Doanh nghiệp bất động sản cần gỡ gì?

Đình Sơn
Đình Sơn
29/05/2023 06:30 GMT+7

Chưa bao giờ bất động sản được quan tâm như hiện nay. Rất nhiều cuộc gặp gỡ giữa chính quyền với doanh nghiệp (DN), từ trung ương tới địa phương; nhiều cơ chế, chính sách được ban hành; nhiều chỉ đạo nóng...; thế nhưng thực tế thị trường hầu như chưa có chuyển biến.

Doanh nghiệp bất động sản cần gỡ gì ? - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản khó khăn khiến nhiều dự án phải “trùm mền”

ĐÌNH SƠN

 Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững. Thanh Niên đã khảo sát một số DN BĐS để xem họ vướng gì, cần tháo gỡ gì.

Không hỗ trợ được tiền, thì gỡ pháp lý cho DN

Doanh nghiệp bất động sản cần gỡ gì ? - Ảnh 2.

Hiện nay, ách tắc lớn nhất là pháp lý, trong đó đầu bảng là đền bù, tiền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, đất công xen kẽ trong các dự án… Do vậy các DN kỳ vọng T.Ư, đặc biệt là các địa phương, sớm tháo gỡ pháp lý cho DN. DN rất cần sự sâu sát của lãnh đạo T.Ư và địa phương, những người có trách nhiệm cao nhất, vì đây cũng là cấp hiểu khó khăn của DN lúc này là gì nhưng cũng là cấp giải quyết rất chậm chạp. 

Điển hình như tại TP.HCM từ năm 2022 đến nay liên tục hô hào tháo gỡ khó khăn cho DN, nhiều cuộc họp đã được tiến hành giữa lãnh đạo TP với DN, nhưng vẫn chưa có một kết quả nào rõ ràng. Những khó khăn của DN, thậm chí của cả nền kinh tế, đang rất nghiêm trọng, nên nếu cơ quan quản lý không thể hỗ trợ được DN về vật chất thì việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách một cách nhanh chóng, hiệu quả là giải pháp cần thiết. Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó hạn chế kiểm tra, không quá một lần mỗi năm. Nhà chức trách cũng cần sớm hoàn thành điều tra các vụ án hiện tại và đưa ra nghị quyết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DKRA

DN bị thanh tra, kiểm tra liên tục

Doanh nghiệp bất động sản cần gỡ gì ? - Ảnh 3.

Làm nhà ở xã hội (NOXH) lợi nhuận rất thấp, chỉ khoảng 10%, nhưng thời gian làm mất tới 5 năm. Vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2%. Do đó, nếu không có nhiều tâm huyết thì các DN sẽ không làm. Điều đáng nói là khi DN đã làm thì lại bị thanh tra, kiểm tra liên tục, như mua dây tự buộc vào chân mình. Điều này khiến các DN thấy sợ nên không dám làm NOXH hoặc là làm rồi từ bỏ.

Do đó cần tháo gỡ vướng mắc về luật. Luật do con người làm ra, nên vướng chỗ nào có thể gỡ ngay chỗ đó, cần có văn bản chỉ đạo tháo gỡ cụ thể. Nếu không có văn bản cụ thể, lãnh đạo các địa phương, cán bộ ở các tỉnh thành cũng rất sợ, không dám làm, vì nếu làm mà sai thì họ phải chịu trách nhiệm. Khi có vướng mắc, nếu DN hỏi mà trong 10 - 15 ngày cơ quan chức năng không trả lời thì xem như đồng thuận, để DN có thể áp dụng. Thực tế hiện nay một vấn đề DN hỏi nhưng sở này đùn đẩy sở khác lòng vòng 4 - 5 tháng vẫn chưa có câu trả lời thì quá khó cho DN. Ngoài ra, lãi vay làm NOXH cần giảm hơn nữa, về mức 4,8 - 5% như gói 30.000 tỉ đồng trước đây.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành

Hạ lãi suất, tăng room phải thật, không mơ hồ

Doanh nghiệp bất động sản cần gỡ gì ? - Ảnh 4.

Chính phủ đã có chủ trương rồi nhưng tiến độ giải quyết phải rõ ràng, vì hiện nay mọi cái đang rất mơ hồ. Các dự án cũng đã phân loại, phân nhóm rồi nhưng giải quyết cũng rất chậm. Ngay cả giảm lãi vay cũng phải cụ thể, rõ ràng. Trong tháng 6 phải giảm ngay chứ không thể hứa rồi để đó hoặc chỉ giảm cho một vài công ty. Tương tự, hiện room tín dụng ở nhiều ngân hàng hết nên việc giải ngân không được khiến DN rất khó khăn. Vì vậy, phải có hướng tăng room hoặc nới lỏng điều kiện cho vay để DN tiếp cận được vốn ngân hàng.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN

Chủ đầu tư đang đối mặt với chi phí vay ngày càng tăng cao

Doanh nghiệp bất động sản cần gỡ gì ? - Ảnh 5.

