Đây là một những yêu cầu bắt buộc trong Hướng dẫn thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vừa được Bộ LĐ-TB-XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp ban hành ngày 14.7.
Theo hướng dẫn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi doanh nghiệp và người lao động thực sự an toàn.
Điều kiện an toàn để sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp là nguy cơ lây nhiễm Covid-19 phải ở mức nguy cơ thấp trở xuống (dưới 30%).
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định của chính quyền địa phương để vừa cách ly, vừa sản xuất đảm bảo an toàn.
Cụ thể, doanh nghiệp tiến hành đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hoàn thiện kế hoạch và phương án phòng, chống dịch theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27.5.2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định; khuyến khích dùng các phần mềm đánh giá theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phòng, chống Covid-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc Covid-19 theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5.6.2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tại khu vực thực hiện giãn cách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền khi có nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc, nếu bố trí người lao động đi làm, doanh nghiệp phải bố trí khu vực lưu trú tập trung và bố trí khu vực làm việc riêng biệt với nhóm lao động hiện có trong doanh nghiệp; bảo đảm phương án vận chuyển người lao động từ nơi ở tập trung đến nơi làm việc, rút ngắn tối đa quãng đường, tối thiểu cung đường vận chuyển người lao động với phương châm một cung đường vận chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc.
Doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ (sản xuất tại chỗ-ăn tại chỗ-nghỉ tại chỗ) theo phương án giãn cách, chia ca kíp đảm bảo an toàn; đảm bảo điều kiện về nơi lưu trú tập trung của người lao động (nếu thực hiện việc lưu trú tập trung); đảm bảo chất lượng bữa ăn, sức khỏe người lao động.
Đáng chú ý, theo hướng dẫn trên, doanh nghiệp không sử dụng người lao động đang thuộc diện cách ly y tế. Người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi được đưa đến nơi ở tập trung và không đi khỏi nơi ở tập trung và nơi làm việc trong quá trình doanh nghiệp hoạt động.
Doanh nghiệp có trách nhiệm hối hợp với các cơ sở y tế đủ năng lực để chuẩn bị sẵn sàng số lượng xét nghiệm nhanh dự phòng đảm bảo đủ xét nghiệm 2 lần cho toàn bộ số lượng người lao động có mặt tại doanh nghiệp; lập danh sách thông tin người lao động theo mẫu và cập nhật định kỳ 3 ngày/lần, cập nhật kết quả xét nghiệm trước 15 giờ hàng ngày (nếu có) và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách của địa phương và các quy định pháp luật hiện hành; chăm lo đảm bảo trước hết, trên hết quyền lợi và an toàn cho người lao động.
Công đoàn cơ sở triển khai và giám sát người sử dụng lao động tổ chức thực hiện hướng dẫn tại doanh nghiệp; vận động người lao động tuân thủ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền và doanh nghiệp.
Sở LĐ-TB-XH có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá điểm nguy cơ lây nhiễm đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung nhiều lao động, bố trí lao động ăn, nghỉ tại nơi làm việc. Báo cáo tình hình thực hiện hàng tháng về Bộ LĐ-TB-XH để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức xây dựng bản đồ chung sống an toàn với Covid-19
Bình luận (0)