Doanh nghiệp nào sẽ được khoanh nợ, giảm lãi vay sau bão Yagi?

Mai Phương
Mai Phương
11/09/2024 06:09 GMT+7

Diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả, gia súc, gia cầm… đã bị tàn phá, hư hại do siêu bão số 3 diễn ra tại các tỉnh phía bắc cần được hỗ trợ kịp thời.

Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… thiệt hại nặng

Diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng, cây ăn quả bị hư hại, lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hại, gia súc gia cầm bị chết… vẫn không ngừng tăng lên khi dự báo lũ lụt vẫn còn diễn biến phức tạp sau siêu bão số 3 tràn vào phía bắc. Chiều hôm qua (10.9), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã có thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp (DN) hội viên ủng hộ vật chất và tinh thần giúp các DN thành viên và người dân bị ảnh hưởng bão số 3 vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp nào sẽ được khoanh nợ, giảm lãi vay sau bão Yagi?- Ảnh 1.

Ảnh hưởng bão số 3, nhiều diện tích chuối của người dân xã Tân Hưng, TP.Hưng Yên bị gãy đổ

ẢNH: TTXVN

Theo chia sẻ của Tổng thư ký VASEP Nguyễn Đình Hòe, hiệp hội cũng đang tìm hiểu để thống kê những thiệt hại, khó khăn của các DN hội viên. Đánh giá chung thì tất cả những DN chế biến thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng đều bị thiệt hại nặng. Đặc biệt, đơn vị nào có hàng thành phẩm đang để trong kho thì thiệt hại càng lớn. Bởi bị cúp điện thì kho lạnh bảo quản hàng hóa sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn. Ngay cả trường hợp điện được nối lại nhưng số hàng hóa trước đó do hệ thống kho lạnh không đủ an toàn cũng khó cứu được. Mỗi DN sẽ có vài chục tấn đến cả ngàn tấn thành phẩm qua cơn bão xem như không còn gì. Bởi khi hàng thủy sản đã rã đông thì không thể bán được; cũng không thể tháo rời để phơi khô cho kịp khi số lượng hàng quá lớn.

Hậu quả thảm khốc sau bão Yagi: 181 người chết và mất tích, lũ sông Hồng dâng cao chưa từng thấy

Ông Trương Đình Hòe phân tích: Các lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi là dễ biết nhưng thiệt hại của các DN chế biến thủy sản cũng không ít. Bởi đặc điểm của ngành phải duy trì kho lạnh liên tục, đủ nhiệt độ… nên chỉ cần không đảm bảo thì hàng hóa hư hỏng hết. Việc này phải chờ các DN dọn kho, dỡ hàng ra mới đánh giá cụ thể. Hầu hết các DN đều có mua bảo hiểm nhưng việc đánh giá thiệt hại, chờ bảo hiểm bồi thường sẽ cần nhiều thời gian. Giờ này các DN, hộ gia đình ở các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão lũ đều rất cần hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất ngay lập tức.

Tương tự, hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đã bị thiệt hại nặng nề trong đợt bão số 3 và tình trạng mưa lũ nặng nề sau bão.

TS Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, cho hay con số thiệt hại sẽ do các chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước thống kê. Nhưng mỗi lần bị thiên tai, bão lũ thì tất nhiên ngành nông lâm nghiệp, thủy sản là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cơ sở vật chất như chuồng trại, lồng bè bị thổi bay hay cây trồng, con giống bị cuốn trôi, ngập úng lâu sẽ hư hỏng… Nhiều hộ chăn nuôi hoàn toàn bị trắng tay và không còn gì để đảm bảo cho đời sống. Bản thân nhiều DN cũng dễ rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu khi nhiều tài sản bị mất đi . Để giúp các DN sớm khôi phục lại hoạt động thì việc chung tay hỗ trợ của người dân cả nước và Chính phủ là điều cực kỳ cần thiết và đáng quý.

Khoanh nợ, giảm lãi vay

Trong ngày 9.9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có công văn gửi các ngân hàng (NH) và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phía bắc về việc triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.

Theo đó, NHNN yêu cầu chủ tịch, tổng giám đốc các NH chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành. Các NH thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và theo cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trước ngày 20.9, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phía bắc đánh giá thiệt hại vốn vay của khách hàng và kết quả bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ trên địa bàn, báo cáo NHNN. Cùng đó, trước ngày 10 hằng tháng, báo cáo kết quả triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ của ngành NH trên địa bàn.

Hoan nghênh chỉ đạo kịp thời của NHNN, TS Nguyễn Xuân Dương cho rằng không chỉ thiệt hại trong cơn bão mà các DN đang rất cần hỗ trợ để nhanh chóng khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn đối với ngành chăn nuôi, sau bão lũ thiên tai thì dịch bệnh dễ xảy ra. Nên để khôi phục hoạt động thì các DN, hộ chăn nuôi cần sửa chữa chuồng trại, mua lại con giống và phòng chống dịch bệnh. Trong đó, chỉ riêng việc phòng chống dịch bệnh cũng tốn nhiều chi phí, từ tẩy trùng chuồng trại đến tiêu độc khử trùng môi trường xung quanh… Vì vậy, ngoài việc xem xét khoanh nợ, giãn nợ thì các NH có thể xem xét cho các DN được vay vốn với lãi suất ưu đãi nếu có nhu cầu.

Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Đình Hòe, chuyện thiệt hại của DN là rõ ràng và hơn lúc nào hết cần các NH đồng hành, hỗ trợ để họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Song song đó, ông cũng đề nghị cần có kênh kết nối một cửa ở các địa phương để việc thông tin thiệt hại, khó khăn cần tháo gỡ và giúp đỡ của người dân cũng như DN được nhanh chóng. Bản thân các NH cũng có thể qua đó để nắm thông tin và sẽ đánh giá, xác minh khách hàng nhanh nhất.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính - Học viện Tài chính, cho rằng việc triển khai thực hiện cơ cấu nợ, giãn nợ sẽ do từng NH thương mại chủ động, đánh giá khách hàng dựa trên từng hợp đồng vay, mối quan hệ… Cho nên, các NH thương mại cần chủ động kết nối chính quyền địa phương để có xác nhận thiệt hại của khách hàng mà không nên đợi DN "kêu cứu". Điều này thể hiện được tinh thần đồng hành đôi bên cùng có lợi. Nếu DN không thể khôi phục sản xuất thì mất khả năng thanh toán, NH sẽ bị gia tăng nợ xấu.

Thậm chí, theo TS Nguyễn Đức Độ, nếu thống kê quy mô thiệt hại quá lớn thì NHNN cần có đề xuất thêm chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước như hỗ trợ lãi vay trong các trường hợp do thiên tai, bão lũ…

Bục 30 mét đê bối ở Bắc Giang, khẩn cấp sơ tán dân trong đêm

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai tính đến 7 giờ sáng ngày 10.9, ngoài số lượng người chết, mất tích thì đã có 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Về nông nghiệp có hơn 148.632 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 26.186 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 11.038 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.577 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 1.111 con gia súc, 680.243 con gia cầm bị chết…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.