Đỏ mắt tìm căn hộ giá 40 triệu đồng/m2 ở TP.HCM

Đình Sơn
Đình Sơn
31/10/2022 15:13 GMT+7

Thống kê trong quý 3/2022 cho thấy gần như những căn hộ có giá khoảng 35 triệu đồng/m 2 đã "tuyệt chủng", thậm chí căn hộ giá dưới 40 triệu đồng/m 2 cũng rất khó tìm. Giá bất động sản đang “neo” ở mức cao khiến cơ hội mua nhà của người làm công ăn lương trở nên quá xa vời.

60% nguồn cung mới có giá hơn 11 tỉ đồng/căn

Theo báo cáo mới nhất từ CBRE Việt Nam, phân khúc cao cấp tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thị trường trong suốt 3 năm vừa qua, chiếm 76% nguồn cung mới quý này. Phân khúc hạng sang chiếm khoảng 13% thị trường với các dự án lần lượt nằm ở quận 1, TP.Thủ Đức và quận 7. Phân khúc trung cấp chỉ ghi nhận duy nhất đợt mở bán của một dự án tại khu vực TP.Thủ Đức trong khi phân khúc bình dân tiếp tục biến mất khỏi thị trường kể từ năm 2019. Giá sơ cấp trung bình trên toàn thị trường đạt mức 2.545 USD/m2, tăng 3,4% so với quý trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo CBRE Việt Nam, trong quý 4/2022, TP.HCM sẽ chào đón khoảng 1.822 căn hộ mới từ 11 dự án (65% tập trung chủ yếu tại khu vực phía đông thành phố), nâng tổng nguồn cung mới dự kiến trong năm 2022 lên 20.054 căn. Trong đó, phân khúc cao cấp và hạng sang sẽ tiếp tục dẫn dắt nguồn cung mới trong các tháng cuối năm nay, với 66% nguồn cung mới thuộc phân khúc cao cấp, 31% thuộc phân khúc hạng sang và chỉ 3% là căn hộ thuộc phân khúc trung cấp.

Một báo cáo của Công ty Savills Việt Nam cũng đưa ra thông tin, lần đầu tiên thị trường căn hộ TP.HCM chứng kiến đến 60% nguồn cung mới có giá trị lên đến hơn 11 tỉ đồng/căn, với giá mở bán trung bình 124 triệu đồng/m2. Đối với những dự án đã ra mắt trên thị trường, giá bán của các giai đoạn tiếp theo cũng tăng 10%.

Giá bất động sản neo ở mức cao khiến khả năng tiếp cận của người dân vô cùng khó khăn

ĐÌNH SƠN

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Tập đoàn DKRA nhận định, đối với thị trường TP.HCM, việc lệch pha cung cầu đã diễn ra từ năm 2018 đến nay. Đầu tiên là lệch pha về khu vực, nguồn cung căn hộ ở TP.HCM chủ yếu tập trung ở khu đông (TP.Thủ Đức). Thứ 2 là các dự án căn hộ tại TP.HCM chủ yếu tập trung vào căn hộ cao cấp. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nguồn cung căn hộ bình dân có mức giá dưới 35 triệu đồng/m2 gần như mất tích trên thị trường. Thậm chí, những dự án căn hộ có mức giá dưới 40 triệu đồng/m2 cũng rất khó để tìm.

Trong khi đó, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đã nhận được quan tâm rất lớn từ cấp Chính phủ và được các tập đoàn bất động sản lớn đồng hành như: Vingroup, Sun Group, Him Lam, Bitexco, Hưng Thịnh… với trên 1 triệu căn nhà ở xã hội. Song, nguồn cung cho loại hình này vẫn vô cùng "nhỏ giọt" và vẫn chưa thể đáp ứng phần lớn nhu cầu.

Cần nới room tín dụng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, so với 2017 là năm thị trường bất động sản tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, thì từ 2018 đến nay đã xuất hiện rõ rệt tình trạng lệch pha cung - cầu, sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền. TP.HCM đã xuất hiện tình trạng giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây và hiện nay tuy giao dịch nhà đất dù đã có dấu hiệu trầm lắng, nhưng giá vẫn còn neo giữ mức giá cao.

Trong đó giá nhà bình dân (khoảng 2 tỉ đồng trở lại, dưới 30 triệu đồng/m2) cũng đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. Nếu so sánh với giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển chỉ cao gấp khoảng 6 - 7 lần mức thu nhập, nên người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư khó có cơ hội tạo lập nhà ở nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ.

“Từ năm 2019 đến nay, đã xuất hiện dự án và căn hộ bất động sản siêu sang với giá rao bán lên đến trên dưới 500 triệu đồng/m2, cá biệt có mức giá đến 1 tỉ đồng/m2. Một số địa bàn bị giới đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương đầu cơ, làm giá, thổi giá tạo ra các đợt sốt giá ảo đất nền, đất nông nghiệp (như đã xảy ra tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn) tác động xấu đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản”, ông Lê Hoàng Châu cho hay.

Nhiều kiến nghị hạ giá bất động sản được đưa ra nhất là thay đổi về chính sách

ĐÌNH SƠN

Nhiều chuyên gia tính toán, với thu nhập hiện nay của người làm công ăn lương so với giá bất động sản, phải mất 120 năm lao động cật lực và tích cóp mới mong mua được nhà tại TP.HCM.

Để giải quyết việc thiếu hụt nguồn cung và sự mất cân xứng giữa các phân khúc, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Nhà nước và các ban ngành cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước xem xét có thể nới room tín dụng thêm 1 - 2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100 - 200 ngàn tỉ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm; tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.

Để giải quyết vấn đề lệch pha cung cầu và gia tăng nhà ở vừa túi tiền, nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ. Trong đó, cần triển khai chương trình nhà ở quốc gia mang tính dài hơi và đồng bộ, đẩy nhanh việc sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp độc lập tương tự các nước phát triển.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng hành lang pháp lý xét duyệt đối tượng được mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp phù hợp với đặc thù kinh tế của từng khu vực, địa phương và vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, người mua tiếp cận với nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi cần được quan tâm xúc tiến.

Ông Võ Hồng Thắng cũng kiến nghị cần triển khai chương trình nhà ở quốc gia mang tính dài hơi và đồng bộ; đẩy nhanh sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và bổ sung quỹ đất; xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến xét duyệt đối tượng mua, nguồn vốn vay ưu đãi; rút ngắn quy trình thủ tục cấp phép dự án; xây dựng nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp và người mua với lãi suất phù hợp…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.