Doanh nghiệp Việt lên sàn ngoại gọi vốn

Mai Phương
Mai Phương
10/12/2022 06:11 GMT+7

Hãng xe hơi thương hiệu VinFast của Việt Nam đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ và dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq đã gây chú ý cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khả năng huy động vốn lớn

Nếu thực hiện IPO thành công tại Mỹ và đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn Nasdaq Global Select Market, VinFast được xem là doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tiên thực hiện IPO và niêm yết trực tiếp trên sàn quốc tế.

Đánh giá về thông tin trên, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải cho rằng đây là thông tin tích cực không chỉ riêng cho VinFast hay Vingroup mà cho cả thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mục tiêu lớn nhất của các DN khi niêm yết trên sàn chứng khoán (CK) dù ở đâu cũng nhằm để huy động vốn cho quá trình hoạt động kinh doanh. Từ đó sẽ thúc đẩy công ty hoàn thiện và lớn mạnh hơn. Các sàn CK như Singapore hay Hồng Kông được xem là trung tâm tài chính của khu vực thì đến Mỹ đã là trung tâm tài chính thế giới.

Một khi DN đã được Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) chấp thuận hồ sơ để thực hiện IPO và niêm yết trên sàn Nasdaq Global Select Market là chứng tỏ đã đáp ứng đầy đủ các quy định theo tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế hiện nay. Khi đó, khả năng các DN sẽ huy động được nguồn vốn lớn và giá bán cổ phần sẽ cao hơn nhiều so với trong nước.

VinFast sẽ trở thành công ty niêm yết trực tiếp cổ phiếu đầu tiên ở Mỹ

Quang Thái

Ông ví dụ, có những DN khi IPO ở Mỹ có khả năng huy động được vài tỉ USD hay thậm chí lên vài chục tỉ USD. Số tiền này ở trong nước, nhất là với quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) của Việt Nam hiện tại là không thể đạt được. Thậm chí, nhiều DN lớn ở các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông… cũng đều đến Mỹ để thực hiện IPO do giá chào bán cao hơn phát hành trong nước.

“Tôi cho rằng các DN lớn, kinh doanh ở lĩnh vực có tiềm năng thì khi ra IPO và niêm yết ở sàn ngoại sẽ thu hút được dòng vốn quốc tế tham gia. Các quỹ đầu tư lớn trên thế giới sẽ đánh giá cơ hội khi rót vốn vào một đơn vị nào đó dù giai đoạn đầu vẫn đang lỗ, nhất là những công ty công nghệ nhờ gọi vốn đầu tư thành công đã phát triển mạnh sau này. Các công ty Việt Nam có thể tính toán theo bài toán chi phí và hiệu quả của quá trình này nhưng nói chung đều khuyến khích”, ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ thêm.

Đồng tình, ông Ismael Pili, Phó tổng giám đốc điều hành bộ phận phân tích và nghiên cứu thị trường - Công ty quản lý quỹ VinaCapital, nhận định những lợi ích của việc IPO và niêm yết ở nước ngoài là khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn. Mỹ là thị trường lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% vốn hóa thị trường thế giới với nhiều quỹ đầu tư lớn nhất thế giới đặt tại nước này. Việc DN niêm yết trên các thị trường lớn hơn sẽ được các nhà đầu tư biết đến cũng như tăng khả năng thanh khoản của công ty nhiều hơn. Nhiều quốc gia và công ty huy động trái phiếu bằng ngoại tệ và điều đó cũng thể hiện sự phát triển tự nhiên. Ví dụ, đã có nhiều công ty Thái Lan, Indonesia và Philippines khai thác nguồn vốn vay bằng USD mà các công ty Việt Nam vẫn chưa tích cực thực hiện tại thời điểm hiện tại. Vì vậy thời gian tới điều này nên được khuyến khích nhiều hơn.

