Đại dịch Covid-19 đã tạo ra bước ngoặt lớn, thay đổi tư duy không chỉ người dân, doanh nghiệp mà chính cơ quan nhà nước từ sở ngành, địa phương, khi chủ động tìm kiếm các giải pháp trực tuyến thay cho thói quen bàn giấy trước đây. Đây là thời điểm thích hợp để bứt phá cho những tham vọng về nền kinh tế số, chuyển đổi số trên quy mô quốc gia.
Cơ hội trỗi dậy
Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á 2020 vừa được Google, Temasek và Bain & Company công bố cho biết, Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng internet mới cao nhất khu vực Đông Nam Á với 41% và 94% số người dùng mới này có ý định tiếp tục sử dụng kể cả sau đại dịch.
Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, người Việt Nam thường dành 3,1 giờ/ngày để truy cập internet cho mục đích cá nhân. Song khi giãn cách xã hội diện rộng, con số này đã tăng lên 4,2 giờ/ngày và hiện tại là 3,5 giờ/ngày. Khảo sát cũng cho hay, cứ 10 người dùng internet tại Việt Nam thì có tới 8 người cho rằng, công nghệ là công cụ rất hữu ích trong thời gian diễn ra đại dịch, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mọi người.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội “trỗi dậy” cho rất nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt và các sản phẩm chuyển đổi số Make in Vietnam của VNPT, Viettel, FPT...
Đại diện Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, sự chuyển dịch ấn tượng trong tư duy người dân là “mỏ vàng” cho chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam và là cơ hội cho các DN cung ứng nền tảng, giải pháp trực tuyến Việt Nam. Cuối tháng 3.2020, chỉ 1 ngày sau khi học sinh các tỉnh, thành phố phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, VNPT đã hoàn thành triển khai nền tảng VNPT E-Learning tại Trường tiểu học và THCS Archimedes (Hà Nội) và sau đó là hàng trăm trường học trên cả nước.
Là một trong những DN đi đầu trong thiết kế nền tảng học trực tuyến, VNPT nhận thức được dạy học trực tuyến sẽ là xu hướng tất yếu trong lộ trình chuyển đổi số nền giáo dục, có khả năng thay thế hoàn toàn cho lớp học truyền thống. E-Learning chỉ là một trong nhiều giải pháp trực tuyến mà tập đoàn này chớp cơ hội xây dựng và mở rộng thành công, bên cạnh hàng loạt phần mềm khác như VNPT-iOffice, VNPT-His trong lĩnh vực y tế, smart city…
Bản thân VNPT cũng đang “lột xác” từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, như khẳng định của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long: “VNPT muốn dẫn dắt chuyển đổi số thì bản thân phải chuyển đổi số. VNPT phải làm, phải thành công, phải có năng lực giúp các tổ chức, DN chuyển đổi số, thì họ mới có niềm tin đồng hành với mình”.
Có theo kịp “làn sóng thứ 3”?
Chính phủ đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số. Để hiện thực hóa tầm nhìn, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng ký ban hành. Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, lợi thế của các nền tảng Việt Nam là khả năng đáp ứng nhanh, tạo ra lời giải riêng cho những “bài toán riêng của Việt Nam”. Mục tiêu chương trình chuyển đổi số Bộ TT-TT đề ra nhằm để người dân hiểu được giá trị và quyền lợi mang lại từ chuyển đổi số. Bên cạnh đó, thúc đẩy các nền tảng số Make in Vietnam, tạo ra môi trường công bằng, cơ hội cho các DN Việt Nam phục vụ thị trường Việt Nam.
“Chúng ta đã bỏ qua 2 làn sóng trước đây của phát triển công nghiệp là sản xuất linh kiện phần cứng những năm 1990, làn sóng dotcom internet những năm 2000. Với làn sóng thứ 3 là chuyển đổi số, cộng đồng DN Việt Nam, đặc biệt là các DN công nghệ đứng trước cơ hội chưa từng có. Ví dụ làm phần mềm học liệu cho các trường, DN ngoại như Microsoft có thể cung cấp nền tảng nhưng không thể có thế mạnh tạo hệ sinh thái nội dung giáo dục như các DN trong nước. Khi DN thấu hiểu văn hóa của người Việt Nam sẽ cung cấp được dịch vụ, giải quyết được các vấn đề tốt hơn với chi phí rẻ hơn. Thị trường 44.000 cơ sở đào tạo với 20 triệu học sinh đang bỏ ngỏ. Cơ hội cho DN Việt Nam là có, nhưng cũng vô vàn thách thức, nếu để lỡ làn sóng thứ 3 này sẽ phải chờ vài chục năm mới có cơ hội khác”, ông Dũng nhìn nhận.
Về vi mô, với DN, chuyển đổi số là cơ hội để bắt kịp xu thế và dịch chuyển quá trình sản xuất, kinh doanh. Ở tầm vĩ mô, chuyển đổi số thực chất là quá trình thay đổi tư duy “không bàn giấy”, sử dụng các nền tảng trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Bản thân Chính phủ cũng đang nỗ lực chuyển đổi thành chính phủ điện tử và lâu dài là chính phủ số.
Thay vì phải đến trực tiếp cơ quan hành chính cấp phường, xã, quận, người dân đã có thể nộp hồ sơ nhiều thủ tục hành chính từ khai sinh, bằng lái xe… trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hàng nghìn dịch vụ công cấp độ 3, 4 được tích hợp trên nền tảng được Văn phòng Chính phủ đặt hàng Tập đoàn VNPT xây dựng, tạo sự tương tác nhanh chóng giữa Chính phủ với DN, người dân, tiết kiệm 6.700 tỉ đồng mỗi năm. Ngay giữa Chính phủ với các cơ quan hành chính cấp bộ ngành, địa phương, với cán bộ viên chức, việc giảm tối đa văn bản giấy đã được thực hiện hiệu quả với Trục liên thông văn bản quốc gia do Tập đoàn VNPT đầu mối xây dựng, tiết kiệm 1.200 tỉ đồng mỗi năm…
Hiệu quả kinh tế là thấy rõ, song quan trọng hơn, theo Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính phủ điện tử đã thay đổi rất lớn về lề lối làm việc, có sự giám sát mạnh mẽ của người dân, DN. Cán bộ ở bộ phận nào không xử lý theo đúng thời gian quy định đều được công khai xem xét, đánh giá.
Từ tháng 12.2019 đến nay, Cổng dịch vụ công quốc gia đã triển khai 1.072 thủ tục hành chính, đồng bộ trạng thái xử lý trên 16 triệu hồ sơ, xử lý 325.000 hồ sơ trực tuyến.
Trong giai đoạn dịch bệnh, VNPT đã phát triển thành công ứng dụng khai báo y tế NCOVI, ứng dụng này đã có trên 35 triệu lượt khai báo y tế tự nguyện và có gần 176.000 trường hợp khai báo có yếu tố nguy cơ. Với dịch vụ đào tạo trực tuyến E-Learning, VNPT cung cấp miễn phí trong năm học 2019 - 2020 với hơn 20.000 site phục vụ từ cấp 1 đến đại học, hơn 500.000 tài khoản giáo viên và gần 10 triệu tài khoản học sinh…
|
Bình luận (0)