Doanh nghiệp kêu khó khi tiếp cận vốn ngân hàng
Chiều 21.9, NHNN tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội, do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì; Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đại diện nhiều cơ quan liên quan, lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp… tham dự.
Tại hội nghị, một số vấn đề được điểm danh như thời gian phê duyệt khoản vay, thời gian giải ngân, khả năng tiếp cận vốn khi ngân hàng cạn room tín dụng, chuẩn cho vay của các ngân hàng…
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội (Hanoisme), cho biết một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đồng bộ. Chẳng hạn như việc thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% tại Nghị định 31 thì chỉ có doanh nghiệp lớn tận dụng được, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thì chưa được tiếp xúc nhiều.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) Lê Vĩnh Sơn cho biết, doanh nghiệp SME khi tiếp cận vay vốn khá khó, do thủ tục rườm rà, thời gian xem xét dài. Ông Sơn tiết lộ, thời gian xét duyệt cho khoản vay ngắn hạn là 1 - 3 tháng, còn với khoản vay trung và dài hạn thời gian duyệt là 3 tháng, có khi lên tới 6 tháng.
Ông Sơn cũng nhắc câu chuyện doanh nghiệp trả nợ trước hạn bị phạt trả lãi. "Tức là nếu có nguồn thu từ dự án để trả nợ thì sẽ bị phạt. Tôi đề xuất miễn phí trả nợ trước hạn, hoặc nếu có chỉ 1%", ông bày tỏ.
Ông Sơn đề nghị thời gian giải ngân tối đa nên là 1 tháng cho các khoản vay. Các ngân hàng cần áp dụng công nghệ 4.0 vào quy trình phê duyệt, gắn KPI thời gian phê duyệt. Mặt khác, các ngân hàng có thể điều chỉnh linh động trong quá trình đánh giá chỉ tiêu tài chính do bản thân doanh nghiệp cũng chịu những tác động khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, ngân hàng nên giữ nguyên nhóm nợ để bảo đảm cho doanh nghiệp điều kiện hoạt động bình thường.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đỗ Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty CP Hawee, cho biết tỷ giá vừa qua có biến động tương đối lớn, tác động không nhỏ đến doanh nghiệp do chi phí đầu vào tăng.
Còn về lãi suất, năm 2023 mặt bằng lãi suất cho vay biến động cao trong giai đoạn đầu năm và giảm dần đến cuối năm. Hiện nay, lãi suất cơ bản đã quay về trước giai đoạn dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp có hấp thụ được vốn vay hay không lại phụ thuộc vào tình hình của các đối tác đầu ra, trong đó có các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản… Bà Hương mong muốn doanh nghiệp được cơ chế tiếp cận vốn đặc thù ở những gói thầu lớn, gói thầu trọng điểm quốc gia.
Ngân hàng "mong doanh nghiệp thấu hiểu"
Tại hội nghị, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành VietinBank, bày tỏ các ngân hàng đã rất chia sẻ với doanh nghiệp và "mong doanh nghiệp thấu hiểu cho".
Theo ông Sơn, ngân hàng huy động vốn thì phải trả lãi cho người gửi tiền và ngân hàng có kế hoạch tài chính được tính toán. Dù thế, tùy trường hợp cụ thể mà ngân hàng vẫn linh hoạt nguồn tiền, miễn giảm lãi để hài hòa lợi ích doanh nghiệp và ngân hàng. Tại VietinBank, dư nợ với địa bàn Hà Nội là 243.530 tỉ đồng, tăng 6,65%.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, bày tỏ cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để giảm lãi suất cho vay. Theo ông Tùng, Vietcombank sẽ giảm 1.850 tỉ đồng lợi nhuận để hỗ trợ các khoản vay hiện hữu. Còn về chuẩn tín dụng, ngân hàng không thể hạ vì sẽ phát sinh nợ xấu, khiến chi phí vốn ngân hàng của ngân hàng có thể tăng lên.
Cũng theo ông Tùng, với khách hàng đang vay vốn, ngân hàng sẽ tăng cường tư vấn, phân tích các phương án sẽ gây ra rủi ro gì cho khách hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng sẽ rà soát để có những thay đổi phù hợp về thời hạn giải ngân vốn. Còn về phạt phí trả nợ trước hạn, ngân hàng linh hoạt và "mong khách hàng thấu hiểu do ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động ngân hàng".
Bình luận (0)