Định giá carbon sẽ giúp thế giới đạt mục tiêu giảm phát thải?

31/10/2021 14:20 GMT+7

Nhiều quốc gia đã cam kết đạt được mục tiêu phát thải “bằng không” vào năm 2050 để ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu . Tại hội nghị khí hậu của LHQ , COP26, bắt đầu ở Scotland vào cuối tháng 10, việc thiết lập một cơ chế định giá toàn cầu cho lượng khí thải CO2 có thể là cách để đạt được điều đó.

Hội nghị năm nay nhằm đảm bảo thực hiện nhiều hành động mạnh mẽ hơn nữa từ gần 200 quốc gia đã ký Thỏa thuận Paris năm 2015 trong việc giữ mức ấm lên toàn cầu ở 1,5 độ C và trung hòa trọn vẹn lượng phát thải khí nhà kính vào giữa thế kỷ 21.

Định giá cho lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu là một trong những cơ chế mà họ hi vọng có thể giúp đạt được điều đó.

Ông Francesco Starace, Giám đốc điều hành của nhà phân phối năng lượng lớn nhất châu Âu Enel, nói: “Chúng ta không hoàn toàn đang đi đúng hướng với mục tiêu trong ngắn hạn liên quan đến trung hòa phát thải khí nhà kính. Chúng ta cần đạt được mục tiêu ngắn hạn, nghĩa là vào năm 2030, nếu chúng ta muốn có hy vọng đạt trọn vẹn mục tiêu vào năm 2050 hoặc sớm hơn.”

Ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu, tổ chức một cuộc họp báo tiền COP26 tại Milan (Ý), ngày 2.10

reuters

Nhiều quốc gia đã cam kết đạt được mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2050. Nhưng nếu không định giá CO2, rất khó để các chính phủ khó buộc những người gây ô nhiễm cắt giảm lượng khí thải mà không khiến họ phải chịu bất lợi một cách không hợp lý. Tương tự, sẽ rất khó để giới đầu tư đánh giá rủi ro, hoặc cho các công ty biết trước những chi phí sẽ phát sinh.

Bob Dudley, cựu giám đốc của công ty dầu khí BP và hiện là chủ tịch của Sáng kiến Khí hậu Dầu khí, một tổ chức đang cố gắng giúp ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch giảm lượng phát thải, cho biết việc định giá hợp lý là một trong năm mục tiêu chính của nhóm ông.

Hơi nước bốc lên từ 5 tổ máy nhiệt điện than nâu của RWE, một trong những công ty điện lớn nhất châu Âu ở Neurath (phía tây bắc Cologne, Đức)

reuters

Ông Theodor Swedjemark, làm việc tại tập đoàn kỹ thuật năng lượng châu Âu ABB, cho biết “điều chỉnh các chính sách thương mại dựa trên carbon” là một trong những yêu cầu chính của cộng đồng doanh nghiệp từ COP26. Ngân hàng Thế giới cho biết trong năm 2020, chỉ 22% lượng khí thải toàn cầu được nằm trong các cơ chế định giá. Và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra mức giá trung bình toàn cầu chỉ 3 USD/tấn.

Tuy nhiên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính rằng cần đạt được mức giá 147 USD trước năm 2030 để tạo ra đủ động lực kinh tế cho các bên sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch để giảm lượng khí thải đến năm 2050.

Nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg cầm tấm biểu ngữ có nội dung "Đình công học đường vì khí hậu" biểu tình trước Quốc hội Thụy Điển ở Stockholm (Thụy Điển), ngày 15.10

reuters

Thách thức là vô cùng lớn để tìm ra một giải pháp tiêu chuẩn tại COP26 cho các nền kinh tế công nghiệp hóa cũng như đang phát triển. Ông Tengku Muhammad Taufik, giám đốc điều hành của công ty năng lượng quốc doanh Malaysia Petronas, đã lưu ý tại một hội nghị vào tháng 10 rằng carbon hiện có giá khoảng 5-10 USD/tấn ở các nền kinh tế Đông Nam Á, so với mức giá lên đến hơn 130 USD ở Thụy Điển.

Ông Francesco Starace nhấn mạnh điều quan trọng là phải bắt tay vào làm để giảm phát thải. “Dù cho cơ chế có là gì thì hãy định giá carbon trong lãnh thổ, tiểu bang, chính phủ của riêng bạn đi, cứ định giá đi rồi hẵng lo đến việc giá carbon đó có liên quan như thế nào với giá carbon khác. Bởi vì nếu bắt đầu bằng định giá thì cuối cùng điều này sẽ được điều chỉnh thôi.”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.