Văn Hậu bị chấn thương sụn chêm và lên bàn mổ vào tháng 12 năm ngoái. Sau đó, anh được CLB Hà Nội đưa sang PVF điều trị cùng các chuyên gia vật lý trị liệu, đến ngày 6.5 kết thúc quá trình phục hồi chức năng.
Chấn thương của Hậu tuy không quá nghiêm trọng như đứt dây chằng nhưng theo các bác sỹ thể thao, sụn chêm khi bị tổn thương ở mức độ nặng (phải mổ) thì dễ tái phát nếu không điều trị và hồi phục đúng cách.
Trước đợt tập trung chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam và đội Hà Nội nhận được văn bản báo cáo về quá trình hồi phục của Văn Hậu. PV cho biết: “Trong thời gian điều trị tại PVF, cầu thủ Văn Hậu đã tập luyện theo quy trình hồi phục chức năng với mục tiêu khôi phục chức năng, sức mạnh cũng như sự tự tin cho phần đầu gối phải. Chúng tôi cũng áp dụng một chương trình tập luyện thể lực tim mạch tăng dần (đạp xe, HIIT, chạy) để giữ thể lực cho cầu thủ. Văn Hậu hiện tại đã có thể chạy nước rút, chuyền, tạt cũng như sút bóng”.
|
PVF cho biết: “Hiện tại, Văn Hậu đang ở trong kỳ cuối của quá trình phục hồi (giai đoạn chuẩn bị cho quay lại thi đấu, bao gồm chủ đạo là các bài tập với bóng chuyên biệt. Văn Hậu hiện đã có thể tập luyện từng phần với đội, tuy nhiên khối lượng tập luyện cần được điều chỉnh tăng dần dần”.
Có thể trong 1 tuần tập riêng vừa qua (tập tại sân và tại phòng gym), bác sỹ Choi đã dự đoán được phần nào khả năng hồi phục của Hậu nên ông đã báo cáo với ông Park. HLV trưởng đã quyết định để Hậu tập cùng các anh em khác.
Tuy nhiên, bài học về Đình Trọng vẫn còn nguyên giá trị thời sự mà với Văn Hậu, rất mong Ban huấn luyện và các bác sỹ đội tuyển cần thận trọng để anh không đi lại vết xe đổ của đàn anh.
|
Đình Trọng bị chấn thương dây chằng vào tháng 6.2019 và khi tái khám tại Singapore – nơi anh đã được tiến hành phẫu thuật đầu gối, Trọng đã bị bác sỹ Singapore phê bình vì đã trở lại quá sớm. Không những chấn thương bị tái phát mà còn phát sinh thêm chấn thương khác khiến thể lực của Trọng bị ảnh hưởng. Trước vòng chung kết U.23 châu Á 2020 thi đấu đầu năm ngoái, Trọng chưa khỏi hẳn, thậm chí vẫn bị đau nhưng anh vẫn được gọi vào đội U.23 Việt Nam.
Tại giải đấu này, Trọng đã thi đấu rất nỗ lực nhưng khi về nước, chấn thương của anh tái phát, bị ra dịch đầu gối. Trọng tiếp tục nghỉ thi đấu tại V-League một chặng dài. Đến mùa giải năm nay, Trọng mới được đăng ký thi đấu nhưng ở một số trận, khi được vào sân từ ghế dự bị, Trọng chỉ đạt 50-60% phong độ, cảm giác bóng của anh chưa thực sự tốt.
Trọng vẫn được gọi vào đội tuyển Việt Nam đợt này nhưng khả năng anh đá chính là rất thấp. Nhắc lại trường hợp của Đình Trọng và mong Văn Hậu không bị như Trọng.
|
Xin nhắc lại, trong báo cáo gửi đội tuyển Việt Nam, PVF cũng nêu rõ: “Văn Hậu cũng cần được theo dõi tình trạng gối để tránh quá tải. Chúng tôi sẽ cung cấp cho cầu thủ một chương trình tập để tự tập luyện bên cạnh các buổi tập với đội nhằm tiếp tục phục hồi khả năng của chi dưới và giảm thiểu nguy cơ tái chấn thương trong tương lai.
Chúng tôi khuyến nghị Văn Hậu cũng như các cán bộ nhân viên làm việc với Hậu, cần tuân thủ giai đoạn 3-4 tuần tập luyện thích nghi với đội theo cường độ tăng dần trước khi cho cầu thủ tham gia thi đấu chính thức.
Vui lòng lưu ý: Do vừa trải qua chấn thương dài hạn nên cầu thủ Văn Hậu sẽ cần thời gian để lấy lại phong độ thi đấu trước đây”.
Bình luận (0)