Đây là khẳng định của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh tại diễn đàn “Báo chí - doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng”, do Hội Nhà báo Việt Nam và Tạp chí Người làm báo tổ chức ngày 29.6.
Diễn đàn Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng |
T.Hằng |
Báo chí là bệ đỡ đưa thương hiệu đến với người tiêu dùng
Theo bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vai trò của báo chí đối với sự phát triển của doanh nghiệp cần được xác định là bệ đỡ đưa thương hiệu doanh nghiệp đến với người tiêu dùng, là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ công lý, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính và phát triển.
Tuy nhiên, báo chí cũng cần thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, thông tin trung thực, khách quan, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hạn chế các hoạt động tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, đồng thời phát huy vai trò của báo chí cho việc cổ vũ, góp phần xây dựng văn hóa, chuẩn mực đạo đức kinh doanh văn minh hội nhập cho doanh nghiệp.
Mặc dù khẳng định sẵn sàng chia sẻ thông tin với báo chí, song ông Vũ Văn Luật, Chủ tịch Tập đoàn SM, cũng cho hay, phần lớn các doanh nghiệp đều có tâm lý e ngại với báo chí.
Ông Luật bày tỏ: “Trong quá trình tiếp xúc với báo chí, có một số cơ quan báo chí, đặc biệt là các tạp chí, ít công khai tôn chỉ mục đích hoạt động của mình. Nhiều báo, tạp chí thường xuyên đăng nhưng không đúng tôn chỉ mục đích. Vì vậy, tôi đề nghị lãnh đạo cơ quan báo chí phải công khai về tôn chỉ mục đích để cộng đồng doanh nghiệp hiểu được vai trò, tôn chỉ mục đích. Ngoài ra, báo chí nên phổ biến nhiều hơn về quy định của pháp luật, phổ biến chính sách pháp luật mới của Chính phủ cơ quan nhà nước thường xuyên hơn”.
Bà Hà Thị Dung, đại diện một doanh nghiệp dược phẩm, chia sẻ: “Doanh nghiệp rất cần báo chí đồng hành, nhất là những doanh nghiệp trẻ bắt đầu khởi nghiệp. Cơ quan báo chí chính là nơi cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống tới người tiêu dùng và kênh hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm của Việt Nam vươn xa ra thế giới”.
Hướng tới báo chí nhân văn
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, trong thời gian qua, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phản ánh kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp khi phải vừa sản xuất vừa chống dịch Covid-19, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh dòng thông tin chủ lưu, tích cực, đâu đó vẫn còn một số những thông tin gây bất lợi, thậm chí làm tổn hại tới uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp. Nguyên nhân căn bản là do nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, trong khi một vài nhà báo lợi dụng vai trò giám sát, phản biện xã hội để đưa tin chưa chính xác, hoặc lợi dụng sai phạm của doanh nghiệp để phục vụ lợi ích riêng.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, sự minh bạch là thái độ hợp tác tích cực, cởi mở về thông tin giữa doanh nghiệp và báo chí, ngay cả trong trường hợp thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp. Khả năng tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực diện sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi các thông tin đồn đại, thiếu chính xác, hoặc ít nhất có thể tạo ra các cơ hội giải quyết khủng hoảng truyền thông một cách tích cực. Sự minh bạch chính là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa báo chí và doanh nghiệp.
Ông Minh bày tỏ: “Báo chí cần doanh nghiệp, không phải với tư cách các nhà quảng cáo có thể mở hầu bao nuôi sống báo chí, mà như những nguồn thông tin minh bạch, chính xác, tạo ra giá trị tin cậy cao đối với bạn đọc. Ngược lại, doanh nghiệp cần báo chí với tư cách các kênh truyền thông trung lập, mạnh mẽ, hiệu quả, để thông điệp truyền thông của doanh nghiệp được lan tỏa tới công chúng”.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Trong định hướng nhiệm kỳ tới, Hội Nhà báo Việt Nam xác định mục tiêu hướng tới chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn và phát triển. Chúng tôi muốn báo chí Việt Nam nhân văn hơn, dù phản biện hay phản ánh những vấn đề bất cập đều phải có tính xây dựng”.
Tại diễn đàn, các đại biểu đều khẳng định, trong thời gian tới, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động và minh bạch thông tin với báo chí.
Đối với cơ quan báo chí, cần phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Mặt khác, các phóng viên, nhà báo phụ trách về mảng này cần phải được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực kinh tế; thông tin chính xác, khách quan, đa chiều, tránh gây hoang mang dư luận.
Đặc biệt, trong môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp hiện nay, mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan báo chí cần thực hiện có hiệu quả mô hình chuyển đổi số, có như vậy báo chí và doanh nghiệp mới có thể chung tay xây dựng một xã hội phồn vinh và phát triển.
Ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo, nhìn nhận: “Thực tế đã chứng minh, muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa báo chí và doanh nghiệp, rất cần sự phối hợp giữa ba bên: báo chí - doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước hay hội nghề nghiệp. Đối với cơ quan báo chí, cần phải đặt đạo đức nghề nghiệp trước tiên cho người làm báo. Mặt khác, các phóng viên phụ trách về mảng này cần phải được trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực kinh tế; thông tin rõ ràng, khách quan, đa chiều, không mập mờ, gây hoang mang”.
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, ông Lợi nhìn nhận: “Báo chí và doanh nghiệp có thể coi là hai người bạn đồng hành, cùng nhau phát triển. Bởi lẽ, doanh nghiệp rất cần thông tin và nắm bắt thông tin trên báo chí. Đặc biệt, trong nền kinh tế cạnh tranh bằng thông tin, ai nắm được thông tin thì người đó sẽ thắng, ai chậm sẽ thua thiệt”.
Bình luận (0)