Doanh nghiệp 'kiệt sức' vì chờ hoàn thuế

19/06/2024 06:19 GMT+7

Sau nhiều lần kiến nghị, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số doanh nghiệp đã được hoàn thuế hoặc được nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Thế nhưng vẫn còn nhiều đơn vị mòn mỏi chờ nhiều năm qua trong bối cảnh nguồn vốn bị cạn kiệt.

Khổ như hoàn thuế

Sau gần 1 tháng Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn mòn mỏi chờ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hoạt động xuất khẩu, một số đơn vị vui mừng cho hay đã được Cục Thuế TP.HCM trực tiếp đối thoại và hồ sơ đã có tiến triển. Ông Huỳnh Tấn Thống, Giám đốc Công ty CP XNK Huỳnh Hải Nam (TP.HCM), kể sau khi gặp gỡ trực tiếp với Cục Thuế TP.HCM, ngày 11.6 công ty đã được Chi cục Thuế Q.Tân Bình (TP.HCM) chấp thuận nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT cho kỳ từ giữa năm 2022 - 8.2023 với số tiền hơn 14 tỉ đồng mà trước đó chưa được tiếp nhận. 

Đến ngày 12.6, công ty đã nhận được công văn từ Chi cục Thuế Q.Tân Bình về việc giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu đối với nhiều nội dung trong hồ sơ. DN kỳ vọng đợt này hồ sơ hoàn thuế của công ty sẽ được giải quyết nhanh hơn trước. Bởi chỉ khi thực hiện xong hồ sơ hoàn thuế này thì công ty mới tiếp tục đề nghị được hoàn thuế cho giai đoạn từ tháng 9.2023 - 5.2024 với số tiền ước tính hơn 7 tỉ đồng. "Trước đây, từ năm 2019 - 2020, mỗi năm doanh thu của DN lên gần 1.000 tỉ đồng thì số tiền thuế GTGT cần được hoàn lại (thuế GTGT đầu vào của ngành cao su là 5%) cũng rất lớn. 

Thế nhưng từ năm 2021 khi hồ sơ hoàn thuế quá chậm, dẫn đến DN bị đọng vốn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nên đã chủ động giảm sản xuất. Bởi nếu ký nhiều hợp đồng thì phải vay thêm nhiều tiền từ ngân hàng phải trả lãi nhiều. Trong khi số tiền lãi đều bị "chôn" trong số tiền thuế GTGT nhiều năm. Càng oái ăm đến cuối năm khi DN báo cáo có lãi thì vẫn phải nộp thuế thu nhập DN và các loại phí theo nghĩa vụ với nhà nước. Việc này đã khiến nhiều DN cùng ngành cao su ở TP.HCM gặp khó khăn thời gian qua", ông Thống giải thích.

Doanh nghiệp 'kiệt sức' vì chờ hoàn thuế- Ảnh 1.

Làm thủ tục tại Chi cục Thuế Q.1 (TP.HCM)

Ngọc Dương

Hãy đặt vấn đề vậy việc cơ quan thuế chậm hoàn thuế cho DN, như hình thức chiếm dụng vốn của DN, gây thiệt hại cho DN không có nguồn tài chính kịp để tái sản xuất, thiệt hại này đến nay không thể đong đếm được. Trong thực thi việc thu thuế, dường như chúng ta đang tập trung "tội" của DN nhiều hơn, mà chưa hề xem xét vai trò trách nhiệm của ngành thuế chậm hoàn thuế gây thiệt hại cho DN.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM)

Trong khi đó, mặc dù đã có nhiều phản ánh, kiến nghị nhưng hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của Công ty TNHH TM-SX Hoa Sen Vàng chuyên sản xuất cao su tại TP.HCM từ tháng 11.2021 đến nay vẫn chưa được giải quyết. Số thuế GTGT lũy kế chưa được hoàn lại lên đến 85 tỉ đồng do khâu xác minh đầu vào quá chậm. Việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn vốn lưu động của công ty. Trong hoạt động kinh doanh, phần lớn vốn lưu động công ty phải vay từ các ngân hàng. Khi thiếu hụt nguồn vốn công ty phải tăng số tiền vay làm tăng chi phí, tăng giá vốn. "Khi giá vốn tăng thì làm giảm khả năng cạnh tranh của công ty, giảm doanh thu dẫn đến giảm lợi nhuận. Ảnh hưởng đến tính ổn định của công ty, từ đó ảnh hưởng đến công việc và đời sống của người lao động", đại diện Công ty TNHH TM-SX Hoa Sen Vàng nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP.HCM, tình trạng DN trong ngành cao su bị chậm hoàn thuế GTGT tại thành phố vẫn còn rất nhiều. Một số DN lớn chưa được hoàn thuế với số tiền lên đến 20 - 30 tỉ đồng. Riêng với bản thân công ty ông cũng đang có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT cho thời gian 2021 - 2022 với hơn 2 tỉ đồng chưa được chấp thuận. Gần 1 năm trước, công ty đã nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT nhưng cơ quan thuế sau khi rà soát cho hay có đối tác đã ngừng hoạt động, đóng mã số thuế và có đối tác có cảnh báo rủi ro về thuế… nên vẫn chưa chính thức nhận hồ sơ. 

