Doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản than trời vì 'đói vốn'

Đình Tuyển
Đình Tuyển
15/09/2023 20:32 GMT+7

Đến cuối tháng 8.2023, dư nợ toàn ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỉ đồng, trong đó, lúa gạo, thủy sản là 230.000 tỉ đồng nhưng các doanh nghiệp miền Tây vẫn đang gặp đầy rẫy khó khăn, vướng mắc về vốn vay.

Lúc không cần thì có, lúc khó lại không

Chiều 15.9, tại Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL. Hàng trăm đại biểu, đại diện doanh nghiệp, HTX, các hiệp hội, ngành hàng thủy sản, tôm, cá tra, lúa gạo, rau quả ở miền Tây đã về tham dự sự kiện... 

Ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc tài chính Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) nhận xét, hạn mức vốn các doanh nghiệp tiếp cận rất hạn chế so với nhu cầu gia tăng không ngừng. Đặc biệt là thời hạn vay tối đa cho doanh nghiệp lúa gạo chỉ 6 tháng là quá ít. Với những doanh nghiệp tham gia vào gần như toàn bộ chuỗi sản xuất lúa gạo như Lộc Trời nếu tính cả quy trình sản xuất giống và lúa gạo thương phẩm thì dòng vốn mất ít nhất 12 tháng trở lên. Đại diện Lộc Trời kiến nghị, cần có những chính sách nới rộng về hạn mức cho doanh nghiệp liên kết với nông dân, tạo điều kiện để doanh nghiệp hỗ trợ nông dân trong liên kết bao tiêu.

Lúa gạo, thủy sản ĐBSCL dư nợ đạt 232.000 tỉ đồng, doanh nghiệp vẫn than 'đói vốn' - Ảnh 1.

Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỉ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc

ĐÌNH TUYỂN

Theo báo cáo hội nghị, Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỉ đồng đã được NHNN hướng dẫn các NHTM triển khai từ ngày 14.7. Chương trình thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng; lãi suất cho vay bằng VNĐ thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn, trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay... Thời gian triển khai đến hết 30.6.2024. Đến nay đã có 13 NHTM đăng ký tham gia chương trình và thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỉ đồng cho gần 2.000 lượt khách hàng vay vốn.

Lúa gạo, thủy sản ĐBSCL dư nợ đạt 232.000 tỉ đồng, doanh nghiệp vẫn than 'đói vốn' - Ảnh 2.

Doanh nghiệp lúa gạo vẫn than khó về vốn để mở rộng liên kết sản xuất với nông dân dân, mở rộng chế biến, xuất khẩu

ĐÌNH TUYỂN

Tuy nhiên, theo ông Ngô Minh Hiển, Công ty Thủy sản Năm Căn (Cà Mau), việc triển khai gói tín dụng trên hiện còn rất chần chừ, doanh nghiệp chưa dễ dàng tiếp cận được. NHNN cần có chính sách tháo gỡ về hạn mức vay của các NHTM cần có sự linh hoạt hơn. Ông Hiển ví dụ: "Ở Cà Mau, mùa vụ chính tôm quảng canh vào tháng 3 - 6, doanh nghiệp mua tôm theo mùa vụ. Nhiều khi rất cần tiền tiêu thụ, mua sản phẩm của nông dân nhưng hạn mức ngân hàng quản lý cứng nhắc theo từng năm, rất khó khăn. Lúc cần tiền mua hàng thì không có, lúc không cần thì lại dồi dào. Trong khi nông dân không bán được cho doanh nghiệp thì thường xuyên dẫn đến tình trạng giá tôm chính vụ mà "rẻ như khoai lang".

Ngân hàng phải cạnh tranh nhau

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian qua, NHNN đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các NHTM cung ứng các sản phẩm tín dụng một cách thuận lợi hơn, kể cả sử dụng công nghệ giảm bớt các thủ tục cho vay, như cho vay online... Tín dụng cho lúa gạo, thủy sản ở ĐBSCL tăng trưởng mạnh là một điểm sáng cho kinh tế của khu vực này nói riêng và xuất khẩu của nước nói chung, không chỉ ý nghĩa kinh tế mà có ý nghĩa xã hội rất lớn. 

Cũng theo ông Tú, để giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp đang gặp phải, về tín dụng ngoài chính sách chung, không thể để thiếu vốn thiếu tiền mặt, thiếu các dịch vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất thu mua, chế biến, tạm trữ và đặc biệt là xuất khẩu. Về lúa gạo, làm thế nào tạo điều kiện cho doanh nghiệp tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi hiện nay về xuất khẩu. Tương tự là giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp thủy sản trong việc thiếu vốn, giải quyết tình trạng hàng tồn kho, mở rộng thị trường… 

Lúa gạo, thủy sản ĐBSCL dư nợ đạt 232.000 tỉ đồng, doanh nghiệp vẫn than 'đói vốn' - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản cho rằng hạn mức ngân hàng quản lý cứng nhắc theo từng năm, rất khó khăn

ĐÌNH TUYỂN

"Trên thực tế, các NHTM cũng đã hạ lãi suất rất tích cực rồi, thế nhưng vẫn sẽ có những cơ chế buộc các ngân hàng cạnh tranh với nhau hơn bằng lãi suất trên cơ sở đó tạo thuận lợi giúp các doanh nghiệp thụ hưởng được chính sách lãi suất thấp từ các NHTM. "Đặc biệt là chính sách cho phép doanh nghiệp vay của ngân hàng có lãi suất thấp để trả cho ngân hàng đang có dư nợ và lãi suất cao. Qua đó tạo thêm thị trường cạnh tranh sôi động hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp", ông Tú nói.

Theo báo cáo NHNN, tính đến cuối tháng 8.2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Đáng chú ý, tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản là thế mạnh của ĐBSCL có mức tăng trưởng ấn tượng. Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129.000 tỉ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỉ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.