Bộ Tài chính đề xuất nhiều phương án
Đánh giá tình hình sau khi thi hành Nghị định 65, Bộ Tài chính cho hay thị trường TPDN bị tác động mạnh bởi khó khăn của thị trường tiền tệ và một số vụ việc xử lý hình sự đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Từ đó, doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn trong việc huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như cân đối nguồn lực để thanh toán các trái phiếu đến hạn tập trung cao vào 2023 - 2024.
Đáng chú ý, quy định tại khoản 6, điều 1 Nghị định 65 nêu nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỉ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư (không bao gồm tiền vay).
Theo Bộ Tài chính, do tình hình thị trường có thay đổi nhiều so với bối cảnh khi xây dựng Nghị định 65 nên tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã đề xuất ngừng thực hiện một số quy định để kịp thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ"; hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn, thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn cho nhà đầu tư, tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án: phương án 1, tạm ngừng thực hiện quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đến hết năm 2023 (từ 1.1.2024 sẽ tiếp tục thực hiện các quy định này).
Phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định 65 về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 65, Bộ Tài chính cũng đưa ra các điểm mới đáng chú ý là cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn hoặc hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định pháp luật về phát hành trái phiếu. Việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư. Trường hợp trái chủ không chấp nhận, doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo quyền lợi như giao kết công bố ban đầu.
Dự thảo lần này cũng quy định trong trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác. Doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản…
Không có nhiều tác động đến thị trường, doanh nghiệp vẫn phải tự cứu mình
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận rằng với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 đã thấy cơ quan quản lý nhà nước có nhiều nỗ lực trong việc tìm kiếm, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong phát hành trái phiếu, phục hồi thị trường.
Tuy nhiên, những cách thức như trong dự thảo Nghị định cần phải được xem xét toàn diện hơn, sâu sắc hơn, đưa ra thử nghiệm trong thị trường để đánh giá xem cho hiệu quả ra sao. "Nhưng, cá nhân tôi cho rằng, với những giải pháp tháo gỡ như vậy rất khó tạo ra thay đổi đột biến, hỗ trợ tốt cho thị trường phục hồi vì tác động rất ít. Dường như cơ quan quản lý vẫn còn dè dặt trong chuyện đưa ra cơ chế tháo gỡ cho TPDN", ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, với cả phương án 1 và 2 như đề xuất kể trên của Bộ Tài chính là tạm ngừng hay tiếp tục thực hiện quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng không giúp mang lại nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường ít hơn hay nhiều hơn so với bối cảnh hiện nay.
"Quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là phải có 2 tỉ đồng trong tài khoản nắm giữ liên tục trong 180 ngày là rào cản rất lớn đối với việc gia tăng cầu trong thị trường, bởi không phải ai tham gia thị trường cũng có số tiền lớn như vậy. Thêm quy định nữa là quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là 3 tháng/lần phải xin cấp lại chứng chỉ. Thủ tục rườm rà này gây phiền nhiễu, bức xúc cho nhà đầu tư rất nhiều… Chỉ cần đưa ra 2 điều kiện này đã là chơi khó nhà đầu tư, chưa kể hàng loạt quy định ràng buộc khác", ông Thịnh cho hay.
Đối với đề xuất phương án 1 của Bộ Tài chính, theo ông Thịnh, nếu thực hiện được thì từ nay đến hết năm, chỉ có 9 tháng, thời gian quá ngắn rất khó để thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường, "trừ trường hợp trái phiếu phát hành ngon ăn trông thấy, siêu lợi nhuận thì mới khiến nhà đầu tư nỗ lực vượt qua tầng tầng lớp lớp rào cản để đầu tư trái phiếu".
Mặt khác, với chỉ có 9 tháng, doanh nghiệp phát hành không thể đủ thời gian thực hiện xong cả rừng thủ tục (xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo…) để phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư mua. "Doanh nghiệp không phát hành thì làm sao nhà đầu tư mua? Chưa kể, dù doanh nghiệp phát hành thành công thì giữa bối cảnh lòng tin vào TPDN đang tụt dốc thê thảm thì ai dám bỏ tiền vào mua?", ông Thịnh băn khoăn.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu bày tỏ, thị trường trái phiếu khó khăn khiến nhiều công ty lâm cảnh cùng quẫn vì thiếu tiền mặt, vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh. "Trước đây doanh nghiệp có thể xoay vốn từ tín dụng hoặc phát hành trái phiếu. Nhưng khi Nghị định 65 có hiệu lực, doanh nghiệp như gặp phải cú sốc vì mất bầu sữa. Thêm vào đó, tiếp cận vốn ngân hàng cũng khó hơn nên lại càng bấn túng vốn kéo dài. Các giải pháp: dừng triển khai dự án, giảm nhân sự, chậm lương… đều đã áp dụng, chắt bóp mọi nguồn lực để trang trải nợ mà vẫn phải khất lần, khất lượt xin hoãn, bi thảm vô cùng…", lãnh đạo kể trên than thở.
Về những đề xuất giải pháp của Bộ Tài chính mới đưa ra trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng cảm động ở tinh thần nỗ lực tháo gỡ cho doanh nghiệp chứ về mặt tác động là rất hạn chế. Khi thị trường mất niềm tin như hiện nay, đến nhà băng nào cho vay bất động sản nhiều còn khó giữ được uy tín chứ nói gì doanh nghiệp trong lĩnh vực phát hành trái phiếu mong có người mua.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng, với đề xuất của Bộ Tài chính là cho phép doanh nghiệp thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản khác chỉ là chính thức hóa quan hệ thị trường sẵn có, không có gì mới, khó gây tác động.
"Thực tế, nếu doanh nghiệp phát hành mà không có tiền mặt trả nợ gốc và lãi đến hạn thì phải đàm phán với trái chủ về hình thức trả nợ, có thể là bán tài sản cho trái chủ. Bản chất đấy là đàm phán, giao dịch dân sự giữa 2 bên vẫn tồn tại lâu nay trên thị trường, là gán nợ, không nhất thiết phải quy định. Đề xuất như vậy chưa thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà cần thiết thực hơn", ông Đính bày tỏ.
Bình luận (0)