Ông Nguyễn Quốc Anh đặt vấn đề: Tôi vẫn không hiểu tại sao DN cao su ở TP.HCM gặp nhiều rắc rối trong việc đề nghị hoàn thuế GTGT trong khi ở các tỉnh, thành phố khác các công ty vẫn được giải quyết nhanh hơn. Chúng tôi mong muốn cơ quan thuế TP.HCM cần tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của DN. Phần nào chưa xác minh được, do đối tác bị ngừng hoạt động… mặc dù không phải lỗi DN thì vẫn có thể loại ra, còn lại hoàn thuế cho DN theo đúng quy định. Bản thân các DN vẫn đang hoạt động thì thậm chí nếu sau đó phát hiện có số tiền bị hoàn lại dư nếu loại trừ vẫn truy thu được. Trong khi DN hoạt động luôn phải chạy tìm nguồn vốn khắp nơi thì việc số thuế bị "đọng" quá lâu khiến DN khó khăn trăm bề và không dám làm nhiều vì càng làm càng bị chôn vốn.

Doanh nghiệp 'kiệt sức' vì chờ hoàn thuế- Ảnh 2.

Thực hiện thủ tục thuế tại TP.HCM

NGỌC DƯƠNG

Doanh nghiệp nợ thuế bị phạt, bị cấm xuất cảnh…

Trong khi hàng loạt DN bị chậm hoàn thuế GTGT hàng trăm tỉ đồng trong vài năm trời thì ngược lại hàng loạt chủ DN, đại diện các công ty gần đây đã bị bêu tên cấm xuất cảnh dù nợ thuế chưa đến 1 triệu đồng. Ví dụ, giữa tháng 5 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 (Cục Hải quan TP.HCM) có 5 thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với một số đại diện pháp luật của DN đang nợ thuế. 

Trong đó, có trường hợp của bà L.H.B, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH thương mại hóa chất G.T (Bình Dương), bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18.5 với lý do DN mà bà đang đại diện pháp luật nợ thuế 997.222 đồng. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định "chưa hoàn nghĩa vụ thuế" có từ 10 năm trước, tháng 5.2014. Tương tự, hồi tháng 2, giám đốc một công ty tại TP.HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do DN nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế, chưa bao gồm các khoản phạt chậm nộp…

Doanh nghiệp 'kiệt sức' vì chờ hoàn thuế- Ảnh 3.

Việc chậm hoàn thuế như hình thức chiếm dụng vốn của doanh nghiệp

NGỌC THẮNG

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết từ đầu năm đến nay, số trường hợp được cơ quan hải quan gửi thông báo sang Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh, thực hiện thông báo của cơ quan quản lý thuế, vì lý do nợ thuế quá hạn ngày càng tăng. Đáng nói, đã có trường hợp "dở khóc dở cười" khi người bị tạm hoãn xuất cảnh còn không biết mình là giám đốc, đại diện pháp luật cho một DN do giấy tờ cá nhân bị đánh cắp để thành lập công ty. Hay có trường hợp người đại diện pháp luật đã rời công ty từ 10 năm trước, và cũng không hay biết DN đó nợ thuế (số tiền rất nhỏ), khi ra sân bay mới hay mình bị tạm hoãn xuất cảnh…

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM), cho rằng về nguyên tắc, DN nợ thuế quá hạn, bị cưỡng chế thuế là đúng quy định. Nhưng với các trường hợp ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh, đặc biệt DN lớn, đang làm ăn với nhiều đối tác, đang gặp khó khăn về tài chính trong ngắn hạn, với thông báo này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu DN rất nhiều. Trường hợp gần đây là chủ tịch một công ty đầu tư về năng lượng mặt trời. DN này đi đầu trong đầu tư đường dây riêng, đầu tư sớm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thông tin hoãn xuất cảnh ngay người đứng đầu DN ít nhiều đã ảnh hưởng đến thương hiệu DN. 

