Doanh nghiệp tiếp cận được vốn rẻ hay chưa?

22/12/2023 06:36 GMT+7

Nhiều ngân hàng liên tục công bố các gói cho vay với lãi suất thấp chỉ từ 3% trở lên. Khảo sát của Thanh Niên cho thấy dù chưa doanh nghiệp nào vay được lãi suất 3% nhưng việc tiếp cận vốn đã dễ hơn, lãi vay cũng giảm xuống dưới 7% cho các khoản vay mới.

Chạy đua vốn rẻ lãi suất từ 3%/năm

Các ngân hàng (NH) gần đây liên tục tung ra các gói tín dụng với lãi suất (LS) thấp. Chẳng hạn, HDBank dành 10.000 tỉ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, mua sắm cuối năm. Trong đó, 5.000 tỉ đồng cho vay mới với LS 0% đối với cá nhân hoặc khách hàng cũ muốn vay thêm và áp dụng trong tháng đầu tiên, các tháng tiếp theo áp dụng chính sách LS thị trường. NH còn bổ sung gói ưu đãi với quy mô 5.000 tỉ đồng với LS 0% trong tháng đầu tiên dành cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ và cho mục đích chi lương, thưởng vào dịp cuối năm. 

Sau tháng ưu đãi, LS cho vay từ 6,7%/năm. Hay Sacombank cũng công bố dành 10.000 tỉ đồng cho vay sản xuất kinh doanh với LS 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng và từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 - 12 tháng. Đối với khách hàng cá nhân, Sacombank cho vay ngắn hạn với LS từ 6 - 7,5%/năm. 

Ngoài ra, các NH khác cũng đưa lãi vay xuống thấp như VIB áp dụng LS 5,5%/năm cho nhu cầu vay vốn kinh doanh; VPBank triển khai gói LS từ 5%/năm; NH Bản Việt cho vay với LS từ 5%/năm đối với cá nhân, DN bổ sung vốn đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hoặc kích cầu tiêu dùng cuối năm…

Doanh nghiệp tiếp cận được vốn rẻ hay chưa?- Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng chạy đua tung các gói cho vay lãi suất thấp

Ngọc Thắng

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NH Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết tín dụng tháng 11 tăng 1,3% so với tháng trước đó. Đây là một trong các tháng mà tín dụng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm (tháng 3.2023, tín dụng tăng 1,37%). Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM tính đến cuối tháng 11 đạt 3,402 triệu tỉ đồng. Tín dụng tăng do yếu tố nhu cầu vốn cuối năm gia tăng. 

Yếu tố này kích thích sản xuất và tiêu dùng, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng. Doanh số cho vay chương trình bình ổn thị trường đạt 13.000 tỉ đồng đối với 24 DN, trong đó cho vay DN bình ổn thị trường là 13 công ty; DN thuộc chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm là 11 DN. LS cho vay ở mức 4 - 6%/năm đối với kỳ hạn ngắn cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vừa qua.

Doanh nghiệp đã vay được lãi suất 6%/năm

Vốn rẻ nhiều, tín dụng tăng, như vậy DN đã tiếp cận được tín dụng hay chưa là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, cho hay mới đây, NH đã chào cho vay với LS chỉ 6,3%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và theo ông thì "mức này quá tốt", giảm mạnh so với mức 8,8%/năm của đầu tháng 11. Đồng thời NH cũng "giục" công ty ông giải ngân sớm nếu có kế hoạch vay. Riêng LS khoản vay trung hạn thì công ty vẫn phải trả với mức 11%/năm và hiện tại NH không khuyến khích vay mới. 

Ông Quốc Anh nhấn mạnh: LS vay duy trì dưới 7%/năm thì nhiều DN có thể gánh chịu được chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, thương mại thế giới sẽ còn tiếp tục giảm trong năm 2024 và điều đó cũng khiến các ngành xuất khẩu chưa thể hồi phục. Sức mua trong nước cũng chưa thể khởi sắc nên DN chỉ xây dựng kế hoạch thận trọng, phấn đấu doanh thu năm 2024 bằng năm 2023 - giảm 5% so với năm 2022. Ông cũng bày tỏ mong là LS vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp vì NH thông báo cho vay trong tháng này thì LS 6,3%/năm, nhưng bước sang tháng 1.2024 thì "chưa biết như thế nào".

Tương tự, theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, mới đây công ty đã làm thủ tục chuyển nợ từ NH cũ sang một NH mới và được tính LS khoản vay là 6,5%/năm. Một vài khoản vay cũ cũng đã được giảm LS xuống còn khoảng 7,5%/năm, thấp hơn nhiều so với LS phải trả khoảng 11%/năm của 2 - 3 tháng trước đó. Thời điểm cuối năm, nhiều NH cũng chào DN vay vốn với LS thấp dưới 7%/năm. 