Trong lĩnh vực M&A (mua bán - sáp nhập) BĐS hiện nay, vẫn có những thách thức lớn liên quan đến thủ tục giấy tờ pháp lý, đặc biệt là đối với các dự án phát triển nhà ở. Đây cũng là vấn đề chúng tôi hy vọng Chính phủ có thể thực sự can thiệp và hỗ trợ với một khung pháp lý rõ ràng hơn. Nếu làm được điều này, các giao dịch M&A này sẽ có thể diễn ra nhanh hơn nhiều. Thị trường sẽ có nhiều người mua và người bán hơn, khi đó các dự án đang khó khăn về tài chính có thể tiếp tục được phát triển, tạo ra tính thanh khoản và cuối cùng mang lại lợi ích cho DN và cho nền kinh tế nói chung. 

Thị trường BĐS lúc này đang thiếu thanh khoản. Đối với các nhà phát triển các dự án nhà ở, khó khăn đầu tiên là có thể cung cấp nguồn cung mới cho thị trường. Chủ đầu tư đang đối mặt với vấn đề chi phí vay ngày càng tăng cao. Tình trạng lãi suất tăng diễn ra trên toàn cầu và trở thành mối lo ngại lớn đối với các nhà phát triển BĐS. Để ứng phó với các khó khăn từ bên ngoài, DN đề xuất Chính phủ tăng đàm phán thương mại để đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra để giảm sự phụ thuộc các thị trường trong nước vốn đang rất khó khăn. Chính phủ cũng cần tăng năng lực dự báo về các xu hướng kinh tế, cập nhật các ưu đãi phát triển và cảnh báo rủi ro để DN biết và ứng phó kịp thời.

Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam

Ở địa phương, đụng cái gì cũng đi hỏi

Doanh nghiệp bất động sản cần gỡ gì ? - Ảnh 6.

Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng hiện có tình trạng ở cấp địa phương đụng cái gì cũng hỏi. Hết hỏi các sở ban ngành rồi hỏi ngoài bộ, ngoài T.Ư. Nên mong mỏi của DN là làm sao phải có giải pháp để lãnh đạo các địa phương, các sở, ngành phải mạnh mẽ hơn nữa, không đùn đẩy. Hồ sơ đủ hành lang pháp lý thì nên làm, không né tránh. 

Về tài chính, Chính phủ chỉ đạo, Thủ tướng chỉ đạo giảm lãi thì ngân hàng phải tự động giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho DN, chứ hiện nay cái gì DN cũng xin, cũng hỏi ý kiến. Đó mới là cách hỗ trợ DN thiết thực nhất ngay lúc khó khăn này. Bên cạnh đó, cần giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh cho DN. Ví dụ kéo dài thời hạn giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2025 thay vì cuối năm nay. Chi phí lao động cũng cần giảm hơn thông qua hạ phí công đoàn, bảo hiểm xã hội và xem xét thay đổi ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân. DN cũng mong muốn cơ chế đặc biệt là được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi xuất khẩu đơn hàng và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế. Hay giảm thuế thu nhập DN với các đơn vị xuất khẩu về mức 5 - 10%.

Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh

DN muốn tiếp cận vốn dễ hơn, lãi suất rẻ hơn

Doanh nghiệp bất động sản cần gỡ gì ? - Ảnh 7.

Có cảm giác là ở các bộ ngành, các địa phương không có người chủ trì, không ai dám quyết, không ai dám làm. Việc này khiến vừa tốn thời gian của DN lẫn của chính cơ quan chức năng. Nên thực sự DN chúng tôi mong muốn sẽ có người cầm trịch để những vướng mắc sẽ được giải quyết rốt ráo, nhất là những khó khăn thuộc thẩm quyền của các địa phương mà lâu nay cán bộ không dám quyết. Thậm chí nhiều việc đã rõ ràng nhưng địa phương cũng không làm mà đi hỏi T.Ư. 

Chính vì vậy, cắt giảm, rút ngắn thủ tục hành chính sẽ giúp DN giảm nhiều chi phí tài chính, trong khi chi phí này hiện đang rất lớn. Bên cạnh đó, DN, người dân cũng mong muốn sẽ được tiếp cận vốn vay một cách dễ dàng với lãi suất rẻ hơn. Nên có một gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó dành riêng nguồn lực cho DN nhỏ và vừa để có thể vượt qua khó khăn hiện nay. Đồng thời không nên siết tín dụng với phân khúc BĐS liên quan xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.