Doanh nghiệp miền Bắc tăng tuyển lao động chất lượng cao

Thu Hằng
Thu Hằng
05/07/2024 08:57 GMT+7

Để tăng năng suất, bắt kịp yêu cầu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp đang rất cần những lao động có kỹ năng, đã qua đào tạo. Tuyển dụng lao động chất lượng cao đang trở thành xu thế tại nhiều nhà máy ở miền Bắc trong nửa cuối năm 2024.

Chưa ra trường đã có việc

Dù đến tháng 9 này mới tốt nghiệp, song Lê Anh Đức, sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết đã có rất nhiều doanh nghiệp đến tuyển dụng. "Trước đây, khi lựa chọn ngành tự động hóa, bố mẹ mình cứ lo sau này ra trường khó xin việc. Nhưng giờ thì không phải lo, nhiều doanh nghiệp trực tiếp đến trường tuyển dụng sinh viên năm cuối. Mình đã thử ứng tuyển vào một số doanh nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… đều đạt yêu cầu. Từ nay đến khi nhận bằng tốt nghiệp, mình tiếp tục tìm kiếm các cơ hội khác rồi mới quyết định đi làm ở đâu", Đức chia sẻ.

Doanh nghiệp miền Bắc tăng tuyển lao động chất lượng cao- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội

T.H

Với tấm bằng kỹ sư ngành công nghệ điện, anh Nguyễn Văn Quyết, quê Phú Thọ, trúng tuyển khá dễ dàng vào một công ty cơ khí tại Q.Long Biên (Hà Nội). Anh Quyết cho hay: "Mình đã vượt qua vòng hồ sơ và vòng phỏng vấn kỹ thuật. Mức lương thử việc là 8 triệu đồng/tháng chưa bao gồm tiền hỗ trợ ăn trưa, phụ cấp xăng xe. Nếu được ký hợp đồng chính thức, mức lương cơ bản của mình có thể đạt 13 - 15 triệu đồng/tháng".

Tại Bắc Giang, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, qua đào tạo tăng đột biến. Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, thông tin: 6 tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp hoàn thành đầu tư đi vào hoạt động, nhu cầu tuyển dụng lên trên 80.000 lao động. Bên cạnh tuyển dụng lao động phổ thông, nhiều doanh nghiệp còn tuyển dụng lao động chất lượng cao với tỷ lệ chiếm đến 40% trong tổng số vị trí việc làm. Mức lương từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với lao động làm việc ở văn phòng, kế toán, phiên dịch, lao động kỹ thuật; từ trên 15 triệu đồng đối với người làm quản lý, trưởng phòng, tổ trưởng, giám đốc bộ phận.

Đơn cử, Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu tuyển 1.200 lao động chất lượng cao, trong đó có 800 lao động trình độ ĐH; Công ty TNHH Fukang Technology tuyển 700 lao động trình độ ĐH và 130 lao động trình độ trung cấp, cao đẳng; Công ty TNHH CE LINK Việt Nam tuyển 430 lao động chất lượng cao…

Các nhà máy đối tác của Apple chuyên sản xuất linh kiện điện tử dẫn đầu trong tuyển dụng như Foxconn, New Wing Interconnect Technology, Luxshare-ICT… cũng đang cần rất nhiều lao động chất lượng cao.

Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn - nhà cung ứng linh kiện của Apple) ngoài tuyển 5.000 lao động phổ thông còn tìm hơn 300 nhân sự chất lượng cao cho vị trí quản lý, chuyên ngành điện tử, kỹ sư phân tích lỗi, kỹ sư RE, IT phần mềm, yêu cầu thành thạo tiếng Trung và giao tiếp tốt tiếng Anh. Mức lương cho các vị trí này không công bố cụ thể mà thỏa thuận khi phỏng vấn.