Tuy nhiên, dù rất muốn vay nhưng ông Thanh cho hay là không còn tài sản để thế chấp. Ông còn có một công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại nên vẫn còn cầm cự được, không thua lỗ nên hạn mức vay vẫn được NH duy trì như năm cũ là "đã quá mừng". Công ty cũng có nhu cầu vay thêm vốn nhưng có bao nhiêu tài sản thế chấp cũng đã cầm cố ở NH hết rồi. "Giờ NH xét duyệt cho vay nhanh hơn, LS thấp hơn nữa thì cũng "bó tay". 

LS vay dưới 7%/năm là tốt nhưng DN mong duy trì mức LS này được càng lâu càng tốt. LS cũng cần ổn định thì DN mới dám vay để kinh doanh, mở rộng đầu tư. Ví dụ công ty muốn vay 1 tỉ đồng thì trả lãi gần 7 triệu đồng/tháng là nằm trong kế hoạch với chi phí, số tiền làm ra được. Giả sử đùng một cái NH lại thông báo LS tăng lên cao, trả lãi đến 10 triệu đồng/tháng thì DN hụt hơi, chới với ngay vì còn bao nhiêu chi phí khác. DN rất mong các chính sách đều có sự ổn định dài lâu, nhất là LS cho vay", ông Thanh đề xuất.

LS vay dưới 7%/năm là tốt nhưng DN mong duy trì mức LS này được càng lâu càng tốt. LS cũng cần ổn định thì DN mới dám vay để kinh doanh, mở rộng đầu tư.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát

Hay ông Huỳnh Tấn Phong, Giám đốc Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Hải Nam, cho biết hiện nay công ty đang vay ngắn hạn với dư nợ hơn 20 tỉ đồng và LS từ 5,5 - 6%/năm cho kỳ hạn 3 - 6 tháng. Là DN xuất khẩu nên phía NH cho vay USD, thế nhưng mức LS vay USD 5 - 5,5%/năm thì vay tiền đồng với LS 5 - 6%/năm tốt hơn.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng thực tế NH đang thừa tiền, chạy đua giải ngân trong tháng cuối năm để "chốt" sổ tăng trưởng tín dụng. Vì vậy DN vay được LS thấp từ 5,5 - 6,5%/năm trong thời gian này cũng khá nhiều. Bên cạnh đó, quy định cho phép chuyển nợ từ NH này sang NH khác theo Thông tư 06 của NHNN được áp dụng từ đầu tháng 9 đến nay cũng có tác dụng đẩy nhanh mặt bằng LS cho vay đi xuống. Bản thân ông đã tư vấn cho nhiều đơn vị thực hiện chuyển nợ sang NH khác và DN chỉ còn trả LS 6% và 6,5%/năm như khoản vay mới thay vì phải trả lãi đến gần 10%/năm cho NH vay cũ. Thực tế có NH khi thấy khách hàng yêu cầu chuyển nợ vay cũng có động thái giảm nhanh LS xuống còn 7,5 - 8%/năm.

Doanh nghiệp tiếp cận được vốn rẻ hay chưa?- Ảnh 2.

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay vừa giải quyết tình trạng dư thừa vốn, vừa góp phần hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn

Tuy nhiên, ông Điền lưu ý khách hàng đi vay phải cẩn thận xem xét các điều khoản trong hợp đồng. Thông thường một số NH tung gói cho vay LS ưu đãi chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm, sau đó sẽ thả nổi và cộng với biên độ khá cao, có thể từ 4 - 4,5%. Thậm chí, một số NH đưa ra điều khoản lấy LS cơ bản hay cơ sở - là mức cao hơn nhiều so với LS tiết kiệm - rồi mới cộng thêm biên độ. 

"Chính tôi đã gặp trường hợp này. Tôi không hiểu họ lấy LS cơ bản ở đâu ra mà lên hơn 8% rồi mới cộng biên độ 4%, thành ra tổng cộng đến 12%/năm. NH giải thích LS cơ bản là theo LS tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng thêm chi phí hoạt động. Như vậy rõ ràng một số NH đã cộng 2 lần chi phí hoạt động khi biên độ cộng thêm 4% là ai cũng hiểu đã gồm chi phí và lợi nhuận của NH. Vì vậy người vay nên hỏi kỹ về điều kiện điều chỉnh lại LS sau khi hết thời gian ưu đãi", TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh. 

