Chủ tịch Hội Khuyến học làng Thanh Quýt (Điện Bàn, Quảng Nam) trong lời khai mạc đọc tại lễ trao thưởng khuyến học cho 67 tân sinh viên (SV) và 20 học sinh nghèo tại sân đình làng sáng mùng 4 tết cho rằng: “Đã 14 năm nay, hoạt động này được duy trì thường xuyên. Đó là nhờ sự đóng góp của các mạnh thường quân là người của làng hiện sinh sống tại Mỹ, Úc hay đang kinh doanh làm ăn ở Sài Gòn, Đà Nẵng”.
Theo ông, có doanh nghiệp hoạt động ngay trên địa bàn như Doanh nghiệp tư nhân Hòa Thắng cũng đóng góp hàng chục triệu đồng tài trợ cho các SV khó khăn đến khi em ấy ra trường và lo cho em khác. Có cụ ông Nguyễn Văn Đường và con ông là nhà giáo Nguyễn Văn Đoàn tết nào cũng trao 20 suất học bổng cho học sinh nghèo… Chính các nguồn lực ấy đã nuôi dưỡng được phong trào khuyến học của làng phát triển.
Các tân SV vừa đậu ĐH mấy tháng trước, về ăn tết ở quê cũng hăm hở ra đình. Một em nói: “Được về đình làng trong dịp đầu năm là vinh dự của chúng em. Đây chính là ngôi nhà chung của làng xã từ mấy trăm năm nên rất có ý nghĩa. Chúng em về đây chính là về lại cội nguồn của làng mình, của các thế hệ cha ông”. Đình làng Thanh Quýt là một di tích lịch sử được xếp hạng. Tên làng được tiến sĩ Dương Văn An ghi nhận là 66 làng cổ của Điện Bàn từ năm 1555. Biết bao sự kiện lịch sử văn hóa đã được ngôi đình này chứng kiến…
Làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung - một “nhất xã nhất làng” hiếm hoi còn lại trong xu thế thay đổi địa danh địa vực diễn ra lâu nay, vẫn giữ được truyền thống của mình ngay cả khi tốc độ đô thị hóa đang phát triển. Riêng phong trào khuyến học, cả làng đã hình thành 4 cấp: từ tộc họ, đến thôn, trường học và toàn xã. Đây cũng là mô hình khuyến học được vinh danh của cả tỉnh Quảng Nam và TX.Điện Bàn trong mấy năm qua. Nhiều bạn trẻ từng được tuyên dương tại đình làng giờ là du học sinh ở nước ngoài. Năm nay có cả chục em đậu cao vào các trường ĐH như Y Dược TP.HCM, Y khoa Huế, Bách khoa Đà Nẵng. Từ khi có phong trào khuyến học 15 năm trước, cả làng có thêm 3 tiến sĩ và gần 30 thạc sĩ các ngành. Nhiều bạn trẻ hiện là cán bộ giảng dạy ở các ĐH hoặc giữ vị trí quan trọng trong nghiên cứu, quản lý ở Quảng Nam, TP.Đà Nẵng và nhiều thành phố khác…
Nhưng cũng như các lớp đi trước, đến ngày tết họ đều về làng hoặc gửi về những món quà để động viên các lớp đàn em… Thạc sĩ sử học Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Sử, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, nói tại buổi lễ trao học bổng khuyến học đầu năm: “Ai đi đâu, làm gì thì cứ hẹn nhau về đình làng mỗi mùng 4 tết, đơn giản vậy thôi!”. Doanh nhân - thạc sĩ Trương Công Thạnh, cựu SV ngành cơ khí tự động, hiện là Giám đốc Công ty Trương Nguyễn tại TP.HCM, nói thêm: “Về đây thì không bao giờ “lạc” nhau được, bởi đây là nơi hội tụ”.
Bình luận (0)