Chia sẻ lý do tuyển dụng nhiều lao động chất lượng cao, bà Nguyễn Thị Thúy, phụ trách tuyển dụng của Công ty TNHH CE LINK Việt Nam (KCN Vân Trung, TX.Việt Yên, Bắc Giang), cho hay: "Công ty chúng tôi sắp mở thêm nhà máy tại Hải Dương nên đang cần tuyển hàng trăm cán bộ nguồn tốt nghiệp ĐH các ngành: cơ khí, tự động hóa, cơ điện tử, khuôn mẫu… Ngoài ra, chúng tôi tuyển một lực lượng lớn các bạn trẻ tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ tiếng Trung, tiếng Anh làm phiên dịch, trợ lý cho các chuyên gia nước ngoài".

Theo bà Thúy, việc tuyển dụng lao động chất lượng cao khó khăn hơn nhiều so với lao động phổ thông. Ngoài tuyển dụng tại Bắc Giang, bộ phận nhân sự của công ty đã đến các trường ĐH tại Hà Nội, Thái Nguyên để tuyển dụng sinh viên sắp ra trường. Bên cạnh đó, công ty còn mở thêm kênh tuyển dụng trên TikTok, Zalo để có thêm sức lan tỏa thông tin đến với lao động trẻ.

Doanh nghiệp miền Bắc tăng tuyển lao động chất lượng cao- Ảnh 2.

Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội

T.H

Tuyển lao động chất lượng cao là xu thế

Tại phiên giao dịch việc làm lưu động được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 6 tại Q.Long Biên, trong số 103 doanh nghiệp đăng ký tuyển hơn 5.000 chỉ tiêu tuyển dụng, thì nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - ĐH trở lên, chiếm tỷ lệ cao nhất (40,7%) tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc trung tâm, cho hay xu hướng những tháng gần đây các doanh nghiệp có phần nghiêng về nhóm lao động có trình độ cao, trong khi nhu cầu lao động phổ thông chỉ chiếm tỷ lệ khoảng hơn 20%.

Thống kê từ các tin tuyển dụng của doanh nghiệp và thông tin lao động đi tìm việc trên website quý 1/2024 của Viện Khoa học - Lao động (Bộ LĐ-TB-XH) cho thấy, 44% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp, trong khi chỉ 17,4% người đi tìm việc đạt yêu cầu này.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực phía bắc Công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search, nhiều nhà máy tăng chỉ tiêu tuyển công nhân kỹ thuật đã qua đào tạo hoặc có trình độ tay nghề cao đẳng, ĐH biết sử dụng máy móc. Nếu như trước đây các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường tuyển lao động phổ thông, thì giờ đây họ quan tâm đến lao động đã qua đào tạo, chất lượng đào tạo thế nào rồi mới quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Lý giải thêm về sự thay đổi này, ông Nguyễn Văn Huế phân tích: "Tuyển dụng lao động chất lượng cao trở thành xu thế của nhiều doanh nghiệp, hướng tới việc làm ổn định, bền vững, mức thu nhập tốt hơn, năng suất hiệu quả cao hơn. Nhân sự nhóm này yêu cầu trình độ ĐH, kỹ sư mới ra trường hoặc đã có kinh nghiệm".

Theo ông Huế, cầu cao hơn cung, nhiều nhà máy đã phải xoay sang lấy lao động sắp tốt nghiệp ở các trường, có cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc đào tạo chuyên sâu cho lao động phổ thông có tay nghề để giữ người. Nhà máy nào có phương án giữ người tốt hơn thì sẽ có lực lượng nhân sự tay nghề cao nhiều hơn. Doanh nghiệp thậm chí "đặt hàng" sớm các trường ĐH, cao đẳng để lấy nguồn sinh viên chuyên ngành liên quan về thẳng đơn vị thực tập và làm việc.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng trong những tháng cuối năm, ông Huế cho biết Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cập nhật dữ liệu; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng website, các app để trao đổi cung cấp thông tin về các vị trí việc làm trống, các chính sách về việc làm đến với người lao động và doanh nghiệp.

Trước những thay đổi về xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho rằng: "Người lao động cần nắm bắt xu hướng, yêu cầu tuyển dụng mới để có kế hoạch tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và tìm kiếm công việc phù hợp".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.