Ông cho rằng để giải tỏa được nỗi lo của DN lẫn người đi vay nói chung về việc LS vay có thể tăng cao trở lại, NHNN cần duy trì quy định cho phép chuyển nợ từ NH này sang NH khác như hiện nay. Cơ chế này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh trong ngành NH, hỗ trợ người đi vay nói chung. Hơn nữa, TS Điền dự báo nền kinh tế năm 2024 sẽ từng bước phục hồi. Nhiều nước sẽ bắt đầu mở rộng chính sách tiền tệ, giảm LS. Tại VN, lạm phát cũng không quá đáng lo nên xu hướng LS vẫn sẽ duy trì ở mức thấp.

Đồng tình, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện tại các NH đang cần cho vay, đẩy nhanh giải ngân khi "ế vốn". Vì vậy, DN nào đáp ứng được điều kiện cho vay sẽ được các nhà băng săn đón là dễ hiểu. Thậm chí, việc "thúc" DN giải ngân sớm trong tháng 12 này cũng là một "chiêu" bán hàng. Bởi xu hướng LS chưa thể đảo chiều ngay khi nhu cầu vay từ phía DN chưa tăng nhanh trở lại. Kinh tế trong và ngoài nước vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc nên các DN vẫn còn đối diện nhiều khó khăn. Có thể từ nửa cuối năm 2024, nền kinh tế thế giới lẫn VN mới có nhiều dấu hiệu khả quan rõ rệt. Đặc biệt nếu Mỹ bắt đầu giảm LS từ quý 2/2024 thì sẽ kích thích được kinh tế nước này tăng trưởng trở lại và sẽ tác động tích cực đến kinh tế toàn cầu, trong đó có VN. 

"Tôi cho rằng LS vẫn sẽ duy trì ở mức thấp, nhất là LS cho vay vẫn có thể còn dư địa giảm thêm nếu các NH thương mại cắt giảm mạnh chi phí lẫn lợi nhuận của mình. Bởi biên độ chênh lệch giữa LS huy động với LS cho vay ở nhiều nhà băng vẫn còn khá lớn. LS chỉ có thể thay đổi tùy theo nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung, nhưng nhìn chung trong năm 2024 cũng sẽ không biến động quá lớn", TS Hiếu nhận định.

Tập trung cho vay 3 động lực tăng trưởng tín dụng

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, các tổ chức tín dụng cần phải nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn, linh hoạt, hiệu quả, ban hành các cơ chế, chính sách tín dụng phải sát với tình hình theo tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chủ thể liên quan, không duy ý chí, bảo thủ và không chủ quan, lơ là, thiếu thực tế. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống NH; không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn. Ngoài ra, xử lý nghiêm việc cấp tín dụng cho DN sân sau, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nghiêm cấm việc cấp tín dụng, LS thấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, lợi ích nhóm của NH...

Theo công bố từ NHNN, tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 30.11 tăng 9,15% so với cuối năm 2022, đạt khoảng 13 triệu tỉ đồng. Tại Diễn đàn Kinh tế VN 2024 vừa qua, bà Bùi Thúy Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết tính đến ngày 13.12, tín dụng tăng 9,87% so với cuối năm 2022. Như vậy tốc độ tăng trưởng tín dụng những tuần cuối năm đang nhanh hơn.

Mặt bằng LS cho vay hiện nay đã giảm từ 2 - 2,5%/năm so với đầu năm. Đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên (DN nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao), LS vay về mức 4%/năm. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, tổng dư nợ cho vay đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực này khoảng 200.000 tỉ đồng, doanh số cho vay hằng năm khoảng 500.000 - 600.000 tỉ đồng.

Nếu không giảm lãi vay thì NH không thể tăng trưởng tín dụng

Mức LS các NH công bố cho vay từ 3 - 5%/năm được xem là thấp nhất từ trước đến nay, mức này có thể chấp nhận được và góp phần hỗ trợ DN giảm chi phí tài chính lãi vay, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Một số NH hiện đang huy động tiết kiệm với LS từ 3 - 5%/năm, trong khi mức LS cho vay cũng ở khoảng từng này nhờ vào lãi huy động không kỳ hạn (CASA) ở mức cao, có NH CASA chiếm 30 - 40%. Điều này giúp các nhà băng giảm được LS cho vay. Một điểm khác, đó là nhu cầu vay vốn thời gian qua ở mức thấp, dẫn đến vốn huy động dư thừa. Nếu không giảm LS cho vay để hút vốn thì NH không thể tăng trưởng tín dụng. Điều này dẫn đến hệ lụy hạn mức tín dụng trong năm sau sẽ bị sụt giảm. Chính vì vậy, dù có cho vay bằng với giá vốn huy động, các NH cũng phải chấp nhận. Dự báo tín dụng cả năm 2023 khả năng sẽ tăng khoảng 11%, thấp hơn so với hạn mức tín dụng năm đề ra là 14,5%.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.