‘Doanh nghiệp Việt nên tranh thủ thu mua dự trữ lúa gạo’

Chí Nhân
Chí Nhân
29/02/2024 14:31 GMT+7

Đó là lời khuyên của chuyên gia thị trường lúa gạo quốc tế trước những diễn biến gần đây từ cả những nhà sản xuất và tiêu thụ gạo.

Chính phủ Indonesia mới thông báo tăng nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt khiến giá gạo nội địa tăng cao, nâng tổng số gạo sẽ nhập khẩu đến 3,6 triệu tấn, cao hơn các dự báo ban đầu hơn 600.000 tấn.

‘Doanh nghiệp Việt nên tranh thủ thu mua dự trữ lúa gạo’- Ảnh 1.

Giá lúa gạo ở ĐBSCL đã tăng nhẹ trở lại sau khi Indonesia tuyên bố tăng nhập khẩu gạo thêm 1,6 triệu tấn

CÔNG HÂN

Trước những diễn biến mới, Thanh Niên có cuộc trao đổi với chuyên gia Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News. Bà Hương là người có gần 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau đó giữ chức Giám đốc Phát triển kinh doanh của Công ty The Rice Trader - nhà tổ chức Hội nghị gạo toàn cầu và cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới.

Indonesia, Trung Quốc và Thái Lan muốn nhập gạo Việt Nam

Việc Indonesia nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn gạo, nâng tổng số gạo sẽ nhập trong năm nay lên 3,6 triệu tấn có tác động thế nào đến thị trường năm 2024?

-Chuyên gia Phan Mai Hương: Đầu tiên phải nói ngay rằng đây là tin tốt với bà con nông dân Việt Nam. Vì ngay sau Tết Nguyên đán, nông dân ĐBSCL bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, vụ lúa lớn nhất trong năm. Nguồn cung dồi dào khiến giá giảm. Trong bối cảnh đó, thông tin Indonesia tăng nhập khẩu gạo khiến đà giảm đã bị chặn đứng, giá lúa gạo nội địa quay đầu tăng nhẹ ở một số địa phương.

Hiện Indonesia chỉ đưa ra thông tin tăng lượng gạo nhập khẩu nhưng chưa có chi tiết về việc này sẽ tiến hành như thế nào. Tuy nhiên, theo những nguồn tin của chúng tôi thì Indonesia sẽ nhập theo cả kênh chính phủ (G2G) và kênh thương mại thông thường. Đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất khẩu.

*Ngoài Indonesia, những khách hàng khác thì sao thưa bà?

-Khách hàng truyền thống là Philippines và các nước châu Phi vẫn đang thu mua bình thường vì họ có nhu cầu lớn. Tuy nhiên, họ cũng không vội vì nguồn cung Việt Nam đang tốt. Vì vậy họ trì hoãn ký và nhận hàng với kỳ vọng giá có thể tốt hơn. Nhưng đó chỉ là ngắn hạn.

Đáng chú ý với thị trường trong năm 2024 là sự quay trở lại của khách hàng lớn Trung Quốc. Chúng tôi đã nhận được những tín hiệu khả quan từ thị trường này. Những năm qua, Trung Quốc đã dùng kho dự trữ gạo thay vì nhập khẩu do giá cao, nhiều khả năng họ sẽ sớm quay trở lại thị trường.

*Còn về nguồn cung hiện tại thế nào, đặc biệt với Ấn Độ và Thái Lan?

-Ấn Độ, hiện chưa có nhiều diễn biến đáng chú ý. Những chính sách lớn vẫn được duy trì như hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực, kềm chế lạm phát. Sẽ khó có biến động nào lớn trước kỳ bầu cử sắp tới. Ấn Độ cũng tiếp tục duy trì chính sách xuất khẩu gạo nhân đạo cho các nước có nhu cầu cao qua kênh chính phủ.

Riêng với Thái Lan, những nguồn tin mà chúng tôi có được thì thương nhân nước này cũng đang nhập gạo Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng bao nhiêu thì tôi chưa nắm rõ. Họ nhập về để tái xuất nhân cơ hội giá tốt. Đây cũng là điều bình thường trong thời đại thương mại tự do hiện nay. Nó cũng góp phần mở rộng đầu ra cho gạo Việt Nam.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Việt Nam được thế giới chú ý

*Với những thông tin có được, bà có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam?

