Phát huy vai trò trung tâm xử lý nông sản ĐBSCL

15/09/2023 19:46 GMT+7

Nhiều đề xuất, giải pháp đã được đưa ra cho Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ.

Chiều 15.9, UBND TP.Cần Thơ tổ chức diễn đàn kinh tế thường niên năm 2023 với chủ đề "Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Tham dự có hơn 150 đại biểu từ các bộ, ngành, nhà khoa học, doanh nghiệp.

Tìm giải pháp phát huy vai trò trung tâm xử lý nông sản ĐBSCL - Ảnh 1.

Hơn 150 đại biểu tham dự diễn đàn

THANH DUY

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn khi đón nhận các cơ chế, chính sách định hướng phát triển, quy hoạch vùng từ Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vùng còn rất nhiều việc phải làm để có thể phát huy tối đa thế mạnh về cây lúa, thủy sản, cây ăn trái… Vì vậy, diễn đàn có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra tiếng nói chung để nhận diện thực trạng, từ đó xây dựng giải pháp phát huy vai trò của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL khi đi vào thực tiễn tại TP.Cần Thơ.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP.Cần Thơ, nhận định những vấn đề ĐBSCL đang thiếu là: chiến lược liên kết phát triển toàn vùng, sự phối hợp nội vùng, liên kết trong đầu tư và sự phát triển các chuỗi giá trị bền vững. Một điển hình là hơn 90% lúa tại vùng ĐBSCL bán cho thương lái vì có quy mô nhỏ lẻ và giao thông không thuận tiện. Việc liên kết đối với thị trường tiêu thụ quốc tế vẫn phụ thuộc nhiều vào các cảng trung chuyển ở TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu…

Không những vậy, "điểm nghẽn" của nông nghiệp vùng ĐBSCL còn chưa chủ động vùng nguyên liệu, lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu, thiếu đồng bộ về chất lượng sản phẩm do hạn chế về quy mô sản xuất, chưa quan tâm đầu tư đúng mức kho lạnh - chuỗi lạnh và dịch vụ logistics thiếu tính đồng bộ.

Trước những trở ngại trên, các đại biểu kỳ vọng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông nghiệp ĐBSCL khi đi vào hoạt động sẽ phát huy vai trò như chợ đầu mối, điểm cung ứng nông sản hiện đại, tạo kênh phân phối chuyên nghiệp quy mô lớn. Khâu tổ chức gắn với định hướng thị trường, ứng dụng công nghệ hướng đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Kết luận tại diễn đàn, ông Trần Việt Trường cho rằng khi trung tâm đi vào thực tiễn sẽ có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế của ĐBSCL nói chung, TP.Cần Thơ nói riêng. Trong số các giải pháp, có nhiều việc có thể triển khai ngay và có nhiều khả năng thu hút đầu tư.

Trên cơ sở đó, ông Trần Việt Trường đề nghị Viện Kinh tế - Xã hội TP.Cần Thơ chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tổng hợp các ý kiến tại diễn đàn và khẩn trương xây dựng báo cáo khuyến nghị đồng bộ tham mưu UBND thành phố. Trong bối cảnh hiện nay, Cần Thơ luôn xem việc hoàn thiện trung tâm là quan trọng, có nhiều ý nghĩa và rất cấp thiết.

Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ được xây dựng với định hướng chiến lược trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với vai trò liên kết nguồn lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản của cả vùng ĐBSCL. Việc hình thành Trung tâm tại TP.Cần Thơ gắn với mục tiêu "một điểm đến đa dịch vụ", có vai trò gắn kết 3 nhà: nhà nông - nhà sản xuất - doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.