Doanh nghiệp kiến nghị hạn chế thanh kiểm tra để tập trung khôi phục sản xuất

Nguyên Nga
Nguyên Nga
03/10/2020 14:45 GMT+7

Để vượt khó trong đại dịch Covid-19 , Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM nhờ thành phố chỉ đạo các cơ quan hạn chế kiểm tra, thanh tra để doanh nghiệp tập trung khôi phục sản xuất.

Sáng 3.10, UBND TP.HCM tổ chức tọa đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay” tại Trung tâm báo chí TP.HCM.

Thổi bay 21.000 tỉ đồng 

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin, lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%, trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỉ đồng, làm giảm doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỉ đồng. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành của thành phố bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động. “Tuy nhiên, trong đại dịch mới thấy sức sống mãnh liệt của các doanh nghiệp thành phố, bởi lẽ đã có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, hơn 30.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỉ đồng”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết, Hội đã tiến hành một khảo sát vào giữa tháng 8, nhìn chung cho đến thời điểm này, doanh nghiệp TP.HCM đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, mức hoạt động bình thường chỉ chiếm 5%, 9% cho biết là đang cố gắng vượt khó khăn, 40% đang khó khăn nghiêm trọng và 40% là rất khó khăn. Khảo sát cũng cho kết quả có đến 84% doanh nghiệp ở dạng khó khăn. Trong đó, 40% cho biết thiếu vốn, 14% khó vì bị đứt gãy chuỗi cung ứng doanh nghiệp, 88% doanh nghiệp đã thu hẹp thị trường, 52% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động…
Ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh “Có thể chia ra 4 bức tranh chung: Một số doanh nghiệp thuộc các ngành ngân hàng, thực phẩm, thiết bị thiết yếu, máy móc, đồ gỗ, công nghệ thông tin… có tăng trưởng và có lãi chiếm 10 - 15%; 20% vẫn duy trì sản xuất nhưng ở mức rất thấp; 40 - 50% đã cạn kiệt vốn, nhân lực, thua lỗ… tập trung ngành dịch vụ du lịch, ẩm thực, giáo dục… và 20% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có khả năng tích lũy thấp, thu hẹp hoặc phá sản… Ông Dũng cũng kiến nghị sửa đổi nhanh chính sách cho vay trả lương người lao động theo hướng nhiều doanh nghiệp cùng làm, điều kiện đơn giản, chứ trong đợt 1, nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí làm thủ tục vay cao hơn chi phí vay. Đặc biệt, trong 12 kiến nghị, kiến nghị cuối cùng của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM là đề nghị chính quyền chỉ đạo các cơ quan “hạn chế kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang tập trung vượt khó để phục hồi sản xuất”.

Để “chiếc lò xo bị nén” bật lại mạnh mẽ

Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT Capella Holdings, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q.1, TP.HCM khẳng định, trong đại dịch mới thấy, nội lực của doanh nghiệp trong nước rất lớn. 80% các dự án được mua bán sáp nhập liên quan bất động sản, nhà xưởng, đất đai trong 9 tháng của năm nay là do doanh nghiệp trong nước thực hiện.

Nhiều chuyên gia kinh tế tham gia góp ý tại tọa đàm

Thế nên, ngoài tháo gỡ đầu tư công, theo ông Trí, những ách tắc của đầu tư tư nhân cần được khơi thông nhiều hơn. Các nhà đầu tư tư nhân trong nước gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính. Ông Trí đề nghị: “Trong thẩm quyền của thành phố, nên chọn 30 - 50 công ty, tập đoàn để cải cách thủ tục hành chính, giải quyết toàn bộ vướng mắc của họ, lúc đó đảm bảo nguồn vốn ra thị trường rất lớn. Rất nhiều công ty, tập đoàn hiện có tiền, có người làm nhưng thủ tục làm hoài không xong, dự án cứ chờ không biết vướng ở đâu. Trong kinh tế có nhiều “biến”, nhưng “biến” lớn nhất là tâm lý. Nếu các sở ban ngành đồng hành cùng doanh nghiệp, chia sẻ với chúng tôi, cùng ngồi với chúng tôi để lắng nghe đã là động lực rất lớn cho doanh nghiệp. Thế nên, trong tất cả mọi kiến nghị, chúng tôi chỉ kiến nghị tháo gỡ thủ tục hành chính càng sớm càng tốt mới khơi thông được nguồn vốn tư nhân vào nền kinh tế được”, ông Trí nhấn mạnh.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu, cho rằng đầu tư chuyển đổi số được đánh giá tăng trưởng tốt trong đại dịch. Song để việc chuyển đổi số của các dự án công đạt hiệu quả, đặc biệt là dự án thành phố thông minh… mọi thông tin cần minh bạch hơn để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin biết và có cơ hội tham gia, tránh trường hợp chỉ dành cho một số doanh nghiệp trong ngành.
Khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân vẫn rất quan trọng, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, thực tiễn phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới, nhất là 15 năm gần đây, cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đã tạo nên luồng sinh khí mới, trở thành một động lực trực tiếp của tăng trưởng kinh tế. Trên 438.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố.
Ông Phong khẳng định: “Phục hồi kinh tế đối với thành phố hiện nay trước mắt là phải phục hồi hoạt động của doanh nghiệp bởi chính doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm. Đây cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Thực tế đã chứng mình rằng, chỉ cần “doanh nghiệp không bị phá sản thì doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi” và như “chiếc lò xo bị nén” sẽ bật lại mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.