày.
Axits béo Omega 3, omega 6
Đây là những chất cần thiết cho sự phát triển của thần kinh và thị lực. nhóm thực phẩm giàu omega3, 6 là cá hồi, trứng và các lọai hạt (hạt vừng, bí ngô, hướng dương..), súp lơ, quả óc chó, bắp cải, đậu phụ…
Beta-carotene
một số thực phẩm giàu beta-carotene như: gấc, rau ngót, ớt chuông, rau dền, cà rốt, cần tây, rau đay, dưa hấu, rau muống, đu đủ, mùng tơi, rau lang, xà lách xoong, quýt, dưa bở… Beta – carotene là tiền chất của vitamin A, là chất cần thiết cho mắt, giúp tăng cường thị giác, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi, giúp phòng chống bệnh mù lòa.
Cá cũng được xem là chất dinh dưỡng bảo vệ mắt. Những nhà nghiên cứu Úc đã phát hiện rằng nếu tăng cường khẩu phần cá trong bữa ăn sẽ làm giảm những chứng bệnh về mắt có liên quan đến tuổi tác. Những người ăn cá 4 lần trong một tháng sẽ giảm 50% các chứng bệnh có liên quan đến tuổi tác, trong đó có những bệnh về mắt, hơn là những người chỉ ăn cá một lần trong tháng. Những loại cá có lợi cho mắt bao gồm: hồi, trích, thu, mòi…
Đồng
Đây là một trong những nguyên tố vi lượng quan trọng của cơ thể, có tác dụng quan trọng cho sự hình thành sắc tố, thiếu đồng sẽ dẫn tới các loại bệnh về mắt. Sự trao đổi chất của đồng bất thường có thể gây biến dạng sắc tố võng mạc, ảnh hưởng tới thị giác và tổn thương cơ mắt.
Vitamin E
Đây là chất chống ô xy hóa mạnh, giúp giữ đôi mắt luôn sáng, khỏe, làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác. Các loại dầu ăn từ thực vật có chứa hàm lượng vitamin E cao. Ngoài ra, một số loại thực phẩm khác cũng rất giàu vitamin E có thể kể đến như hạt hạnh nhân, củ cải, rau củ xanh, bơ, đu đủ, khoai môn, kiwi, xoài, cà chua…
Vitamin C
Việc bổ sung đầy đủ lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể sẽ giúp mắt chống lại sự tác động của tia cực tím và giúp các cơ quan ở mắt chống lại quá trình ô xy hóa. Vitamin C còn giúp phòng chống bệnh đục thủy tinh thể. Thiếu vitamin C có thể khiến giác mạc đục mờ và loét giác mạc, từ đó dẫn tới dễ nhiễm trùng giác mạc, thậm chí còn khiến thần kinh thị giác và võng mạc bị viêm. Các loại thực phẩm dồi dào vitamin C bao gồm cam, chanh, ổi, đu đủ, bông cải xanh (súp lơ xanh), su hào, xoài, dầu, dứa…
Vitamin B1, B2
Thiếu vitamin B1, B2 có thể gây nên tình trạng viêm dây thần kinh thị giác, khiến chảy nước mắt, mắt đỏ, ngứa, viêm bờ mì, đục thủy tinh thể… Để bổ sung vitamin B1, B2 nên kết bạn với các loại thực phẩm như hạt óc chó, hạt điều, quả bơ, cháo yến mạch, cà chua, măng tây, bí đỏ, rau dền, khoai lang, đậu xanh, đậu phộng…
Cung cấp chất khoáng vi lượng
Dù là protein, nguyên tố vi lượng hay vitamin, thiếu bất kỳ chất dinh dưỡng nào đều có thể gây ra chứng cận thị hoặc khiến mức độ cận thị gia tăng. Do đó, nên bổ sung đầy đủ các vi lượng sau để giúp bảo vệ mắt hiệu quả.
Lutein
Lutein là một chất chống oxy hóa đặc biệt giúp cải thiện tầm nhìn cho mắt. Lutein quan trọng đối với sức khỏe của mắt bởi lutein chính là loại carotenoit được đặt ở điểm vàng – phần trung tâm của võng mạc. Thực phẩm có chứa nhiều lutein: các loại trái cây có màu vàng hoặc màu cam (như dưa vàng, đào, mơ, đu đủ, xoài), cà chua, các loại thảo dược (như thì là, rau mùi tây, cải xoong), bột cà ri.
Phốt pho
Phốt pho đóng vai trò quan trong trong việc duy trì độ dẻo dai của võng mạc. Phốt pho có nhiều trong các thức ăn như cá, tôm, sò, sữa… Ngoài ra rau bina (rau chân vịt, rau bó xôi) cung cấp 4 thành phần dinh dưỡng bảo vệ mắt là vitamin C, beta-carotene, lutein và zeaxanthin, phốt pho.. Mật độ sắc tố của tế bào càng dày đặc thì càng bảo vệ võng mạc mắt tốt hơn, như thế sẽ làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể.
Kẽm
Đây là nguyên tố vi lượng rất tốt cho mắt. Kẽm hỗ trợ đưa vitamin A vào võng mạc giúp phòng ngừa thiếu vitamin A ở mắt, chống suy giảm thị lực. Kẽm đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, là trung tâm hoạt động của nhiều enzym. Hàm lượng kẽm trong mắt người tương đối cao. Trong đó màng mắt, võng mạc mắt cần hàm lượng kẽm cao nhất. Thiếu kẽm có thể liên quan đến bệnh thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi, bệnh quáng gà. Việc thiếu kẽm cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới thị lực và năng lực thích ứng. Để bổ sung lượng kẽm cần thiết mỗi ngày, nên lựa chọn một số thực phẩm như hạt hướng dương, đậu phụ, sữa, thịt bò, thị gà, sò huyết…
Selen
Selen cũng là một khoáng chất rất tốt cho mắt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu lượng selen trong cơ thể thấp thì có thể gây đục thủy tinh thể. Vì vậy cũng cần bổ sung đủ lượng selen để duy trì một đôi mắt khỏe đẹp. Nguồn thực phẩm chứa nhiều selen: gạo lức, bột yến mạch, thịt bò, các thu, cá ba sa, các loại gia vị như tỏi…
Hiện nay có nhiều biện pháp giúp cải thiện và duy trì một đôi mắt khỏe đẹp, nhưng biện pháp tốt nhất vẫn là đảm bảo một chế độ ăn hợp lý và cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như đã đề cập ở trên. Bên cạnh đó cũng cần phải lưu ý đến các thói quen sinh hoạt, lối sống có ảnh hưởng đến mắt như hạn chế xem tivi hay ngồi trước màn hình máy tính quá lâu và rèn luyện thói quen tập luyện các bài tập tốt cho mắt. Bởi đó cũng là những yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển thị lực của chúng ta.