Theo bà, luật pháp phải được thực thi trên cơ sở tạo thuận lợi hơn cho người dân và DN, không nên cứng nhắc, gây tổn thất cho họ. "Hãy đặt vấn đề vậy việc cơ quan thuế chậm hoàn thuế cho DN, như hình thức chiếm dụng vốn của DN, gây thiệt hại cho DN không có nguồn tài chính kịp để tái sản xuất, thiệt hại này đến nay không thể đong đếm được. Trong thực thi việc thu thuế, dường như chúng ta đang tập trung "tội" của DN nhiều hơn, mà chưa hề xem xét vai trò trách nhiệm của ngành thuế chậm hoàn thuế gây thiệt hại cho DN. Điều này cũng cần đặt vấn đề và nên công bằng với DN hơn", bà Thảo nhấn mạnh và nói thẳng: Khi chúng ta bàn đến tổn thất của ngân sách nhà nước, cũng nên cân nhắc đến tổn thất của DN, nếu ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, DN sẽ ảnh hưởng thế nào, đặc biệt khi cơ quan quản lý thuế biết rõ DN đang có những khó khăn tạm thời thế nào… 

Các quyết định chế tài mang tính pháp lý đối với DN chung quy là buộc DN làm đúng luật, cơ quan quản lý cũng đang thay nhà nước thi hành luật đối với DN. Vậy với cơ quan thuế, với sự chậm trễ hoàn thuế cho DN, những trường hợp DN than trời vì không biết còn đòi đến giấy tờ nào nữa, trong khi đồng tiền họ đang vay ngân hàng khó khăn, thiệt hại về tài chính vô cùng lớn. Vậy ai trả cho những thiệt hại của DN trong chậm thu về tiền thuế GTGT mình từng đóng vào? Trong khi thuế chậm còn bị nộp phạt theo lãi suất nữa mà", bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.

Tiền hoàn thuế là nguồn vốn của doanh nghiệp

Ngày 12.6, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 4092 gửi Bộ Tài chính về việc hoàn thuế GTGT cho DN sau khi Báo Thanh Niên ngày 24.5 đăng bài phản ánh tình trạng nhiều DN cao su phải chờ đợi được hoàn thuế GTGT. Theo đó, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ Tài chính rà soát, làm rõ thực trạng việc hoàn thuế GTGT cho DN như báo chí phản ánh. Đồng thời, Bộ Tài chính khẩn trương chỉ đạo các cơ quan thuế thực hiện việc hoàn thuế GTGT theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm thời hạn, không để chậm trễ, kéo dài, nhất là đối với những hồ sơ hoàn thuế đã quá thời hạn nhưng chưa được xử lý và trả lời rõ ràng, dứt khoát cho DN, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN. 

Trước đó, trong năm 2023, sau nhiều kiến nghị, phản ánh của DN từ cao su đến gỗ… Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan quản lý thuế đẩy nhanh việc hoàn thuế GTGT cho DN. Tại một số kỳ họp của Quốc hội, vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội nêu ra để chất vấn với Bộ Tài chính. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng nêu vấn đề trong bối cảnh nhiều DN gặp khó khăn, sức khỏe đã bào mòn qua nhiều năm. Việc tiếp cận tín dụng cũng rất khó, mặc dù hạ lãi suất xuống nhưng các điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn để tiếp cận tín dụng cũng rất ngặt nghèo. Do đó, khoản tiền được hoàn thuế có ý nghĩa rất lớn với DN. 

Quyết định hoàn thuế GTGT trong những năm qua là chính sách đúng đắn của Quốc hội, Chính phủ và trách nhiệm thực thi chính sách là của cơ quan chức năng, DN không phải đi xin hoàn thuế. Trong khi đó, luật Quản lý thuế đã quy định rất rõ, trong thời gian 40 ngày kể từ khi nộp đủ hồ sơ thì DN sẽ được hoàn trả tiền thuế GTGT chênh lệch đã đóng ban đầu. Hơn nữa, nếu chứng minh được việc chậm trễ hoàn thuế là do lỗi từ cơ quan quản lý thuế, thì ngoài số tiền phải hoàn trả, cơ quan thuế còn phải trả lãi với mức 0,03%/ngày, tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn. Do đó quan trọng nhất là trách nhiệm thực thi của các cơ quan quản lý thuế ở địa phương.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, người đã tư vấn nhiều hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN, thẳng thắn: Có nhiều trường hợp cơ quan thuế yêu cầu rất oái ăm, khó khăn để DN hoàn thành. Chẳng hạn, có DN xuất khẩu dầu ăn vẫn đang mòn mỏi chờ hoàn thuế cho hồ sơ hơn 20 tỉ đồng. Cơ quan thuế cho biết DN này xuất khẩu cho cá nhân ở nước ngoài không đăng ký kinh doanh là không được. 

