Doanh nghiệp niêm yết : Nơi lãi ngàn tỉ, nơi 'ăn' vào vốn

Mai Phương
Mai Phương
14/10/2019 11:53 GMT+7

Trong khi nhiều công ty đạt mức lãi cả ngàn tỉ đồng thì cũng có những đơn vị bị âm vốn.

Ngân hàng đạt lãi khủng

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2019 chỉ mới bắt đầu nhưng bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn đã phân hóa mạnh. Trong khi nhiều doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao và công bố mức lợi nhuận hàng ngàn tỉ đồng thì có đơn vị vẫn liên tục thua lỗ hoặc lợi nhuận lao dốc không phanh.
Dẫn đầu về mức lợi nhuận đã công bố là khối ngân hàng thương mại. Cụ thể ngân hàng Vietcombank (VCB) công bố đến cuối tháng 9.2019, tổng huy động vốn của ngân hàng đạt 998.247 tỉ đồng. Riêng quý 3/2019, ngân hàng lãi trước thuế 6.289 tỉ đồng, tăng 70% và tính lũy kế 9 tháng, lợi nhuận hợp nhất đạt 17.592 tỉ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 85,8% kế hoạch năm 2019. Cả năm 2019, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản sẽ tăng thêm 12% đạt hơn 1,2 triệu tỉ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15% đạt hơn 735.000 tỉ đồng và lợi nhuận hợp nhất 20.000 tỉ đồng.
Hay Sacombank công bố quý 3/2019, ngân hàng có lãi trước thuế 1.030 tỉ đồng, tăng 224% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, lợi nhuận trước thuế của Sacombank sau 3 quý năm 2019 đạt 2.491 tỉ đồng, tăng 89,5% so với cùng kỳ năm trước.  
Tương tự, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố về kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.404 tỉ đồng, tăng 790 tỉ đồng, tương đương tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Với mức lãi đó, TPBank đã hoàn thành trên 75% kế hoạch mục tiêu cả năm. Tổng huy động của ngân hàng đến hết tháng 9.2019 đạt trên 138.000 tỉ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ và hoàn thành 97,3% kế hoạch mục tiêu.
Bên cạnh các nhà băng, nhiều doanh nghiệp cũng báo lãi “khủng” như Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) công bố 9 tháng năm nay đạt tổng doanh thu 58.318,4 tỉ đồng, tăng 1% và thực hiện 91% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.760 tỉ đồng, vượt 14,6% kế hoạch cả năm. Theo dự báo của Công ty chứng khoán SSI, GAS sẽ đạt tổng doanh thu cả năm 2019 là 71.830 tỉ đồng, tăng 5,5% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế 13.800 tỉ đồng, tăng hơn 21% so với năm trước.
Còn Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) cho biết trong quý 3/2019, công ty mẹ đạt doanh thu 409 tỉ đồng và lãi trước thuế 216 tỉ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, công ty mẹ đạt doanh thu 854,4 tỉ đồng và lãi trước thuế đạt 306 tỉ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2018...

Những công ty ăn vào vốn

Giữa việc hàng loạt công ty báo lãi lớn thì vẫn có nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ hay lợi nhuận sụt giảm. Chẳng hạn Công ty cổ phần Chứng khoán Alpha (APSC) trong quý 3/2019 đạt 1,2 tỉ đồng doanh thu, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm trong khi chi phí hoạt động, chi phí quản lý đều tăng khiến công ty báo lỗ sau thuế gần 590 triệu đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu 2,6 tỉ đồng nhưng thua lỗ gần 2,9 tỉ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước.

Công ty Hùng Vương liên tục bị thua lỗ

Chí Nhân

Trước đó, Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 (giai đoạn 1.4 - 30.6.2019) với doanh thu giảm 64% xuống 527 tỉ đồng. Giá vốn cao hơn khiến công ty bị lỗ gộp 32 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 vẫn có lãi 61 tỉ đồng. Tổng cộng HVG bị lỗ sau thuế 129 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm 2018 vẫn lãi 13,7 tỉ đồng. Tính cả 9 tháng năm 2019, HVG đạt doanh thu 3.264 tỉ đồng, giảm 49,3% so với cùng kỳ năm 2018 và bị lỗ 256,8 tỉ đồng. Như vậy khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 100 tỉ đồng cho cả năm 2019 như đề ra vẫn còn xa vời.
Dù không lỗ nhưng Công ty cổ phần Ngoại thương và phát triển đầu tư TP.HCM (FDC) lại trình cổ đông điều chỉnh giảm hơn 81% lợi nhuận so với kế hoạch. Cụ thể, FDC đưa ra kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2019 từ 966 tỉ đồng về 349 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm từ 376,6 tỉ đồng về 69 tỉ đồng; tương ứng tỷ lệ giảm 64% và 81,6%. Đồng thời, công ty cũng giảm tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 50% vốn điều lệ về 0%. Trong 6 tháng năm 2019, công ty này đạt doanh thu 114,7 tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng có lãi sau thuế 63,3 tỉ đồng nhờ thanh lý công ty con. Nhờ đó FDC xóa sạch lỗ lũy kế và còn lợi nhuận chưa phân phối là 18,5 tỉ đồng.
Tương tự, Công ty chứng khoán IB điều chỉnh mục tiêu lãi trước thuế và sau thuế năm 2019 lần lượt giảm xuống còn 150 tỉ đồng và 120 tỉ đồng, cùng giảm hơn 45% so với kế hoạch trước đó. Nửa đầu năm nay, công ty mới đạt được lợi nhuận sau thuế là 61,3 tỉ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2018...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.