Đề nghị hoàn thuế nhanh để doanh nghiệp có vốn làm ăn
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu khó khăn, đơn hàng sụt giảm, lãnh đạo lẫn nhân viên của Phúc Sinh phải đi ra thế giới nhiều hơn để gặp gỡ trực tiếp khách hàng. Kinh nghiệm của tôi là luôn chủ động tìm khách hàng, hiểu rõ thị trường, từ đó có thể lấy được lượng đơn hàng nhiều nhất có thể. Ngược lại, với một số ngành đặc thù như cà phê, chúng tôi lại gặp khó khăn là không đủ hàng để bán do yếu tố thời tiết làm ảnh hưởng đến sản lượng.
Đồng thời, diện tích trồng cà phê cũng bị thu hẹp dần và nguồn lao động cũng giảm đi kể từ sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, nhu cầu về cà phê của thị trường thế giới gia tăng và nhiều khách hàng muốn tăng lượng hàng từ VN. Những lúc không đủ cà phê để bán thì chúng tôi phải kích hoạt, xoay chuyển đẩy mạnh bán những sản phẩm, nông sản khác vì không thể ngồi yên. Không quan trọng là mặt hàng gì và nguồn gốc ở đâu, chỉ cần có lời là công ty sẽ mua và bán. Điều đó cũng giúp Phúc Sinh vẫn tăng được 25% sản lượng bán ra từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước.
Thế nhưng, hiện hầu như tất cả doanh nghiệp xuất khẩu đều gặp khó khăn về việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), nhất là trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu vẫn ở mức thấp thì việc bị "giam" tiền thuế khiến họ càng khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần thúc đẩy để việc hoàn thuế GTGT diễn ra nhanh hơn. Đồng thời, ngành xuất khẩu nông nghiệp rất mong được có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất để góp phần thúc đẩy lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group
Cho vay ưu đãi để đầu tư sản xuất xanh
Thời gian qua, doanh nghiệp (DN) dệt may rất khó khăn khi đơn hàng thiếu hụt. Bản thân DN phải tiết giảm tất cả chi phí chưa thật sự cần thiết từ những hành động nhỏ nhất. Ví dụ, lúc trước nhân viên đi kiểm tra hàng hóa, gặp khách hàng, có thể mỗi người tự đặt 1 xe riêng, nhưng nay thì phải xem lại lịch trình để đi chung với nhau. Hay công ty lắp đặt các thiết bị tự động ngắt điện khi không có người sử dụng…
Song song đó, công ty cũng cho người chủ động hơn để tìm thêm khách hàng như qua Canada, Úc là các thị trường nằm trong Hiệp định CPTPP; sang thị trường châu Âu để tìm thêm các đối tác mới. Mặt khác, cố gắng đàm phán với các ngân hàng để có lãi suất tốt nhất. Theo thông tin chung, hiện tại lượng hàng tồn kho tại Mỹ đã giảm xuống, khách bắt đầu đặt hàng trở lại. Dự báo đơn hàng quý 4/2023 đã nhích hơn so với quý 3/2023 và có thể tăng 5 - 7% so với quý 4/2022. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất nữa giúp chúng tôi hy vọng tình hình trong 2 quý đầu năm 2024 sẽ sáng hơn.
Thế nhưng ngoài khó khăn về đơn hàng, hiện nay áp lực cho các DN ngành may rất lớn về phát triển bền vững, chuyển đổi sang sản xuất xanh. Từ ngày 1.10, EU đã bắt đầu áp thuế carbon đối với các sản phẩm công nghiệp nặng như sắt thép, nhôm khi nhập khẩu vào thị trường này. Như vậy có khả năng trong năm 2024 hay 2025 sẽ bắt đầu áp dụng thuế này đối với nhiều sản phẩm khác, trong đó có dệt may. Vì vậy DN sẽ phải đầu tư lại máy móc, thiết bị để giảm phát thải ròng, xây dựng nhà máy xanh để đáp ứng các điều kiện mới. Nếu không làm ngay từ bây giờ thì sẽ không kịp và khi đó sẽ mất đơn hàng. Nhưng việc chuyển đổi này cần vốn đầu tư lớn. Trong giai đoạn vẫn còn khó khăn thì DN tự thân thực hiện sẽ rất khó. Cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ như có chương trình cho vay trung dài hạn với lãi suất ưu đãi để các DN đầu tư nhà máy xanh. Đây cũng là góp phần vào mục tiêu cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 của VN nói chung vào năm 2050.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công
Mỹ chỉ kiểm tra 1%, sao chúng ta kiểm tra 100%?
Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, cộng với lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia vào thời điểm quý 2/2022 trở đi, thu nhập giảm xuống, vật giá tăng lên khiến người tiêu dùng phải lựa chọn thực phẩm vừa túi tiền, gây tác động mạnh đến ngành điều. Thậm chí nhà mua hàng ở các nước nhập khẩu còn ép giá vì họ nói rằng người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, giảm tiêu thụ. Trước tình cảnh đó, doanh nghiệp (DN) cho rằng dù bán ra lỗ nhưng buộc phải bán. Ngay công ty chúng tôi dù đã có rất nhiều năm kinh nghiệm, có uy tín và nguồn khách hàng ổn định nhưng cũng không tránh khỏi thua lỗ. Bình quân mỗi ký hạt điều nhân DN VN xuất khẩu bị lỗ khoảng 5.000 đồng, nên xuất đi càng nhiều thì DN càng bị lỗ.
Nhưng khó khăn của ngành điều chưa dừng lại ở đó, quy định mới đây của Bộ NN-PTNT yêu cầu phải kiểm dịch thực vật nhập khẩu lẫn xuất khẩu, tỷ lệ kiểm tra là 100% tiếp tục làm khó ngành này. Bình quân trong một ngày, riêng tỉnh Bình Phước có khoảng gần 30 DN rải rác khắp các huyện đăng ký kiểm dịch thực vật với số lượng khoảng 60 - 70 container, không đủ người để đáp ứng nhu cầu kiểm dịch, DN phải mất thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến kế hoạch xuất hàng và quay vòng vốn của DN. Cán bộ kiểm dịch cũng rất vất vả vì mất nhiều thời gian di chuyển. Đáng nói là trong quá trình sản xuất thì nhân hạt điều đã được làm chín rất kỹ như: điều thô được hấp ở nhiệt độ trên 100 độ C, thời gian trên 30 phút. Nhân điều có vỏ lụa tiếp tục được sấy ở nhiệt độ từ 70 - 80 độ C trong vòng 18 tiếng, như vậy gần như là được thanh trùng. Rồi nhân hạt điều được xử lý hun trùng trước khi đóng gói, hút chân không. Với các bước như trên thì hạt điều là thực phẩm đã được nấu chín, rất khó có côn trùng trong hạt điều xuất khẩu.
Ngay cả các nước trồng trọt nông sản nổi tiếng thế giới là Mỹ và Úc, có quy định kiểm dịch thực vật hết sức ngặt nghèo thì họ chỉ kiểm tra hạt điều từ VN với xác suất tỷ lệ chưa đến 1% vì họ coi hạt điều như là thực phẩm đã được làm chín kỹ, đóng gói kỹ, nên không nguy hại đến môi trường thực vật của họ. Chính vì vậy, không lý do gì mà VN lại thực hiện kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu như hiện nay, trong khi các quốc gia nhập khẩu lại gần như không kiểm tra.
Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, cơ quan quản lý cần xem xét, thay đổi quy trình kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng điều xuất khẩu theo hướng giảm tỷ lệ trên năng lực thực tế của cán bộ. Hiện tại, DN điều đang hết sức khó khăn, thua lỗ do giá bán thấp, trong khi giá nguyên liệu và chi phí sản xuất đều tăng, vì vậy rất cần tháo gỡ về thể chế, chính sách, tạo điều kiện thông thoáng cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước
Không thể đứng ngoài xu hướng phải đồng hành !
Theo thông lệ thị trường, "được mùa mất giá" vì nguồn cung tăng thì giá giảm, hoặc "thất mùa được giá" vì cung ít thì giá tăng. Nhưng năm nay người nuôi tôm bị tình trạng "hai xôi nhồi một chõ" khi vừa "thất mùa" lại vừa "mất giá", điều này chưa từng xảy ra trong suốt hơn 40 năm hoạt động ngành tôm. Nguyên nhân, do tác động quy luật cung - cầu không chỉ phạm vi trong nước, mà bị chi phối bởi cung - cầu thế giới vì tôm là ngành hàng xuất khẩu rộng, cạnh tranh mang tính chất toàn cầu. Người dân sản xuất sản phẩm theo giá thành chủ quan của mình, nhưng giá bán do thị trường thế giới định đoạt, đó là quy luật bàn tay vô hình điều chỉnh.
