Doanh nghiệp hiến kế, đặt hàng khoa học công nghệ nâng giá trị nông sản

10/07/2024 18:03 GMT+7

Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, thu hút nhiều ý kiến hiến kế, đặt hàng từ doanh nghiệp cho các đơn vị nghiên cứu để nâng cao giá trị, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản.

Doanh nghiệp chính là thị trường khoa học công nghệ

Ngay trong phiên thảo luận đầu tiên, diễn đàn đã sôi nổi từ những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn từ đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Doanh nghiệp hiến kế, đặt hàng khoa học công nghệ nâng giá trị nông sản- Ảnh 1.

Diễn đàn thu hút sự tham gia thảo luận sôi nổi từ đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã

H.P

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), chia sẻ ngay trước khi diễn đàn này diễn ra, doanh nghiệp đã chọn 3 sản phẩm khoa học từ các viện, trường để đưa vào sản xuất kinh doanh.

Khẳng định hợp tác công - tư là điều cần thiết để tận dụng tối đa nguồn lực, kết nối với thị trường, đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, xã hội, bà Trần Kim Liên cho biết, từ năm 2006, Vinaseed phối hợp với các viện nghiên cứu công lập để chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ vào sản xuất. Các nhóm giống cây trồng đã mua bản quyền để đưa vào sản xuất đóng góp 50% doanh thu của doanh nghiệp.

Cũng theo bà Trần Kim Liên, các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ coi doanh nghiệp chính là thị trường của khoa học công nghệ. Bởi, doanh nghiệp có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường nên sẽ hiểu nhu cầu, dự báo được thị trường.

"Trong giống ngô hiện nay, tạo màu cho hạt ngô thì đã làm được rồi thì sắp tới sẽ là ngô có thêm mùi hương thơm tự nhiên như dứa chẳng hạn, còn gạo thì phải là loại gạo ít đường", bà Liên nói và nhấn mạnh các doanh nghiệp khối tư nhân luôn kỳ vọng sẽ có nguồn thông tin dự án cụ thể để tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

Vinaseed cũng mong muốn tham gia sâu hơn trên toàn chuỗi giá trị sản xuất cây trồng, từ mua bản quyền, chuyển giao, khảo nghiệm giống, đến đưa vào sản xuất và đầu tư công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, mục tiêu là đi đường dài, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp.

"Doanh nghiệp chúng tôi đã đặt hàng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học nghiên cứu tạo ra giống cà chua có thể trồng được ngoài đồng, ít bị sâu bệnh mà vẫn bảo đảm quả cứng để vận chuyển dài ngày; nghiên cứu giống dưa chuột để làm sản phẩm chế biến để không cần phải nhập giống từ Hà Lan nữa. Chúng tôi sẵn sàng tài trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí cho các dự án này", bà Liên nói.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, chia sẻ doanh nghiệp này đang xuất khẩu rất nhiều sản phẩm rau quả chế biến. Trong đó, thị trường Nhật Bản đặc biệt có nhu cầu lớn với sản phẩm đậu tương rau nhưng hiện nay toàn bộ giống trồng vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngoài ra, doanh nghiệp đang hợp tác với các nhà khoa học để nghiên cứu công nghệ sản xuất nước trái cây không bị tách nước, có thời gian bảo quản kéo dài ở nhiệt độ thông thường. Đây là những sản phẩm đồ uống mới sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Từ nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, cần phát triển các sản phẩm mới theo nhu cầu thị trường người tiêu dùng, ông Hưng đề xuất, Bộ NN-PTNT nên xây dựng một không gian, diễn đàn để nông dân, doanh nghiệp cùng đưa ra ý tưởng cho các nhà khoa học thực hiện các nghiên cứu. Ngược lại, khi nghiên cứu được triển khai, có kết quả thì công bố trên nền tảng cơ sở dữ liệu này để doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin, chủ động tiếp cận.

Không phải ký hợp đồng xong là thôi

Ông Trần Trung Đức, Chủ tịch, Giám đốc Hợp tác xã chuối Viba - đơn vị sản xuất chuối uy tín, lớn nhất ở miền Bắc, cho biết doanh nghiệp này đã sử dụng giống chuối của Viện Rau quả T.Ư và chìa khóa để sống sót, thành công đến hôm nay là ứng dụng khoa học công nghệ. Sản phẩm đầu tiên doanh nghiệp này ứng dụng là giấm ủ chuối thay thế bằng các loại thuốc ủ khiến người tiêu dùng rất lo sợ.

Doanh nghiệp hiến kế, đặt hàng khoa học công nghệ nâng giá trị nông sản- Ảnh 2.

Các doanh nghiệp và các viện, trường thuộc Bộ NN-PTNT ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất

H.P

Nếu chỉ dựa vào cây chuối thì chỉ sau 2 - 3 năm trên cùng một mảnh đất, năng suất sẽ giảm, vì thế doanh nghiệp phải kết nối để bảo quản, chế biến các sản phẩm từ chuối và trái cây khác.

Theo ông Trần Trung Đức, hành trình để đưa một sản phẩm ra thị trường rất dài và luôn cần có sự đồng hành của các nhà khoa học. Người tiêu dùng có yêu cầu thay đổi, căn chỉnh sản phẩm thì phải có các nhà khoa học.

"Chúng tôi cần các nhà khoa học phải là những người đồng hành thực sự với doanh nghiệp chứ không phải là ký hợp đồng xong là thôi", ông Đức bày tỏ.

Tại diễn đàn, ông Lê Hữu Tình, Phó giám đốc Công ty TNHH thủy sản Đắc Lộc, cho rằng khoa học công nghệ giống như một lĩnh vực khởi nghiệp cho tất cả các ngành nghề và tạo ra sức cạnh tranh, giá trị khác biệt.

"Doanh nghiệp chúng tôi được Bộ NN-PTNT giao cho đề tài cấp quốc gia về nghiên cứu nuôi con tôm hùm sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đưa được nó lên bờ để nuôi thành công đó là nhờ khoa học công nghệ. Đó là những lý do khiến các nước ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia có điều kiện nuôi trồng thủy sản tốt hơn Việt Nam nhưng lại đang phát triển kém hơn so với chúng ta", ông Tình nói.

Ông Lê Hữu Tình cũng kiến kế, khoa học công nghệ trong ngành thủy sản hiện nay nên tập trung vào quy hoạch thích ứng với những vật nuôi bản địa; phát triển nuôi biển; giữ gìn, bảo tồn đàn cá bố mẹ thuần chủng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.