Sai phạm đất đai do địa phương buông lỏng quản lý

31/10/2022 06:30 GMT+7

Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chương trình giám sát tối cao năm 2022, Đoàn giám sát Quốc hội đã giám sát việc thực hiện chính sách , pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, trong đó có lĩnh vực đất đai.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội, nhiều địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án (DA) treo, DA chậm tiến độ, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100.000 ha đất của các DA chậm triển khai. Đơn cử như Ninh Bình thu hồi 725 DA treo (1.795 ha) sau 3 năm không triển khai; Đồng Nai thu hồi 376 DA với diện tích 3.875 ha...

Cỏ dại mọc um tùm tại khu vực đất dự án tại khu đô thị mới Thịnh Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội)

QUỲNH VÂN

Tuy nhiên, Đoàn giám sát Quốc hội cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, bất cập như hiệu quả khai thác, sử dụng đất chưa cao; hầu hết các địa phương không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến DA treo lớn. Chỉ tính riêng 7 địa phương là TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang và Ninh Bình, số DA đã được cấp phép nhưng sau 3 năm không triển khai được, phải tuyên bố hủy bỏ lên tới 1.739 DA với hơn 12.000 ha. Bên cạnh đó, có 6.225 DA (30.849 ha) được nhà nước giao đất, cho thuê đất và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng cũng chậm sử dụng đất, phát sinh khiếu kiện; nhiều dự án tình trạng hoang hóa đã kéo dài hàng chục năm.

Kết quả giám sát tại nhiều địa phương cũng cho thấy, thời gian chậm đưa đất vào sử dụng tại các DA, công trình phổ biến từ 1 - 2 năm, cá biệt có DA sau 15 năm kể từ ngày được bàn giao đất đến nay đất vẫn bỏ hoang, chủ đầu tư cũng không có văn bản giải trình. Đơn cử như DA trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân khu vực Đông Nam bộ (tại TP.Bà Rịa, Bà Rịa-Vũng Tàu) thuộc T.Ư Hội Nông dân VN làm chủ đầu tư với diện tích 2,1 ha. DA được tỉnh bàn giao đất từ năm 2007, nhưng đến nay sau 15 năm khu đất vẫn chỉ có tường rào kiên cố, chưa xây dựng công trình...

Cũng theo Đoàn giám sát Quốc hội, diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương. Rất nhiều DA vi phạm kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, nhưng chưa được khắc phục, xử lý.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ từ các bộ, ngành, địa phương, giai đoạn 2016 - 2021 vẫn còn 74.378 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là 49.541 ha. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ, chỉ có 286 tỉ đồng.

Kết luận giám sát cho rằng nguyên nhân do nhiều bộ, ngành, địa phương thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém, buông lỏng trong quản lý, sử dụng đất đai hoặc cố tình thực hiện trái pháp luật. Một số địa phương giao DA cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính dẫn đến DA chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, lãng phí...

“Trách nhiệm chính để xảy ra các tồn tại, sai phạm về đất đai thuộc về các cấp chính quyền địa phương, có sự buông lỏng trong quản lý, phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm. Nhiều cá nhân có thẩm quyền có liên đới lợi ích, tiêu cực tham nhũng khi giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất”, Đoàn giám sát Quốc hội nêu.

Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng có trách nhiệm do chậm tham mưu trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật; Sở TN-MT các địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát. Bộ Tài chính và các Sở Tài chính chưa thường xuyên đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng tiền sử dụng đất...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.