Đô thị... ngập: Kỳ 3- Phố cũng như sông

28/12/2021 11:23 GMT+7

Cứ sau những cơn mưa lớn, khu vực nội thị TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), TP.Đông Hà (Quảng Trị) phố biến thành sông. Ngập lụt làm đảo lộn cuộc sống người dân.

Những năm gần đây, cứ sau những đợt mưa lớn, khu vực nội thị TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) lại ngập sâu cục bộ. Còn TP.Đông Hà (Quảng Trị) hễ mưa là phố biến thành sông.

Trung tâm phố biến thành sông

Đợt mưa lớn vào cuối tháng 10 vừa qua đã khiến nhiều khu vực tại TP.Tam Kỳ ngập sâu trong nước. Nhiều tuyến đường, khu dân cư ngập gần 2 m. Điều đáng nói, TP.Tam Kỳ không phải nằm khu vực “rốn lũ” như các địa phương ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn.

Người dân TP.Tam Kỳ, Quảng Nam phải dùng ghe đi lại do nước lũ ngập sâu

mạnh cường

Ông Mai Tấn Cảm (60 tuổi, ở xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết trận “đại hồng thủy” lịch sử năm 1999, nước ngập nhấn chìm nhiều nhà cửa, làng mạc. Gần 20 năm sau đó, chưa bao giờ người dân Tam Thăng chứng kiến cảnh tương tự. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng ngập nặng tái diễn. “Ở đây bà con nhận thấy là từ khi TP.Tam Kỳ xây dựng tuyến đê bao sông Tam Kỳ đã cản trở dòng thoát lũ. Vì vậy, cứ có trận mưa lớn là nhiều nơi bị ngập sâu, nhiều tài sản bị ngập trong nước hư hỏng hết, chưa kể hoa màu thiệt hại nặng do nước ngập, ứ lâu. Cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn do tình trạng ngập lụt này”, ông Cảm nói.

Không riêng xã Tam Thăng, người dân ở nhiều phường của TP.Tam Kỳ cũng khổ sở vì ngập lụt. Những năm gần đây, mưa lớn thường kéo dài cộng với thủy triều lên và hồ thủy lợi Phú Ninh xả lũ điều tiết dẫn tới tình trạng cả thành phố ngập sâu trong nước.

Bà Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, ở P.Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết chỉ trong tháng 10, gia đình bà cùng hàng trăm hộ dân khác phải chạy ngập lụt ngay trong đêm. Nước ngập dâng nhanh khiến trở tay không kịp. “Người dân chịu cảnh chạy ngập lụt khoảng 3 năm trở lại đây. quá quen với cảnh sống chung với lũ, ở thành phố mà cũng phải chạy ngập lụt, rất ngao ngán”, bà Hoa nói.

Theo bà Hoa, ngập lụt không phải rút liền mà 2 - 3 ngày mới rút, gây rất nhiều khó khăn cho người dân trong việc sinh hoạt, đi lại. Đặc biệt, là tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gây ra không ít bệnh tật. “Người dân chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh, thành phố sớm có những giải pháp đồng bộ, giải quyết tình trạng ngập lụt kéo dài này để người dân ổn định cuộc sống, không còn cảnh chạy lũ nữa”, bà Hoa nói.

Vài năm trở lại đây, tình trạng ngập lụt cục bộ ở nhiều khu dân cư ở TP.Đông Hà (Quảng Trị) đã trở nên rất phổ biến. Tại những con đường lớn như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trường Chinh, QL9… cũng dễ biến thành sông nếu có mưa lớn.

Người dân ở hẻm Lê Lợi (TP.Đông Hà, Quảng Trị) lội bì bõm trong nước, khi phố biến thành sông

NGUYỄN PHÚC

Tình trạng “sông hóa” đô thị Đông Hà đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực các hẻm nhỏ của đường Lê Lợi và đường Trường Chinh. Chỉ trong tháng 10, người dân quanh khu vực này đã 3 lần bị nước tràn vào nhà, có nơi ngập sâu hơn 1 m, nhấn chìm nhiều tài sản và cuộc sống rất khổ sở.

