Đìu hiu làng đóng thuyền

01/10/2013 10:51 GMT+7

Mùa này biển động, cũng là khi ngư dân tính chuyện đầu tư đóng mới tàu cá, nhưng trên bãi đà đóng thuyền Tam Phú (thôn Tân Phú, X.Tam Phú, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) vẫn đìu hiu chờ đơn hàng.

 Đóng tàu
Ông Trần Ngọc Văn luôn nghĩ phải giữ nghề vì “giữ nghề cũng là giữ chủ quyền biển đảo” - Ảnh: H.S

100 năm hưng thịnh

Trước, bến sông Bàn Thạch, trên đà đóng tàu của mỗi nhà khi nào cũng có vài chiếc đang tu sửa hoặc được đóng mới. Nghề thịnh đến mức, tranh thủ những giờ nhàn rỗi hiếm hoi trong năm làm sẵn thuyền để bán mà không phải lo không có người mua. Ông Trần Ngọc Văn (75 tuổi), một thợ lão luyện nhớ lại: “Trên bến sông khi nào cũng tấp nập người ra vào. Quanh năm suốt tháng tay đục tay búa đóng tàu mà làm không kịp. Ngư dân từ trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận đổ về đặt hàng”.

 

Tỉnh Quảng Nam đã quyết định đầu tư 1,6 tỉ đồng để làm đường giao thông, tạo thuận lợi cho làng nghề khôi phục. Nhưng, hiện tuyến đường vẫn vướng giải tỏa mặt bằng, đường bị cắt thành từng đoạn, không đáp ứng việc vận chuyển vật liệu, thiết bị phục vụ đóng tàu.

Cụ Trần Bến (cha ông Văn), người đầu tiên mang nghề vào làng, đến nay đã không dưới 100 năm. Khi từ vùng Tam Tiến (H.Núi Thành) vào đây lập nghiệp, cụ Bến dẫn thêm ba người họ hàng là Tường, Tịnh và Quảng đi khắp nơi để sửa thuyền, bè cho người dân. Có ít vốn, bốn người chia nhau ra dọc bờ sông Bàn Thạch để “cắm dùi”, từ đó truyền nghề cho con cháu. Vài chục năm về sau, nghề đóng tàu Tam Phú có lúc lên đến hàng chục cơ sở lớn, nhỏ. Khi cụ Trần Bến mất, cụ được tôn vinh là ông tổ nghề.

Ông Võ Thanh Phúc (71 tuổi) cho biết, đóng tàu thì cơ bản nơi nào cũng giống nhau, nhưng thường thì tàu được đóng từ làng ông có độ bền cao hơn. “Hữu xạ tự nhiên hương”, suốt lịch sử làng nghề 100 năm qua, ngư dân khắp nơi tin tưởng giao phó cả “cơ ngơi” trị giá hàng trăm triệu cho người thợ đóng tàu Tam Phú. Hàng năm, từ ngôi làng này, hàng chục con tàu lớn nhỏ, công suất từ 30 - 100 CV hạ thủy, tiến ra biển khơi.

“Giữ nghề cũng là giữ chủ quyền biển đảo”

Giờ, nghề xưa sa sút thấy rõ. Dọc bến sông nay chỉ còn vài xưởng đóng sửa tàu thuyền hoạt động cầm chừng. Không ít thợ lành nghề chuyển sang làm thợ… đụng. Hôm chúng tôi đến, ông Võ Thanh Phúc tỏ vẻ chán nản vì đến thời điểm này mà chỉ nhận được một đơn hàng đóng ghe. “Đến đời thứ 4 chắc hết người nối nghề. Chúng tôi phải cố trụ lại vì là nghề của cha ông”, ông trải lòng: “Tôi khuyên con cháu cố gắng học hành nên tài, nếu không thì về làng làm thợ đóng tàu. Đất nước ta đang khuyến khích tàu thuyền bám biển. Người ngư dân vững vàng giữa sóng gió cũng cần lắm con tàu bền bỉ”.

Nhiều lão thợ đóng thuyền Tam Phú kể rằng, từ khi ra đời cho đến những năm 1984 - 1987, làng nghề phát triển đến đỉnh cao. Đó là kết quả của sự ra đời hợp tác xã đóng tàu do ông Trần Ngọc Văn và ông Trương Ngọc Bích làm ban chủ nhiệm. Khoảng 5 năm trở lại đây, nghề đóng tàu Tam Phú suy yếu do kiểu làm ăn tư nhân, mạnh ai nấy làm. Để tồn tại với nghề, thợ đóng tàu Tam Phú chỉ dám nhận vài con ghe, hoặc nhận gia công cho các chủ xưởng ngoài vùng. Dù nghề xưa đang khốn đốn nhưng các lão thợ: Trần Ngọc Văn, Trương Ngọc Bích, Võ Thanh Phúc... vẫn lạc quan và tin rằng, có ngày nghề sẽ “phục hưng”. “Nghề chúng tôi là người tạo ra những con tàu đương đầu với bão tố, đến những vùng biển chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Giữ nghề cũng là giữ chủ quyền biển đảo vậy...” ông Phúc quả quyết.

Hoàng Sơn

>> Tiếp tục hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn
>> Lúng túng dự án đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân
>> Đóng tàu lớn vươn khơi
>> Công nhân đóng tàu chuyển nghề… đánh cá
>> Hỗ trợ ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa đóng tàu cá mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.