Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng, tất cả các mũi nhọn đầu tư công phát triển GDP hiện nay tạo ra hạ tầng. Hạ tầng đó sát sườn nhất là bất động sản (BĐS) nhưng lại chưa phát huy được sức mạnh. Ví dụ, TP.HCM có 160 dự án đang kẹt, nếu 1 dự án vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng thì có 320.000 tỉ đồng bị kẹt. Ngược lại, nếu TP.HCM cấp 500 dự án thì giải quyết được 500.000 tỉ đến 1 triệu tỉ đồng đi vào nền kinh tế, trong khi đầu tư công có khoảng 50.000 tỉ đồng. "Nếu giải quyết được nút thắt này thì nền kinh tế sẽ phát triển tốt" - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Với nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa thừa nhận: "Chưa bao giờ thấy hạnh phúc như hiện nay khi nhiều văn bản hỗ trợ cho ngành BĐS, cũng như nhà ở xã hội nói riêng. Nghe nói Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết liên quan về nhà ở xã hội, doanh nghiệp đang rất trông chờ về vấn đề này". Bởi thực tế vẫn hết sức khó khăn. Ví dụ, gói hỗ trợ lãi suât 120.000 tỉ đồng ban hành rồi nhưng khó đi vào thực tiễn bởi hiện không có dự án lấy gì triển khai. Còn doanh nghiệp triển khai lại không được hưởng. Ví dụ, Lê Thành vay ngân hàng 6 năm, trả được 3 năm, còn lại 3 năm. Ngày 25.4 vừa rồi, ngân hàng thông báo lãi suất vay nhà ở xã hội là 14%/năm do thời điểm vay không có gói tín dụng nào hỗ trợ lãi suất, phải vay gói thương mại. Khách hàng vay cũng vay lãi suất đó.
"Từ năm 2016 đến nay không có gói tín dụng nào cho nhà ở xã hội, nay có mà chúng tôi không được hưởng lãi suất 8,2 - 8,7%/năm thì quá vô lý. Với người mua nhà cũng vậy, hãy cho họ vay được hưởng lãi vay thấp. Hơn nữa, gói tín dụng lãi suất này hỗ trợ 5 năm, mà khoảng vay 15 năm, vậy sau thời gian ưu đãi thì khách hàng vay sẽ chịu lãi suất nào. Nếu thả nổi lãi suất như hiện nay nữa thì lại chết", ông Nghĩa đề nghị.
Vấn đề thứ 2, sẽ không có doanh nghiệp nào mặn mà với nhà ở xã hội vì chi phí đất trả lại cho doanh nghiệp khi bồi thường đất cho người dân sau đó nhà nước bồi thường lại thường thấp hơn. "Doanh nghiệp bỏ ra gần 500 tỉ đồng mua đất làm dự án Lê Thành Tân Kiên. Vậy nay mai nhà nước trả lại cho doanh nghiệp tiền bồi thường giá nào. Chẳng hạn, dự án 2.000 tỉ đồng, giả sử doanh nghiệp lời 10%, được 200 tỉ đồng. Doanh nghiệp bồi thường 500 tỉ đồng, nhà nước trả tiền bồi thường 200 tỉ đồng, vậy doanh nghiệp lỗ 300 tỉ đồng. Như vậy, phần lời 10% kia tương ứng 200 tỉ đồng cũng không thể bù lỗ 300 tỉ đồng. Doanh nghiệp âm 100 tỉ đồng thì ai mà làm nhà ở xã hội" - ông Nghĩa đặt bài toán và cho rằng, đây là mấu chốt mà ít ai đề cập nên doanh nghiệp không làm nhà ở xã hội.
Nhưng chưa hết, theo ông Nghĩa, không những trả giá thấp mà doanh nghiệp còn không được trả bằng tiền mặt, thay vào đó là thông qua nghĩa vụ thuế trong tương lai được trừ. Còn nếu doanh nghiệp không làm dự án nữa thì mất luôn. Mặc dù doanh nghiệp được giảm thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp nhưng vẫn phải đóng trước rồi mới được giảm nhưng cũng quá chậm. Lê Thành đến 3 năm vẫn chưa được giải quyết, chưa trừ được thuế. Nếu không giải quyết vấn đề này thì không ai tham gia vào thị trường này.
Cuối cùng, người dân mua nhà cần hỗ trợ về thủ tục. Địa phương chỉ xác nhận lưu trú ở địa phương chứ không xác nhận có thu nhập thấp. Nhưng sau đó kiểm toán vào doanh nghiệp, phạt doanh nghiệp về việc xác định sai đối tượng mua nhà. Doanh nghiệp phải thu hồi 5 căn nhà và bị phạt. "Hãy giúp cho người dân về vấn đề này. Hãy đồng bộ hỗ trợ từ chính sách, doanh nghiệp đến người dân", ông Lê Hữu Nghĩa kiến nghị.
Bình luận (0)