Hôm 28.10, PV Thanh Niên đã lội nước ngập gần tới ngực, vào trong các con hẻm số 90, hẻm 104, hẻm 154 đường Lê Lợi để ghi nhận tình hình. Người dân nơi đây hết sức bức xúc vì cho rằng nguyên nhân của vấn nạn này là do việc xây dựng nhà cửa, cống thoát nước không hợp lý, chứ từ 2018 trở về trước, hiện tượng này không xảy ra… “Mong chính quyền xem xét xử lý, chứ chỗ chúng tôi ở giờ như túi nước, mưa lớn là lút nhà, khổ không sao kể nổi”, ông Nguyễn Hữu Soái (sống ở hẻm 104 Lê Lợi) nói.

Trong khi đó, tại đường Trường Chinh (giao nhau với đường Lê Lợi), nơi có Trường THCS Phan Đình Phùng, cũng bị nước ngập bao vây. Cứ mỗi khi gặp ngập lụt, lãnh đạo nhà trường phải “cầu cứu” lực lượng công an cứu hộ, cứu nạn sử dụng xuồng hơi, đưa học sinh ra ngoài.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, TP.Đông Hà có diện tích 72,96 km2, với trên 101.000 dân, dù nhỏ nhưng số lượng các điểm ngập cục bộ trong lòng thành phố là khá lớn và tăng dần cùng với sự phát triển đô thị.

“Người dân chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh, thành phố sớm có những giải pháp đồng bộ, giải quyết tình trạng ngập lụt kéo dài này để người dân ổn định cuộc sống, không còn cảnh chạy lũ nữa”

Bà Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, ở P.Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ)

Bộc lộ những bất cập

TP.Tam Kỳ bị ngập sâu bất thường những năm gần đây đã cho thấy những bất cập trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị.

Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng đô thị Tam Kỳ. Theo ông Ảnh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến lượng mưa lớn bất thường xảy ra thường xuyên và chế độ bán nhật triều ảnh hưởng đến các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ, Trường Giang. Khi mực nước sông Bàn Thạch dâng khoảng 2,5 m thì hệ thống thoát nước thành phố không thoát được ra sông Bàn Thạch tại các cửa thoát trên tuyến đê Bàn Thạch. Vì vậy gây ngập úng tại các vị trí trũng thấp toàn đô thị. Bên cạnh đó, các dự án được đầu tư xây dựng trong vài năm gần đây đã ảnh hưởng đến tình hình ngập lụt tại TP.Tam Kỳ.

Một góc TP.Tam Kỳ ngập sâu trong đợt mưa lũ vào tháng 10.2021

mạnh cường

“Một số công trình hạ tầng xây dựng những năm gần đây chưa tính toán kỹ về khẩu độ và lưu vực thoát lũ. Đồng thời, tiến độ triển khai quy hoạch và các dự án thoát nước, chống ngập úng còn rất chậm nên chưa đáp ứng được vấn đề thoát nước và chống ngập đô thị”, ông Ảnh thừa nhận.

Ngập lụt Tam Kỳ làm nóng kỳ họp HĐND Quảng Nam Tại kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X (ngày 8.12) với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, câu chuyện ngập lụt TP.Tam Kỳ đã làm nóng kỳ họp này.

Giải trình tại kỳ họp về giải pháp đồng bộ, căn cơ chống ngập úng TP.Tam Kỳ và các đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho biết diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, nhất là từ năm 2018 đến nay ngày càng gia tăng, không những ngập lụt cho các đô thị mà còn gây sạt lở đất, triều cường, xói lở bờ biển, bờ sông ngày càng nghiêm trọng.

Theo ông Phú, có 3 nguyên nhân gây ngập TP.Tam Kỳ. Cụ thể, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa lớn cực đoan, bất thường xảy ra thường xuyên và chế độ bán nhật triều ảnh hưởng đến các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ, Trường Giang. Thứ 2, nước từ H.Thăng Bình và H.Phú Ninh đổ về sông Bàn Thạch lớn làm mực nước sông dâng cao hơn cao trình các cửa xả từ nội đô thoát ra sông, và từ phía Tây 2 đường Nguyễn Hoàng đổ vào nội đô Tam Kỳ gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước ra sông dẫn đến ngập úng cục bộ. Đồng thời, lũ rút khá chậm là do khả năng tiêu thoát lũ tự nhiên của sông Bàn Thạch kém và rất kém nếu có triều cường và hiệu ứng ô trữ nước được hình thành từ các tuyến đường giao thông. Do lòng dẫn thoát lũ qua đoạn này bị thu hẹp.

