Ngày 12.7, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, đại diện Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, sở này đang kết hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn Công ty thương mại dịch vụ Hải Dương làm thủ tục tuyên bố phá sản.
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương, Công ty thương mại dịch vụ Hải Dương là doanh nghiệp 100% sử dụng vốn nhà nước. Công ty được thành lập và đi vào hoạt động năm 1995, hiện do bà Nguyễn Thị Ngọc Lan làm giám đốc.
Công ty có trụ sở tại số 2 phố Hồng Quang (P.Quang Trung, TP.Hải Dương), đây được coi là khu vực sầm uất, đắc địa nhất trên địa bàn thành phố. Trước khi được chuyển giao cho Công ty thương mại dịch vụ Hải Dương, đây nguyên là tòa nhà Bách hóa tổng hợp, được xây 2 tầng từ thời kỳ bao cấp, buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, tạp hóa.
Công ty thương mại dịch vụ Hải Dương có vốn điều lệ theo giấy chứng nhận kinh doanh là 1,169 tỉ đồng. Đến ngày 31.12.2023, tổng tài sản trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp là 3,952 tỉ đồng, doanh thu đạt 1,89 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 567 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế là 182 triệu đồng.
Hiện, công ty không có hoạt động kinh doanh, doanh thu có được là từ cho thuê mặt bằng. Trong 2 năm 2022 và 2023, công ty làm ăn có lãi nhưng số lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ, không có khả năng thanh toán khoản nợ. Vì vậy, doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện thực hiện cổ phần hóa.
"Các đơn vị có liên quan đã rà soát hoạt động kinh doanh, tài chính của công ty này, do dư nợ đọng nhiều, công ty cũng không đáp ứng được điều kiện tuyên bố giải thể, mà bắt buộc phải tuyên bố phá sản, vì vốn của chủ sở hữu không còn đáp ứng được khả năng thanh toán về nghĩa vụ tài chính.
Vốn điều lệ của công ty có hơn 1 tỉ đồng, nhưng đến nay tiền nợ thuế nhà nước đã vào khoảng 7 tỉ đồng, chưa tính đến các khoản nợ khác. Khu đất mà công ty đang có hoạt động cho các đơn vị, doanh nghiệp khác thuê lại để kinh doanh là do thuê của nhà nước hợp đồng theo hàng năm, chứ không phải đất của công ty.
Đồng thời, về quy hoạch tổng thể, khu đất này đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch là đất công viên, cây xanh. Sau khi công ty phá sản, khu đất sẽ được bàn giao cho UBND tỉnh Hải Dương quản lý, sử dụng", đại diện Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương thông tin.
Vẫn theo Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương, sở này và các đơn vị chỉ làm thủ tục hướng dẫn tuyên bố phá sản đối với công ty. Quy trình tiếp theo, tòa án sẽ là cơ quan thụ lý, ra quyết định phá sản và các khoản nợ mà công ty phải trả, các khoản nợ được ưu tiên trả trước là các khoản nợ đối với nhà nước, quyền lợi của người lao động, khoản nợ được bảo đảm… Tuy nhiên, quy trình này sẽ kéo dài và mất nhiều thời gian.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hải Dương, duy nhất Công ty thương mại dịch vụ Hải Dương là doanh nghiệp nhà nước, tọa lạc tại vị trí đắc địa đang phải làm thủ tục phá sản.
Bình luận (0)