Trong khi đó, luật quy định nêu rõ là xuất khẩu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nhưng không yêu cầu đối tác phải đăng ký kinh doanh. Đó là chưa kể gần đây, cơ quan thuế còn yêu cầu DN phải kê khai thêm nhiều chi tiết như thông tin về xe giao hàng hóa tại kho gồm biển số xe, trọng tải, thông tin cá nhân của tài xế… Nếu như ngành cao su thì thuế suất thuế GTGT chỉ 5% trong khi với nhiều ngành hàng khác thì thuế GTGT là 10% nên số tiền cần được hoàn lại rất lớn, lên vài chục tỉ đồng là phổ biến. Khi bị chậm trễ hoàn thuế khiến DN phải chạy đôn chạy đáo vay mượn nhiều nơi để có tiền duy trì hoạt động, sản xuất.

Luật sư Trần Xoa nhấn mạnh: luật Quản lý thuế đã nêu rõ có 3 điều kiện để được hoàn thuế GTGT. Đó là có hợp đồng xuất khẩu; tờ khai hải quan khi xuất khẩu hàng hóa và thanh toán không tiền mặt. Các cơ quan quản lý thuế cần phải làm theo đúng quy định, thậm chí hỗ trợ cho DN hoàn trước kiểm tra sau thì mới đúng tinh thần hỗ trợ, đồng hành với DN mà Chính phủ đã đặt ra từ nhiều năm qua. Không nên vì một số trường hợp vi phạm mà suy luận hay ách tắc, vi phạm quyền lợi của hàng loạt DN. Bởi đây chính là rào cản lớn khiến cho DN thiếu vốn, phải thu hẹp hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người lao động và phát triển của kinh tế cả nước. 

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại kinh tế và quốc tế (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), nói thẳng: Chính phủ đã có ý kiến rồi, vấn đề còn lại là vai trò của ngành thuế. Hãy coi đó là hiệu lệnh có tác động tích cực cho ngành để cải cách bộ máy. Ai làm chậm, làm trễ, ảnh hưởng đến DN, có biện pháp xử lý ngay. Ngành thuế nên có lộ trình xử lý việc hoàn thuế này một cách mạch lạc. Nếu không đúng, phải có giải trình ngay, làm chậm, giải trình, vướng ở đâu, giải trình, như vậy các chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội mới có tính răn đe và hiệu quả mạnh mẽ được".

Không thể 1 - 2 DN làm sai thì lại bắt hàng loạt DN khác phải chờ xác minh

Mọi quy định liên quan quy trình hoàn thuế GTGT đều đã có đầy đủ. Thậm chí, theo quy định của luật Quản lý thuế, DN có thể được hoàn thuế trước kiểm tra sau. Tuy vậy, dù hầu hết hồ sơ của DN đề nghị hoàn thuế đều đúng nhưng vẫn bị trì hoãn, không được thực hiện theo đúng thời gian mà luật đã quy định. Điều này là đang gây khó khăn cho DN, hoàn toàn trái ngược với tinh thần hỗ trợ cộng đồng DN mà Chính phủ công bố. Cơ quan nhà nước không thể hiểu luật theo kiểu suy diễn và không được nghi ngờ mà phải thực hiện theo luật. Không thể 1 - 2 DN làm sai thì lại bắt hàng loạt DN khác phải chờ xác minh, kiểm tra. Đồng thời phải thực hiện theo quy định, hồ sơ hoàn thuế chậm đến đâu thì phải trả lãi cho DN đến đó mới công bằng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI

Có thể cho DN tạm khấu trừ thuế với số thuế GTGT chưa được hoàn ?

Có thể xem xét cho DN được khấu trừ khoản thuế đến kỳ nộp với thuế GTGT chưa được hoàn được không? Nghĩa là DN có những khoản thuế đến kỳ nộp, không phải chạy đôn chạy đáo vay mượn để nộp nữa, mà cho khấu trừ vào khoản tiền thuế GTGT mà ngân sách đang nợ DN. Đây là giải pháp tình thế, cần thiết cho DN làm hàng xuất khẩu, cần nguồn tiền ra vô thường xuyên với lượng tiền lớn để mua vật liệu sản xuất. Sau khấu trừ, phần dôi ra có thể hoàn hoặc thu tiếp. Cách này giúp DN rất nhiều, cứu DN trong bối cảnh khó khăn tài chính. Cách thứ hai là nhà nước nếu có quỹ dự phòng, trong giai đoạn DN khó khăn, không hoàn thuế được, nguy cơ phá sản, nên dùng quỹ này để cứu DN. Thứ ba, hãy sử dụng kênh ngân hàng, có thể cho DN vay lãi suất thấp nhất có thể để mua hàng, số tiền DN trả sau khi được hoàn thuế…

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại kinh tế và quốc tế (Trường ĐH Kinh tế quốc dân)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.