-Như đã nói ở trên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện không có nguồn tài chính đủ lớn. Nếu doanh nghiệp nào có tiền, tôi nghĩ là nên tranh thủ mua vào nhân cơ hội giá tốt. Cân đối cung cầu năm nay cho thấy, người bán vẫn nắm thế chủ động.

‘Doanh nghiệp Việt nên tranh thủ thu mua dự trữ lúa gạo’- Ảnh 2.

Chuyên gia Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News

NVCC

Thị trường thật sự biến động thế nào trong thời gian tới thì chúng ta vẫn phải chờ. Có tận dụng được cơ hội đó hay không phụ thuộc chính là góc nhìn thị trường cũng như cách tiếp cận của từng doanh nghiệp. Để cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ thông tin hơn thì có thể tham dự Hội nghị lúa gạo toàn cầu tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 6 - 8.3 tới. Hội nghị này do SS Rice News tổ chức lần đầu tiên với sự tham dự của lãnh đạo các hiệp hội lúa gạo lớn như: Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar và đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT Việt Nam cùng các tập đoàn kinh doanh lúa gạo hàng đầu thế giới đặc biệt là Olam.

Tập đoàn Olam, đơn vị có nhiều kinh nghiệm và mô hình thực tế ở nhiều nơi trên thế giới sẽ chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về việc cần làm gì và làm như thế nào để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất lúa gạo bền vững, phát thải thấp

Phan Mai Hương

*Công ty được thành lập ở Singapore nhưng hội nghị quốc tế lần đầu tiên được SS Rice News tổ chức tại Việt Nam hẳn phải có lý do đặc biệt?

-Đây là tâm huyết của một người Việt Nam có nhiều năm gắn bó với ngành lúa gạo nước nhà và thế giới. Về mặt khách quan, đây cũng là thời điểm mà thế giới muốn hiểu rõ và nhiều hơn về ngành lúa gạo Việt Nam.

Đầu tiên là về mùa vụ đông xuân, các nhà buôn gạo đang muốn gặp, trao đổi, kết nối cùng nhau và cùng doanh nghiệp Việt Nam để có đầy đủ thông tin thị trường. Theo chương trình, vào chiều ngày 6.3, chúng tôi sẽ có một phần riêng để giới thiệu về thị trường gạo Việt Nam với thế giới. VFA sẽ có báo cáo toàn cảnh về ngành gạo Việt Nam, bên cạnh là các phân tích từ những chuyên gia ở Bộ Công thương.

Tâm điểm của hội nghị vào ngày 7.3, với chủ đề sản xuất lúa gạo bền vững. Hội thảo này được tổ chức nhằm quảng bá "Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp". Đề án này thật sự đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng thế giới. Tập đoàn Olam, đơn vị có nhiều kinh nghiệm và mô hình thực tế ở nhiều nơi trên thế giới sẽ chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về việc cần làm gì và làm như thế nào để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất lúa gạo bền vững, phát thải thấp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mời Bộ NN-PTNT Việt Nam chia sẻ về kế hoạch triển khai đề án.

Nội dung hấp dẫn nhất của hội nghị vẫn là vào buổi chiều ngày 7.3, nơi sẽ diễn ra hội thảo chuyên sâu về thị trường gạo thế giới năm 2024. Lãnh đạo hiệp hội gạo các nước sẽ chia sẻ thông tin thị trường. Bên cạnh đó có phần trao đổi góc nhìn của những nhà nhập khẩu lớn để trả lời cho câu hỏi của người bán là "người mua muốn gì?". Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp các thông tin liên quan tới chuỗi cung ứng ngành hàng lúa gạo cũng như báo cáo tổng hợp phản ánh góc nhìn của SS Rice News.

Các "ông lớn" ngành gạo tập trung về Đà Nẵng

Hội nghị lúa gạo toàn cầu sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8.3 tại Đà Nẵng. Hội nghị có sự tham dự chính thức từ hơn 400 nhà nhập khẩu, xuất khẩu và cung cấp các dịch vụ phụ trợ trong ngành gạo từ 27 quốc gia khắp thế giới. Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị, còn có khu vực triển lãm để trưng bày các sản phẩm, dịch vụ thuộc chuỗi thương mại gạo đến từ các quốc gia sản xuất lúa gạo.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.