Phát triển giao thông kết nối
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn, ngày 22.12.2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2076/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển vùng TP.HCM trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực.
Tuy nhiên theo ông Tuấn, hệ thống kết cấu hạ tầng của TP.HCM và hạ tầng kết nối các tỉnh trong vùng thiếu đồng bộ, ngày càng quá tải, đang là yếu tố kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thị trường bất động sản nói riêng tại các tỉnh trong vùng. Ngoài ra, tình trạng sốt đất do những thông tư chưa rõ ràng về dự án, về quy hoạch cũng đang tiềm ẩn rủi ro cao đối với các nhà đầu tư.
|
TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) nhận định, một trong những điểm cốt lõi trong chiến lược phát triển của TP.HCM là sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị. Trong đó, các khu vực như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ dần hình thành nên những trung tâm đô thị mới tiềm năng và hấp dẫn trong xu thế giãn dân đô thị.
Do đó cần phát triển giao thông kết nối tạo đà phát triển cho thị trường bất động sản TP.HCM và các tỉnh lân cận hưởng lợi theo hướng bền vững. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đã tạo ra một liên kết vùng không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, mà thị trường bất động sản hưởng lợi đầu tiên. Nguồn lực dành cho giao thông cần rất lớn, mỗi nhà nước đứng ra làm thì rất khó nhưng rất tiếc luật PPP đã bỏ hình thức BT. Các doanh nghiệp thường lắc đầu khi mời gọi hợp tác PPP.
Dồn điền đổi thửa
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho biết hiện nay vấn đề về vốn không phải là khó khăn của nhà đầu tư mà khó khăn lớn nhất là quỹ đất để thực hiện các dự án bất động sản. Thời gian qua giá đất tăng cao, việc quy hoạch các quỹ đất phù hợp để thực hiện các dự án vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, để hài hòa được vấn đề này nhà nước cần quy hoạch cụ thể từng khu vực, đặc biệt thu hồi đất để tạo ra các quỹ đất lớn sau đó đấu giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện
Một vấn đề nữa là bất cập từ thủ tục pháp lý, nhà nước cần rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, tạo cơ hội cho nhà đầu tư có thể thực hiện các dự án nhanh hơn, qua đó, giải quyết được vấn đề thiếu nguồn cung nhà ở hiện nay.
Ông Trần Văn Bảy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết UBND TP.HCM đã chính thức phê duyệt đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng hiệu quả đất đai". Theo đó, trong quá trình đầu tư mở rộng các tuyến đường giao thông thì nhà nước mở rộng biên đền bù, giải phóng mặt bằng. Diện tích đất dôi dư sẽ đem đấu giá cho nhà đầu tư thực hiện các dự án theo quy hoạch. Trên cơ sở được UBND TP.HCM phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến tham mưu ủy ban để ban hành kế hoạch thực hiện đề án. Tuy nhiên, không thể áp dụng ngay được, cần áp dụng thí điểm. Theo ông Bảy, vấn đề này ở TP.HCM thì không mới, ngay trên địa bàn quận 9 cũng đã có nhiều quỹ đất được TP có chủ trương như thế nhưng mà vẫn bế tắc khi thiếu một cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực hiện.
|
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng khi thực hiện quy hoạch và đầu tư hạ tầng cần đặc biệt chú ý tới vấn đề giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch. Một trong những giải pháp phát triển đô thị mà ông Thọ đề xuất là phải thực hiện theo phương pháp dồn điền đổi thửa. Đây là giải pháp mấu chốt biến khu đô thị ở nước kém phát triển thành khu đô thị hiện đại tầm cỡ như ở các nước hiện đại như Singapore, Nhật Bản. Đô thị phải có mảng xanh, đảm bảo kết nối giao thông thông suốt, đảm bảo các hoạt động của một đô thị.
Bình luận (0)