Đối thủ của chúng ta, Ecuador có DN đạt doanh số tỉ USD, lớn nhất thế giới nhưng thật ra giá bán của họ rất thấp, bởi trình độ chế biến không bằng ta. Nhưng cũng vì chế biến sâu, giá của chúng ta cao với đối thủ. Ngoài trình độ chế biến sâu, chúng ta phải coi trọng việc phát triển lâu dài trên nền tảng bền vững. Việc này cũng đòi hỏi sự thống nhất, đồng lòng của các mắt xích chuỗi giá trị con tôm, và quan trọng nhất là cơ sở cung ứng tôm giống, người nuôi tôm và nhà chế biến. Đi liền là các mắt xích liên quan khác như thức ăn của tôm, chế phẩm nuôi tôm… xem xét chính sách giá cả chia sẻ lúc khó nhằm thu hút người nuôi tôm, nhà đầu tư. Tiếp theo là DN chế biến phải tính toán tiết kiệm mọi mặt nhằm giảm giá thành, tăng giá mua tôm thương phẩm, chia sẻ khó khăn với người nuôi. Song song là cố gắng tìm các mặt hàng mới có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn nhằm tăng sức cạnh tranh về tôm với các nước khác, cố gắng duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm để thu hút người tiêu dùng…
Thời buổi này DN nào giao hàng không bảo đảm quy cách, chất lượng theo hợp đồng hoặc đơn phương hủy hợp đồng thì đó không phải để có lợi (trước mắt) cho mình mà là tự "giết" mình. Thế giới phẳng, do vậy một chuyện không tốt, dù nhỏ, nhưng sức "lan tỏa" sẽ nhanh và lớn!
TS Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN
Kéo dài chính sách giảm thuế GTGT 2% trong năm 2024
Một trong những chính sách mà tôi thấy đang áp dụng như chính sách giảm thuế GTGT 2% rất là quan trọng, làm cho sản phẩm rẻ hơn và kích thích người tiêu dùng tăng chi tiêu, qua đó sản xuất nhiều lên, giúp người lao động có thêm công ăn việc làm. Đây là chủ trương rất đúng đắn. Nếu chỉ duy trì đến hết năm 2023 và trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung như hiện nay thì vẫn chưa đủ, mà cần duy trì ít nhất thêm 6 tháng đầu năm 2024.
Một số chính sách khác nói chung tôi nghĩ cũng khá tốt, nhưng việc DN "với tay" tới nó lại không đủ thuận lợi. Cũng có thể do độ trễ của chính sách hoặc do các DN thiếu sự tư vấn tốt nên chưa tiếp cận được. Như vậy, cách tốt nhất hiện nay là Chính phủ cần tạo ra cơ chế làm sao để đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các bộ, ngành không nên đặt ra các quy định mới vì sẽ gây rất nhiều xáo trộn cho người dân và DN. Vừa rồi chúng ta thấy một số quy định mới như PCCC và một số quy định khác của các bộ, ngành đã tạo ra nhiều thứ rất phức tạp. Chúng gây ra thêm cảm giác mệt mỏi không cần thiết cho xã hội.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico)
Tích cực đổi mới và tăng cường xúc tiến thương mại
Từ tháng 8 năm nay, xuất khẩu đã có những khởi sắc, mở ra cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu của VN. Bên cạnh vấn đề khó khăn về kinh tế, nhưng ở góc độ tiêu dùng, khách hàng cả nội địa và quốc tế có xu hướng sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm chất lượng và an toàn; "ăn ít nhưng cần ăn ngon", không mua nhiều mặt hàng nhưng tập trung mua những sản phẩm có giá trị hữu dụng. Doanh nghiệp (DN) cần phải hiểu rõ thói quen tiêu dùng của từng vùng miền, thị trường để điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp.
Tóm lại, tình hình kinh doanh hiện nay đòi hỏi sự linh hoạt và chủ động từ phía các DN để tận dụng cơ hội và thích nghi với biến đổi của thị trường. Trên cơ sở đó, Dh Foods tập trung phát triển dòng sản phẩm gia vị hoàn chỉnh theo hướng sản phẩm ngon, tiện lợi, tiết kiệm thời gian, khẩu phần ít. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bằng việc tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để tìm kiếm và tiếp cận khách hàng mới. Từ đầu năm đến nay, Dh Foods đã tham gia các triển lãm quốc tế: Expo West tại Mỹ, Sial Thượng Hải, Thaifex, Seoul Food và đã kết nối được nhiều khách hàng quốc tế, có đơn hàng nhanh chóng từ các thị trường mới như Trung Quốc, Pháp, Mỹ…
Theo tôi, DN rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước về các hoạt động xúc tiến thương mại để có cơ hội kết nối nhiều hơn với các nhà nhập khẩu ở các nước. Dh Foods cũng vừa tham gia triển lãm Vietnam International Sourcing 2023 do Bộ Công thương tổ chức lần đầu và nhận thấy rằng triển lãm đã rất thành công về quy mô. Thông qua triển lãm, Dh Foods đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác B2B đến từ khắp nơi, bao gồm cả Walmart (Mỹ), Lulu Group (Tập đoàn bán lẻ lớn của Trung Đông), Central Retail (Thái Lan), Aeon Topvalu và nhiều nhà nhập khẩu lớn khác từ Tây Ban Nha, Mexico, Malaysia.
Ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Dh Foods
Báo Nikkei: Việt Nam sắp đón làn sóng đầu tư nước ngoài
Bình luận (0)