Lăng kính bạn đọc:

Đổ xô trồng sầu riêng: Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Đ.Huân
(tổng hợp)
28/02/2023 05:10 GMT+7

Bạn đọc lo ngại tình trạng người dân ở một số tỉnh thành phía nam đổ xô trồng sầu riêng có thể dẫn đến hậu quả phá vỡ quy hoạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cung vượt xa cầu…

Như Thanh Niên thông tin, theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, diện tích trồng cây sầu riêng tại địa phương này năm 2022 đạt 4.802 ha, tăng 1.364 ha so với năm 2021. Trong số 4.802 ha sầu riêng, có khoảng 2.289 ha (tăng 611 ha) cho sản phẩm, năng suất ước đạt 95,24 tạ/ha (tăng 2,2 tạ/ha); sản lượng ước đạt 21.804 tấn (tăng 6.189 tấn so với năm 2021).

Đổ xô trồng sầu riêng: Nhiều rủi ro tiềm ẩn - Ảnh 1.

Diện tích sầu riêng tại Bình Phước tăng hơn 28% chỉ sau 1 năm

Hoàng Giáp

Vừa qua, Trung Quốc đã cấp 5 mã vùng trồng sầu riêng cho các nhà vườn ở Bình Phước với tổng diện tích hơn 300 ha. Từ khi có Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ VN sang Trung Quốc (tháng 7.2022) thì giá thu mua sầu riêng đã tăng rất cao. Điều này càng khiến nhiều nông dân quyết định chuyển qua trồng sầu riêng.

Hôm 23.2, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng đã có công văn chỉ đạo phát triển cây sầu riêng tại các tỉnh, thành miền Nam. Trong đó, cảnh báo việc tăng diện tích cây sầu riêng một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, có thể dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dội chợ... Nghiêm trọng hơn là tại các vùng trồng không phù hợp như nhiễm mặn, nhiễm phèn; vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của VN…

Lo điệp khúc "trồng - chặt"

Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ lo ngại việc diện tích cây sầu riêng tăng ồ ạt, thiếu kiểm soát... tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà hậu quả là người dân gánh chịu. "Có cách nào để họ dừng lại không? Chứ tôi đọc thông tin xong là thấy sau này rất có thể sẽ xảy ra tình trạng giải cứu sầu riêng vì cung vượt cầu rồi đó. Người dân nhiều khi cứ thấy cái nào có lợi trước mắt sẽ đổ xô đi trồng mà không biết kết quả sau này", BĐ Lê Ngọc ý kiến.

Cùng quan điểm, BĐ Bảo Thắng cho rằng: "Đừng thấy cái gì đắt rồi đổ xô đi trồng nhiều, như vậy khác nào rước họa vào thân. Bà con trồng cái gì cũng phải có kế hoạch, định hướng, nghiên cứu kỹ càng... để tránh tình trạng sau này lại phải khốn khổ vì cung vượt cầu, được mùa rớt giá".

"Hiện nay không chỉ có mỗi VN trồng được sầu riêng mà nhiều nước ở khu vực nhiệt đới đều có loại cây này, chất lượng cũng vượt trội. Bà con cần phải tính toán thật kỹ, chứ đừng làm vài năm thấy không hiệu quả rồi lại chặt bỏ. Bài học "trồng - chặt" xảy ra rất nhiều thời gian qua là kinh nghiệm xương máu, xin đừng quên", BĐ Vân Dung cảnh báo.

Nên tập trung nâng cao chất lượng

Bên cạnh khuyến cáo bà con nông dân, nhiều ý kiến mong cơ quan quản lý sớm có giải pháp cho vấn đề này. "Trồng cây bây giờ cũng phải mất hơn 5 năm mới có thể thu hoạch, lúc đó nếu thị trường bão hòa thì giá cũng xuống thấp, mức độ cạnh tranh thì lại cao hơn so với trước, rất có thể công sức người dân bỏ ra nhận lại hiệu quả không xứng đáng. Mong rằng chính quyền địa phương cần có những buổi hội thảo, vận động để người dân không đổ xô trồng cây như vậy, vì khổ nhất vẫn là người dân", BĐ Dương Tứ góp ý.

Tương tự, BĐ Trần An ý kiến: "Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các buổi hội thảo để người dân có thêm thông tin, kiến thức, tránh tình trạng đổ xô đi trồng cây vì thấy giá tăng cao. Nhiều khi bỏ công sức suốt bao nhiêu năm rồi mọi thứ "đổ sông đổ bể" vì cung vượt cầu. Thay vì tăng diện tích trồng ồ ạt không kiểm soát thì tại sao chúng ta không nghiên cứu nâng cao chất lượng, thương hiệu, quy trình chế biến sản xuất để nâng tầm trái sầu riêng VN".

"Chạy theo xu hướng thị trường như vậy rất nguy hiểm, dễ làm vỡ quy hoạch lắm. Sau này cung nhiều hơn cầu, người dân lại khốn khổ xin giải cứu. Đôi khi người dân chỉ nghĩ cái lợi trước mắt mà không biết được hậu quả phía sau. Các cơ quan quản lý cần sớm có các giải pháp cho vấn đề này", BĐ Thanh Hương góp ý. Còn BĐ Văn Cường đề nghị: "Tại sao người dân không nhìn viễn cảnh hồ tiêu, cao su những năm trước đây mà rút kinh nghiệm nhỉ. Muốn trồng cây cũng phải mất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc, trong khi sau này nhu cầu thị trường không nhiều thì giá sẽ xuống thấp thôi. Chính quyền địa phương cần phải quan tâm sát tình hình để có những chính sách thích hợp khống chế tình trạng này để giảm rủi ro".

* Ồ ạt trồng theo phong trào, hậu quả nông dân sẽ lãnh đủ khi cung vượt cầu, giá xuống thấp.

Nhất Khôi

* Nhớ năm xưa ai có hồ tiêu, cà phê coi như đại gia, tiền vác bằng bao. Sau tới cây cau ăn trầu, nhãn da bò..., và giờ là cây sầu riêng. Mong bà con ta tỉnh táo, tính toán kỹ khi quyết định trồng một loại cây gì.

Che Linh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.