Việt Nam đã chi từ 13 - 15 tỉ USD để làm điện mặt trời trong 2 năm 2019 - 2020, nhưng doanh nghiệp nội (DN) đã không tận dụng được gì, mà chủ yếu DN nước ngoài chiếm hết thị phần. TS Trần Đình Thiên xót xa cho rằng: Nếu không có chính sách hỗ trợ để DN Việt tham gia vào trong chuỗi của năng lượng tái tạo thì họ khó lớn lên được.
Tỉ đô chảy sang nước láng giềng
Tháng 3.2019, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã phải huy động cả những kỹ sư về hưu đi làm lại. Họ được ký hợp đồng thời vụ để hỗ trợ công tác nghiệm thu cho hàng chục dự án điện mặt trời (ĐMT) trang trại đang chạy đua, kịp vận hành trước 30.6.2019 nhằm hưởng giá ưu đãi 9,35 cent trong 20 năm. Họ phải làm 3 ca (cả thứ 7, chủ nhật) trong gần suốt 3 tháng.
Theo số liệu của Bộ Công thương, tháng 3.2019, cả nước mới có 5 dự án ĐMT trang trại đi vào hoạt động với tổng công suất 240 MW. Nhưng đến cuối tháng 6.2019, con số này đã nhảy lên đến xấp xỉ 90 dự án. Lãnh đạo Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) đã gọi đây là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ngành năng lượng thế giới.
|
Thống kê của Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan cho thấy, năm 2019, các DN trong nước đã nhập khẩu 36,2 triệu tấm pin mặt trời với giá trị 844,8 triệu USD, tăng 224,4% so với năm trước. Tuyệt đại đa số được các DN tư nhân nhập về từ nước láng giềng.
Một lãnh đạo phụ trách đầu tư của EVN kể, ngay như dự án điện mặt trời Phước Thái 1 công suất 50 MW, có mức đầu tư trên 1.100 tỉ đồng của EVN cũng phải nhập pin từ Trung Quốc. “Bất cứ một dự án nào nếu đấu thầu quốc tế, thì khó thoát khỏi tay nhà thầu Trung Quốc, bởi giá họ bỏ quá rẻ. Chưa kể, trong nước không có DN nào đủ điều kiện để cung cấp pin đạt số lượng lớn và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật”, ông nói và cho biết thêm, nếu tiếp tục đấu thầu quốc tế thì các dự án Phước Thái 2 và 3 tới đây của EVN cũng khó tránh khỏi phải nhập pin từ nước láng giềng.
Câu chuyện của ĐMT mái nhà 1 năm sau cũng lặp lại y chang. Trung bình mỗi ngày trong tháng 12.2020, hệ thống của EVN ghi nhận có thêm hàng nghìn dự án ĐMT áp mái được đấu nối, với khoảng 200 MW tăng thêm.
Tháng 7.2019, khi Bộ Công thương ban hành chương trình phát triển ĐMT mái nhà, cả nước có khoảng 4.000 dự án ĐMT áp mái với tổng công suất chỉ 45 MW. Nhưng đến hết năm 2020, cả nước đã có trên 101.000 dự án ĐMT áp mái, tổng công suất 8.000 MW, tức gấp 25 lần về số dự án và gấp 177 lần về công suất. Các chuyên gia, nhà phát triển dự án trên thế giới lại một lẫn nữa “ngả mũ kính chào” để nói về sự phát triển thần kỳ của Việt Nam trong lĩnh vực ĐMT.
Nhưng đi cùng với đó, trong năm 2020, số tấm pin mặt trời Việt Nam nhập về tăng vọt lên 114,6 triệu tấm, giá trị nhập khẩu cũng nhảy lên trên 2,4 tỉ USD. Số tiền này tăng 1.067,3% so với năm 2018 và tăng 185,2% so với năm 2019.
Dù trong nước xuất hiện một vài DN (chủ yếu là có vốn đầu tư nước ngoài) làm pin mặt trời nhưng họ chủ yếu là nhập thiết bị gần như hoàn chỉnh về để gia công, lắp ráp đơn giản ở công đoạn cuối, với số lượng rất nhỏ nhoi. Nhiều chuyên gia kinh tế lẫn DN trong ngành chế biến, chế tạo tỏ ra nuối tiếc bởi dù Chính phủ có chính sách để phát triển ĐMT song thị trường hàng tỉ USD mỗi năm này chúng ta đã “nhường trắng” cho nước ngoài.
