Doanh nghiệp bất động sản cần tự tìm cách cứu mình

Lê Quân
Lê Quân
13/01/2023 19:11 GMT+7

Đây là quan điểm nhiều chuyên gia bày tỏ tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng 2023” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 13.1.

Khó nhất là vướng mắc pháp lý

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, các dự án bất động sản.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm

ctv

Khó khăn tiếp theo là vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang lệch pha, thiếu hụt nguồn cung vì nguồn cung liên tục sụt giảm từ 2018 đến nay. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường vẫn mất cân đối. Nhà ở đa số người dân đang cần là nhà có mức giá từ 30 triệu đồng/m2 trở xuống hoặc nhà ở xã hội, song 2 loại này đang rất thiếu.

“Điều đó có nghĩa là, thị trường bất động sản thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt thiếu hụt nhà ở có giá vừa túi tiền. Vừa thiếu nguồn cung, vừa thiếu nhà ở có giá vừa túi tiền khiến giá nhà bị đẩy lên mức rất cao”, ông Châu nói và cho biết thêm, nhà ở xã hội đã có những căn mức giá lên tới 25 triệu đồng/m2, trong khi trước đây mục tiêu chỉ ở mức trên dưới 15 triệu đồng/m2.

Còn nhà ở thương mại, theo ông Châu, ở TP.HCM hiện nay không thể tìm được căn nhà có giá dưới 35 triệu đồng/m2, thậm chí có những nhà siêu sang được đẩy giá lên tới 500 - 700 triệu đồng/m2.

Ông Châu nhấn mạnh: "Đa số các doanh nghiệp đang rất khó khăn vì thiếu tiền mặt, giảm thanh khoản, thậm chí là mất thanh khoản do lượng giao dịch trên thị trường giảm mạnh".

Không chỉ doanh nghiệp khó tiếp cập tín dụng, kể cả người mua nhà, nhà đầu tư cũng khó tiếp cận tín dụng. Có những hoàn cảnh trớ trêu là ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng rồi nhưng dừng giải ngân, khiến cả doanh nghiệp và khách hàng đều gặp khó khăn lớn…

Trong khi đó, tính đến hết ngày 31.12.2022, Ngân hàng Nhà nước công bố mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 chỉ đạt 14,5%. Như vậy, có khoảng 1,5 - 2% trần tín dụng được nới room không được "bơm" vào nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là sử dụng vốn không kịp thời, không hỗ trợ được cho doanh nghiệp, nền kinh tế như kỳ vọng của Chính phủ.

Tăng trách nhiệm, hợp lực gỡ khó

Ông Châu cho rằng, để xảy ra tình trạng thị trường khó khăn cũng có trách nhiệm của doanh nghiệp. Nguyên nhân có thể bởi doanh nghiệp đầu tư dàn trải, không lượng sức mình; doanh nghiệp cơ cấu sản phẩm không phù hợp với thị trường.

Thị trường thiếu trầm trọng nhà ở bình dân phù hợp với đại đa số nhu cầu của người dân

lê quân

“Chúng tôi đề nghị doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm, cùng tham gia với Nhà nước, khách hàng... tìm giải pháp. Doanh nghiệp buộc phải giảm kỳ vọng lợi nhuận, thậm chí sẵn sàng bán, chuyển nhượng những dự án không đủ sức đầu tư tiếp để có thể cơ cấu, tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu lại đầu tư", ông Châu nói.

Nhà đầu tư, người mua nhà cũng phải cùng hợp lực nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản, chứ không chỉ từ góc độ nhà nước, doanh nghiệp. Các bên hợp tác với nhau theo tinh thần tìm điểm cân bằng về lợi ích.

Mua nhà để đầu cơ tạo "bong bóng" bất động sản

Dành nhiều quan tâm cho vấn đề huy động vốn và "bong bóng" bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết khi thị trường vốn cân bằng với thị trường tiền tệ, các doanh nghiệp hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, vừa qua, có giai đoạn các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn bằng trái phiếu. Thời điểm đó, áp lực vốn tín dụng với ngân hàng rất lớn. Dù vậy, khi thị trường vốn có vấn đề, huy động khó khăn hơn, dồn tất cả vào thị trường tiền tệ là không hợp lý. Vì bản chất thị trường tiền tệ là cho vay bổ sung vốn, cả vốn trung, dài hạn và vốn ngắn hạn.

Doanh nghiệp bất động sản cần tự chủ động tìm cách tái cơ cấu để duy trì phát triển

lê quân

Lý giải vấn đề "bong bóng" tín dụng có phải là nguyên nhân tạo ra "bong bóng" bất động sản thời gian qua hay không, ông Hùng cho hay, những dự án nào đầy đủ pháp lý đều được cho vay. Những dự án liên quan đến nhà ở tiêu dùng phục vụ người dân, kể cả tín chấp tiền lương, vẫn được ngân hàng cho vay, người dân có thể tiếp cận được.

Còn việc người dân ở nơi này, nơi kia không tiếp cận được vốn tín dụng là do tính pháp lý có đảm bảo khả năng trả nợ hay không và có vượt khả năng tài chính của họ hay không?

Theo ông Hùng, xảy ra "bong bóng" bất động sản là do có hiện tượng không phải mua nhà để ở mà mua nhà để tích lũy, đầu cơ, dẫn tới việc đẩy giá lên.

“Tại sao có những người mua cả toà nhà, mua nửa toà nhà? Mua nhiều như vậy để đẩy giá lên và chỉ cần thị trường "đóng băng", toàn bộ những khoản nợ mua nhà đó nếu là ngân hàng cho vay thì rủi ro sẽ rất lớn", ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, đó là lý do ngân hàng đặt lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực rủi ro, khi cho vay phải xem xét rất thận trọng. Dự án phải đầy đủ pháp lý thì đảm bảo tiếp cận được vốn tín dụng.

"Với những dự án vừa tiếp cận vốn vừa vướng thủ tục pháp lý, ngân hàng không khuyến khích. Tôi cho rằng chính các doanh nghiệp cũng phải nắm bắt giải pháp của bản thân, từ đó có kiến nghị với ngân hàng, các tổ chức tài chính, bộ, ngành”, ông Hùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.