Khuyến khích lên sàn ngoại, nâng tầm sàn nội

Trước VinFast, một số DN lớn của Việt Nam cũng có “giấc mơ” thực hiện IPO và niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài nhưng vẫn chưa có kết quả. Chẳng hạn, Hãng hàng không Vietjet Air, Công ty VNG hay Công ty sữa Vinamilk…. Thậm chí, Vinamilk vào năm 2008 từng nhận được chấp thuận của Sở Giao dịch chứng khoán Singapore về việc phát hành và niêm yết một phần vốn trên sàn này. Tuy nhiên, đến năm 2011, kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn Singapore của Vinamilk chính thức bị hủy bỏ, thay bằng việc phát hành trong nước. Hay VNG dù đã ký biên bản ghi nhớ với sàn chứng khoán Nasdaq để chuẩn bị các bước cho đợt IPO và niêm yết trên sàn này, nhưng hiện nay cũng đang chuẩn bị đưa cổ phiếu lên niêm yết trong nước ở sàn giao dịch UPCoM…

Từ trước đến nay, Việt Nam mới chỉ có 2 DN niêm yết chứng khoán ở nước ngoài là Tập đoàn Vingroup (VIC) niêm yết trái phiếu chuyển đổi tại TTCK Singapore năm 2012 và Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) niêm yết chứng chỉ lưu ký tại thị trường chứng khoán London năm 2011 và sau đó đã hủy bỏ việc niêm yết tại các thị trường nêu trên.

Thậm chí, kể từ năm 2012 đến nay, sau khi Nghị định 58/2012 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của luật Chứng khoán 2010 ra đời là văn bản đầu tiên đề cập đến việc phát hành, niêm yết và đăng ký giao dịch chứng khoán DN Việt Nam ở nước ngoài thì vẫn chưa có đơn vị nào chính thức niêm yết hay đăng ký giao dịch trực tiếp cổ phiếu.

Chính phủ nên tập trung vào kế hoạch xây dựng, phát triển và nâng hạng TTCK trong nước để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Song song đó xây dựng trung tâm tài chính TP.HCM theo chuẩn khu vực để giúp các DN Việt có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa nguồn vốn để phát triển, nâng quy mô tăng cao hơn. Sau này nhiều DN mới có thể đạt cơ hội vươn ra tầm thị trường tài chính khu vực hay quốc tế.

TS Lê Đạt Chí

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, hiện nay vẫn còn một số rào cản đối với việc DN ra niêm yết sàn ngoại. Đó là quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành nghề kinh doanh chỉ ở mức 35% hay 49%. Việc bị giới hạn này khiến DN sẽ khó thực hiện phát hành cổ phiếu và niêm yết tại nước ngoài. Hay theo Nghị định 58/2012, các DN chỉ được niêm yết phần phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài ra sàn ngoại, trong khi phần vốn huy động trong nước vẫn phải tuân thủ theo quy định về TTCK trong nước. Do đó ông cho rằng Bộ Tài chính cần rà soát và xem xét lại để chỉnh sửa các quy định pháp lý theo hướng cởi mở hơn, để giúp các DN trong nước có cơ hội tiếp cận với các thị trường tài chính ngoại.

Dù vậy theo TS Lê Đạt Chí - Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), rào cản lớn nhất cho các DN Việt ra IPO và niêm yết trên sàn ngoại vẫn là khó đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn của các TTCK sở tại. Trong đó khó nhất là quy định về chuẩn mực kế toán, kiểm toán và quản trị DN. Bên cạnh đó, quy mô của các DN trong nước vẫn quá nhỏ nên cũng chưa thể được các nhà đầu tư lớn quan tâm. Đó là chưa kể chi phí để thực hiện quy trình IPO và niêm yết ra nước ngoài cũng khá cao.

Ngoài ra, DN trong nước nếu muốn IPO và niêm yết ra nước ngoài sẽ vướng phải quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Chính vì vậy VinFast phải thành lập công ty ở Singapore để hoàn tất hồ sơ IPO và niêm yết mà không phải là công ty đăng ký ở Việt Nam. Vì vậy cơ hội để tiếp cận thị trường tài chính quốc tế như Mỹ là “khá xa vời” đối với các DN Việt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.