“Làm pin mặt trời không khó chút nào! Nhưng chính sách của chúng ta không rõ, khó lường, không tạo ra một dung lượng thị trường ổn định, đủ lớn, dài hơi để DN nội yên tâm đầu tư, như câu chuyện của công nghiệp ô tô 10 năm trước”, một chuyên gia kinh tế, từng làm tổng giám đốc của một DN cơ khí lớn nhất thuộc nhà nước nhận định.
"Doanh nghiệp nội không dám tham gia vì chính sách bất ổn"
Minh hoạ cho thực tế này, lãnh đạo một tập đoàn tư nhân nội cũng thuộc hàng lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất ĐMT khi chia sẻ với người viết bài vào cuối năm 2020 đã nói: Chính sách giá FIT1 (Quyết định 11) từ khi ra đời đến khi kết thúc chỉ 2 năm. Giá FIT2 (Quyết định 13) thì trễ hẹn tới 4 tháng và chỉ 8 tháng sau khi ban hành là khoá sổ. “Đáng ra, chính sách giá mới phải ban hành gần 5 tháng trước, nhưng nay cũng chưa rõ. Cơ chế cho ĐMT áp mái sẽ ra sao không ai dám chắc? Vậy thì làm sao DN yên tâm đầu tư lớn để sản xuất. Mà khi không có thị trường đủ lớn, chính sách không ổn định và minh bạch thì làm sao sản xuất quy mô công nghiệp để cạnh tranh được về giá với ông bạn hàng xóm”, ông nói.
|
Năm ngoái, lãnh đạo này đã hào hứng nói về ý tưởng phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam cho pin mặt trời. Họ cũng lên kế hoạch thành lập các phòng nghiên cứu phát triển (R&D) trong một khu công nghệ cao để nghiên cứu ra những tấm pin phù hợp hơn với khí hậu, điều kiện trong nước.
Họ cũng say sưa nói về một giấc mơ xây dựng rải rác khắp cả nước những nhà máy phát điện mi ni bằng việc đi thuê mái nhà xưởng của các xí nghiệp để lắp đặt những tấm pin mang thương hiệu Việt. Nhưng rất đột ngột, họ được thông báo tạm ngừng đấu nối ĐMT mái nhà sau ngày 31.12.2020.
Sau kỳ nghỉ lễ, họ thú nhận là “đang phải delay (hoãn) lại kế hoạch này vì chính sách bất định"!
Một chuyên gia về năng lượng tái tạo nhẩm tính, 2 năm 2019 - 2020, giá đầu tư 1 MW ĐMT trung bình 20 tỉ đồng. Với việc 2 năm công suất ĐMT tăng thêm gần 17.000 MW thì chúng ta phải bỏ ra ít nhất 13 tỉ USD, là mỗi năm cỡ 6 tỉ USD, mà phần lớn là đầu tư tư nhân, cho những dự án siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
“Tức là sẽ rất vừa sức cho DN, nhà thầu nội tham gia. Nhưng tiếc rằng chúng ta đi nhập cả, trong đó riêng tiền nhập pin chiếm ít nhất cỡ 60%. Trong nước chỉ tham gia phần lắp đặt giản đơn là chính. Nghĩa là với thị trường ĐMT ta đã “nhường” sân chơi tỉ USD cho nhà thầu ngoại. Đây là bài học để rút kinh nghiệm cho các thị trường khác về sau, ví dụ như điện gió tới đây chẳng hạn”, ông nói.
Tại buổi đối thoại với EVN chiều 4.5, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Viẹt Nam, đã nói thẳng: “Những dự án năng lượng tái tạo phải do DN nội làm, nếu muốn để DN Việt lớn lên. Chứ chỉ mời DN nước ngoài vào thì dễ quá, DN nội sẽ không có khả năng tận dụng lợi thế để vươn lên, dù ít dù nhiều thì phải hỗ trợ để DN Việt tham gia vào trong chuỗi của năng lượng tái tạo”.
Đáng ngại hơn, ông Thiên cảnh báo, vị trí của các dự án năng lượng tái tạo toàn vị trí trọng yếu, và đặc biệt hơn với điện gió ngoài khơi. “Thế mà toàn DN ngoại xếp chỗ rồi. Không thể để họ “ăn hết”. Dù họ không có ý gì về các vấn đề khác ngoài câu chuyện làm ăn thì cũng nên giữ lại, để DN nội tham gia được nhiều nhất có thể, tương tự như liên minh với nhà thầu ngoại mà ngành dầu khí đã làm với các dự án giàn khoan”, ông Thiên khuyến nghị.
Bình luận (0)