Doanh nghiệp làm sai thì xử rất nghiêm, cơ quan Nhà nước chậm ban hành văn bản thì sao?

07/11/2023 14:05 GMT+7

Đại biểu đề cập tới phản ánh của cử tri, rằng doanh nghiệp khi làm sai thì xử phạt rất nghiêm, nhưng tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn lại chưa có chế tài đủ mạnh.

Sáng 7.11, tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho biết, khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng nếu doanh nghiệp làm chậm, làm sai so với quy định của pháp luật thì Nhà nước xử phạt, chế tài rất nghiêm.

Thế nhưng, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật hoặc ban hành văn bản pháp luật không khả thi thì chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh, dù tác động đến doanh nghiệp và người dân là rất lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết quan điểm và giải pháp đối với vấn đề này?

Trước khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời câu hỏi trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định câu hỏi của đại biểu Trân "rất là hay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm".

Doanh nghiệp làm sai thì xử rất nghiêm, Nhà nước chậm ban hành văn bản thì sao? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương)

GIA HÂN

Cùng quan tâm đến lĩnh vực tư pháp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề cập hiện nay vẫn còn 13/129 văn bản quy định chi tiết của luật, nghị định đã có hiệu lực pháp luật trong nhiệm kỳ này nhưng vẫn chưa ban hành các văn bản cụ thể. Cá biệt, có văn bản nợ 2 năm 9 tháng, nếu không giải quyết thì con số này có thể dài hơn.

Ngoài ra, một số văn bản theo đánh giá thì chất lượng chưa đảm bảo, vừa ban hành thời gian ngắn đã sửa đổi, bổ sung hoặc không phù hợp với thực tiễn, vẫn có bất cập, vướng mắc.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết trách nhiệm của bộ trong vấn đề xây dựng thể chế này như thế nào và hướng giải pháp trong thời gian tới. Đại biểu cũng gửi câu hỏi này đến Thủ tướng Chính phủ.

"Đã lâu, đã cố gắng nhưng chưa thể giải quyết triệt để"

Trả lời chất vấn của 2 đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn nhìn nhận tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết là việc "đã lâu, đã cố gắng đưa ra nhiều giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để".

Năm 2023, thống kê của Bộ Tư pháp cho thấy còn nợ 12 văn bản liên quan đến các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật. So sánh với năm 2020, số văn bản còn nợ đã giảm 18, so với năm 2021 thì tăng 4, so với năm 2022 thì bằng nhau.

Doanh nghiệp làm sai thì xử rất nghiêm, Nhà nước chậm ban hành văn bản thì sao? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

GIA HÂN

Về nguyên nhân dẫn đến nợ đọng văn bản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng yếu tố chủ quan là chính, trong đó có sự chưa chủ động, chưa cố gắng, chưa lường hết của các chủ thể trình văn bản là các bộ, ngành.

Đối với yếu tố khách quan, một số vấn đề đã được Bộ Tư pháp nêu từ trước. Ví dụ, có những luật yêu cầu hệ thống văn bản quy định chi tiết khá nhiều, điển hình như luật Kinh doanh bảo hiểm có tới 37 nội dung giao quy định chi tiết.

Cạnh đó, một số văn bản khó, ví dụ như nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể, nghị định xử lý vi phạm hành chính về thủy sản, an ninh mạng. Ngoài ra, thời điểm có hiệu lực của một số luật, nghị quyết từ khi thông qua đến khi thi hành khá ngắn, đặc biệt là các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương.

Nói về trách nhiệm, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng cần phân định 2 mảng. Thứ nhất là trách nhiệm chung trong việc chậm ban hành, mảng này Bộ Tư pháp không chậm. Thứ hai là về công tác tham mưu cho Chính phủ, thẩm định, rà soát, kiểm tra, đôn đốc thi hành, xảy ra tình trạng chậm thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm chung.

Để khắc phục, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp từ trước tới nay đã làm. Trong đó, ông Long nhấn mạnh đến các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về chuyên môn, ông Long đề xuất các bộ, ngành trong quá trình soạn thảo thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định, cố gắng xác định rõ các nội dung sẽ quy định trong các văn bản quy định chi tiết.

Quá trình thẩm tra, thẩm định văn bản cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan; với những vấn đề chưa rõ trong luật, nghị quyết của Quốc hội thì chưa nên đề xuất đưa vào chính sách; hạn chế số lượng văn bản bằng cách gộp các nội dung quy định chi tiết như nhau để quy định trong một văn bản.

Vẫn theo người đứng đầu ngành tư pháp, vừa rồi, Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo; sắp tới là trong công tác xây dựng văn bản. Cùng với sự giám sát của Quốc hội, đây sẽ là một kênh tạo đà phát triển, khắc phục tốt hơn những hạn chế, tồn tại đã nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.