Doanh nghiệp công nghệ Việt phải 'đầu tàu' trong chuyển đổi số

Chí Hiếu
Chí Hiếu
30/12/2020 06:23 GMT+7

Mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo.

Để làm được điều này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải chứng tỏ được vai trò đầu tàu, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (ảnh) về vấn đề này.

Ảnh: Ngọc Thắng

2020 được chọn là năm chuyển đổi số quốc gia. Nhìn lại năm nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đánh giá thế nào về những việc mà Chính phủ, các bộ và địa phương đã triển khai liên quan đến xây dựng chính phủ, chính quyền điện tử, chuyển đổi số?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một “Việt Nam số”. Đề án chuyển đổi số quốc gia cũng đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 6, thể hiện quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia.
Hiện thực hóa quyết tâm này, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan thúc đẩy triển khai một số hệ thống thông tin quan trọng. Trong đó, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet do VNPT xây dựng) góp phần đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ, hướng tới chính phủ không giấy tờ. Hay hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khai trương vào tháng 8.2020, đến nay đã kết nối với 30 bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 106/200 chỉ tiêu..., tiết kiệm chi phí khoảng 460 tỉ đồng.
Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG - do VNPT xây dựng) sau gần 1 năm vận hành chính thức (từ tháng 12.2019), đã có trên 2.300 dịch vụ công được tích hợp, với hơn 90 triệu lượt truy cập, trên 385.000 tài khoản đăng ký, hơn 24,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 588.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến, tiết kiệm hơn 6.700 tỉ đồng/năm. Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG cũng đã kết nối với 10 ngân hàng và trung gian thanh toán, cho phép thanh toán qua tài khoản của 40/46 ngân hàng tại VN để nộp thuế, phí…
Một điểm đáng chú trong xây dựng chính phủ điện tử lần này là tư duy “không lập dự án” mà thuê doanh nghiệp (DN) xây dựng, cho thấy vai trò của các DN VN được Chính phủ tin tưởng đặt hàng như VNPT... Ông đánh giá thế nào về khả năng và vai trò các DN công nghệ trong nước trong quá trình chuyển đổi số quốc gia?
Vai trò của các DN  công nghệ trong nước là vô cùng thiết yếu và quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia. Muốn thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số - xã hội số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, các DN công nghệ trong nước cần giữ trọng trách đầu tàu.
Trong đó sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển sẽ được đặt lên vai các DN công nghệ thông tin có đủ tiềm lực về tài chính, con người và đã khẳng định được thương hiệu như VNPT..., để làm chủ công nghệ hiện đại của thế giới, từ đó triển khai ứng dụng tại Việt Nam và tạo thành thông lệ tốt để các DN công nghệ vừa và nhỏ trong nước tham khảo, nhân rộng.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư phối hợp với một số tổ chức quốc tế thực hiện năm 2019, nếu chúng ta phát triển thành công một hệ sinh thái các DN công nghệ đủ mạnh thì xuất khẩu số của Việt Nam được dự báo có khả năng tăng 570%, đạt gần 29 tỉ USD vào năm 2030.
Các giải pháp chính phủ điện tử đã cho thấy hiệu quả thời gian qua, tuy nhiên, số giao dịch phát sinh trên Cổng DVCQG chưa nhiều. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Theo số liệu cập nhật đến ngày 23.11, Cổng DVCQG đã có hơn 385.000 tài khoản đăng ký, tăng gấp 4,7 lần so với tháng 3.2020 (82.000 tài khoản); hơn 90 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ, tăng gấp 3,9 lần; hơn 873.000 giao dịch thực hiện các dịch vụ tiện tích (như thanh toán trực tuyến...) và hơn 588.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng, tăng gấp hơn 45 lần...
Như vậy, số lượng tài khoản đăng ký, số lượng giao dịch trên Cổng DVCQG tăng lên từng ngày. Nhưng thực tế triển khai cho thấy, bên cạnh việc phải nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ tốt, thiết thực hơn thì việc thay đổi thói quen bằng cách tuyên truyền, tạo niềm tin, sự đơn giản, thuận lợi cho người dân trong thực hiện, là một việc rất quan trọng để tăng số lượng giao dịch trực tuyến. Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã cùng các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính khi thực hiện trên môi trường điện tử, từ đó mới tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG.
Tôi tin tưởng rằng, Cổng DVCQG sẽ ngày càng được người dân, DN đồng hành, ủng hộ, góp phần đạt được mục tiêu mà Chính phủ giao.
Thưa ông, chuyển đổi số quốc gia là mục tiêu không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước đang thực hiện. Liệu mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo có quá tham vọng?
Ngày 2.9, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên Hiệp Quốc (WIPO) công bố Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020. Theo đó, VN tiếp tục giữ vị trí thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng, trong khi năm 2019 đứng thứ 42/129. Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Ngày 10.7, Liên Hiệp Quốc đã công bố Báo cáo khảo sát chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 2 bậc so với năm 2018, duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2010 - 2020 từ vị trí 90 tăng lên vị trí 86...
Điều này cho thấy, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin, nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo là khả thi có thể thực hiện được. Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết để xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện để cải thiện các nhóm chỉ số về thể chế, hạ tầng công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.