Đại biểu Nguyễn Tri Ấn, Bí thư Huyện ủy Núi Thành cũng cho rằng các nguyên nhân mà Sở Xây dựng đưa ra về cơ bản đúng nhưng chưa phải đầy đủ. Ông Ấn cho rằng ngập lụt có nguyên nhân nữa là do quá trình hình thành, phát triển đô thị đã phá vỡ cảnh quan, địa hình, công tác quy hoạch còn hạn chế…

Nhiều nhà dân ở TP.Tam Kỳ ngập sâu hơn 1 m trong đợt mưa tháng 10.2021

mạnh cường

Nói về tình trạng ngập lụt khi mưa lớn ở TP.Đông Hà, ông Phạm Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Đông Hà, cho rằng điều này đã trở thành căn bệnh khó chữa, đã kéo dài nhiều năm. Theo ông Dũng, ngoài nguyên nhân khách quan về thời tiết, địa hình, vấn đề đô thị hóa đã diễn ra rất nhanh, làm cho diện tích mặt đất tự nhiên bị thu hẹp, các hệ thống thoát nước tự nhiên cũng bị thu hẹp… đã gây ngập lụt khi có mưa lớn. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình công cộng dân sinh (bê tông hóa) cũng làm cho nước không thấm xuống lòng đất. Cuối cùng là hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, chưa được đầu tư khi xuống cấp…

Sẽ giải quyết 'điểm nóng' ngập lụt ?

Phạm Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Đông Hà, cho biết TP.Đông Hà đã và đang triển khai hàng loạt dự án thoát nước. Đáng chú ý là dự án hệ thống thoát nước khu vực Trường THCS Phan Đình Phùng (nằm trên đường Trường Chinh) và khu phố 2 (phường 5, TP.Đông Hà), xây dựng 1,5 km cống hộp, tổng vốn 51 tỉ đồng, dự kiến sẽ triển khai đầu năm 2022. “Theo đơn vị tư vấn đánh giá, hệ thống thoát nước này sẽ có quy mô gấp 2 đến 3 lần hệ thống cũ, nên chúng tôi tin tưởng là sẽ giải quyết được vấn đề ngập lụt tại “điểm nóng” Lê Lợi, Trường Chinh”, ông Dũng nói.

Trước Trường THCS Phan Đình Phùng (đường Trường Chinh, TP.Đông Hà) nhìn như sông sau trận mưa lớn

NGUYỄN PHÚC

Theo ông Dũng, liên quan đến hệ thống thoát nước thành phố còn có dự án chỉnh trang đô thị trung tâm TP.Đông Hà (100 tỉ đồng), đề án xã hội hóa hạ tầng thiết yếu trong khu dân cư. Nhiều năm qua, Đông Hà đã vận động nguồn vốn ODA để xây dựng thoát nước. Tới đây sẽ có một dự án lớn, nguồn vốn hơn 40 triệu euro, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, do thiếu kinh phí, nên việc đầu tư vẫn còn chưa đồng bộ, manh mún, thường là xử lý, chống ngập ở một số khu vực nhỏ lẻ, mà không đủ nguồn lực để giải quyết bài toán tổng thể.

Về dài hạn, ông Dũng cho biết thành phố sẽ rà soát quy hoạch chung (quy hoạch chung này do Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Trị trình Bộ Xây dựng để lấy ý kiến, sau đó trình UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt) để điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý, nhằm đảm bảo thoát nước cho TP.Đông Hà khi tiến lên đô thị loại 2 và loại 1 trong tương lai.

Trong khi đó, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng xác định căn nguyên dẫn đến tình trạng ngập lụt ở Tam Kỳ và vùng phụ cận, là công việc đòi hỏi mang tính khoa học, cần tranh thủ ý kiến phản biện đa chiều của các chuyên gia xây dựng, thủy lợi và nhiều ngành liên quan khác nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.