Tôi đề nghị được đồng hành trên chuyến tàu chuyên biệt đưa người dân Quảng Bình từ các tỉnh phía nam về quê tránh dịch. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc đoàn tiếp viên Đường sắt Phương Nam, kiên quyết bảo tôi phải có giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 RT-PCR còn hiệu lực trong vòng 72 tiếng mới được phép lên tàu. Cuối cùng, tôi đã được cùng ăn, cùng ở và trò chuyện với trưởng tàu, nhân viên đường sắt trên suốt hành trình ngót 60 giờ do thời gian tránh tàu, trả khách kéo dài.
Trưởng và phó tàu giúp đỡ em bé đi tàu một mình |
Quang Viên |
Trăm dâu đổ đầu… trưởng tàu
Để thuận lợi hơn trong tác nghiệp, tôi xin đổi chỗ nằm ở toa số 12 sang buồng trưởng tàu Nguyễn Đình Quý và được đồng ý. Nhờ đó, trừ những lúc anh Quý rời buồng đi giám sát, kiểm tra, chỉ đạo nhân viên trực đêm, vệ sinh toa xe…, tôi được chứng kiến việc làm và nghe những tâm sự gan ruột của người trưởng tàu sinh năm 1969 này.
“Ai cũng nghĩ trưởng tàu sướng lắm, nhiều tiền lắm, nhưng thực tế có như vậy đâu”, anh Quý trải lòng. Theo anh Quý, trưởng tàu là chỉ huy cao nhất trên tàu, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn chạy tàu, an ninh, trật tự; đảm bảo hoạt động của các bộ phận làm việc trên tàu để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Hàng loạt công việc cụ thể mà trưởng tàu phải xử lý như: giải quyết sự cố tàu trật bánh, va quệt, đâm ô tô, tai nạn chết người… “Nhiều lúc thót tim khi lái tàu hãm bất thường rồi báo trưởng tàu đầu máy đã đâm ô tô hoặc người. Có vụ tai nạn thi thể không còn nguyên vẹn, đêm phải rọi đèn pin tìm từng phần gom lại cho đầy đủ. Giải quyết xong, bỏ cơm mấy ngày. Chuyện thức trắng đêm vì hành khách đau ốm… cũng thường xuyên”, anh Quý tiết lộ.
Là chỉ huy cao nhất nên trưởng tàu phải thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý; lập biên bản về các trường hợp sức khỏe, sinh tử, an ninh trật tự; làm thủ tục xin cứu viện và tổ chức cứu viện; ghi chép, tổng hợp báo cáo các sự việc liên quan đến hành trình chạy tàu. “Trăm dâu đổ đầu trưởng tàu mà”, anh Quý hóm hỉnh ví von.
Quả thực, trong suốt hành trình từ ga Sài Gòn đến ga cuối tỉnh Quảng Bình, trưởng tàu ít có thời gian nghỉ ngơi. Buồng trưởng tàu không hề yên tĩnh vì một số nhân viên, đặc biệt là phó tàu đến báo cáo, trao đổi công việc bất kể ngày đêm. Trên bàn trưởng tàu, ấm trà Thái Nguyên luôn đặc sánh để uống chống cơn buồn ngủ. Cũng tại mấy cốc trà đặc mà giấc ngủ tôi cũng chòng chành như những toa tàu đang chạy trên nền tảng đường sắt hơn 100 năm. Vì thế, tôi chứng kiến 2 - 3 giờ sáng, trưởng tàu và phó tàu còn cặm cụi ghi chép, đối chiếu số liệu cập nhật hành trình đoàn tàu. “Có thức với chúng tôi, nhà báo mới biết chỉ huy đoàn tàu “sướng” thế nào rồi đó”, anh Quý nói.
Trưởng, phó tàu liên tục cập nhật thông tin liên quan đến đoàn tàu |
quang viên |
Ai thấu hiểu đời công nhân tàu ?
Câu hỏi như “hờn tủi” đó là của anh nhân viên kỹ thuật điện Bùi Hồng Thái. Còn hầu hết nhân viên đều có chung một câu “Thấy hết công việc, nghe trải lòng thật tình của chúng tôi, nhiều người bất ngờ lắm”. Rõ ràng, trong hành trình dài và ngồi trò chuyện với nhân viên trên tàu cạn hết ấm trà này đến ấm trà khác, tôi mới khám phá ra những điều bất ngờ. Bắt đầu từ công việc. Những nhân viên phụ trách toa gần như phải thường trực ngồi ở toa để quản lý, giám sát, mở cửa đón trả khách. Họ còn kiêm luôn cả việc lau dọn, vệ sinh toa, nhà cầu… Không ít người mắt lờ đờ vì thiếu ngủ. “Cuộc đời là những chuyến đi để ngồi đồng canh toa. Thèm được ngủ một giấc thẳng cẳng, thật đã cũng đâu được”, anh Mai Văn Phú, nhân viên toa, trải lòng.
Với bộ phận kỹ thuật gồm kiểm tu theo tàu, được Nguyễn Viết Chinh (31 tuổi) và ê kíp đảm nhiệm. Khi tàu dừng lại ở các ga chính, tổ của Chinh nhanh chóng mang đồ nghề xuống kiểm tra các ổ bi, ốc vít trong vòng 15 phút. “Nếu phát hiện sự cố nhỏ, phải khắc phục kịp thời để tàu chạy an toàn. Sự cố nặng thì báo cáo trưởng tàu, lãnh đạo xin cắt lại toa đó nhằm đảm bảo an toàn”, Chinh chia sẻ. Trong khi đó, nhân viên kỹ thuật điện cũng phải xử lý ngay những sự cố nếu có như máy điều hòa hỏng. “Cánh quạt trên nóc bị trục trặc mà trời nắng trên 40 độ C cũng phải trèo lên để sửa chữa kịp thời”, anh Bùi Hồng Thái thổ lộ.
Hiền lành, ít nói nhưng một mình anh Đỗ Trọng Hưởng (45 tuổi) đảm nhận bảo vệ với hàng tá công việc như kiểm soát hành khách trên tàu, hành khách lên xuống, ra vào ga; giải quyết các tình huống như cháy nổ, đánh cắp hàng hóa; bắt giữ khi phát hiện tội phạm để sau đó bàn giao cho cơ quan công an; kiểm soát hành lý, hàng hóa ký gửi… “Tôi cũng có không ít lần phải đối diện với nguy hiểm khi có người manh động, hành khách say xỉn gây gổ đánh nhau”, anh Hưởng tâm sự.
Tâm sự của phó tàu
Phó tàu Nguyễn Lê An, 36 tuổi, quê Hà Tĩnh, cho biết: “Có rất nhiều công việc trong suốt hành trình chạy tàu như theo dõi tốc độ chạy tàu, những điểm xung yếu khi tàu chạy qua, làm tín hiệu an toàn xác nhận với dưới ga, dưới đường… Vì thế, trưởng, phó tàu mất ngủ là chuyện bình thường. Như tôi đêm thức 5 - 6 tiếng quen rồi. Nếu hoàn thành chưa tốt công việc, không chỉ bị trưởng tàu phê bình mà còn phải chịu kỷ luật rất nghiêm khắc của ngành”.
Phải làm việc vất vả và chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập của cán bộ nhân viên đường sắt rất thấp. Như trưởng tàu Nguyễn Đình Quý, nếu tàu chạy nhiều, mỗi tháng cũng hơn 5 triệu đồng. Nhân viên các bộ phận khác còn “hẻo” hơn. Trung bình một chuyến tàu hành trình nam - bắc, họ hưởng lương khoảng trên 1 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm. Tàu chạy đều một tháng từ 3 - 4 chuyến, thì lương cộng lại cũng không đủ trang trải cuộc sống. Đặc biệt, trong mùa dịch tàu chạy 1 - 2 chuyến/tháng, thậm chí dừng chạy thì nói như anh Bùi Hồng Thái là phải “bóp mồm, bóp miệng mà sống”. Anh Phú đưa cho tôi xem tin nhắn lương thực nhận trong tháng 9, tôi không tin vào mắt mình: sau khi trừ bảo hiểm và các khoản khác, lương chỉ còn hơn 270.000 đồng. “Đi chuyến này cũng chỉ đủ đóng tiền bảo hiểm và trả tiền cơm”, anh Phú buồn rầu nói.
Tìm hiểu thêm thì được biết hơn 50% nhân viên thuộc đoàn tiếp viên Đường sắt Phương Nam phải ở nhà thuê. Các gói hỗ trợ của nhà nước mà theo các nhân viên trên tàu nói họ thuộc diện hỗ trợ nhưng cho đến nay chờ mãi chẳng thấy đâu. Khi tàu chuẩn bị vào ga cuối Sài Gòn kết thúc hành trình lúc 1 giờ sáng, một số nhân viên trên tàu còn tiết lộ đêm nay họ sẽ tạm qua đêm trong toa xe không đèn, không máy lạnh, không quạt. Có người thì về ngủ ở nhà kho của người bạn, người thì về trạm tiếp viên ngủ. Hỏi ra mới biết, do trong đoàn hành khách có người là F0 nên họ chưa thể về nhà lúc này.
Có quá nhiều nỗi lòng mà cán bộ, nhân viên trên đoàn tàu muốn chia sẻ cùng tôi với mong muốn “để mọi người thấu hiểu”. Trong khuôn khổ bài phóng sự này khó có thể chuyển tải hết nỗi lòng đó.
(còn tiếp)
Bình luận (0)