Theo ông Tarun Sawney, Giám đốc cấp cao của BSA tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc còn gần 3/4 các tập đoàn tại Việt Nam vẫn sử dụng phần mềm không có bản quyền khiến dữ liệu gặp rủi ro và tạo ra những lỗ hổng đáng kể trong hệ thống phòng thủ an ninh mạng của Việt Nam.
Trên thực tế, các công ty vừa và nhỏ tại Việt Nam thường ‘bỏ quên’ khâu bản quyền phần mềm dùng trên máy tính khi phó mặc cho nhân viên IT phổ thông sử dụng các ‘bản ghost’ cài sẵn từ hệ điều hành Windows, bộ ứng dụng Office, nén dữ liệu WinZIP/WinRAR... cho đến những phần mềm bảo mật như Kaspersky Internet Security được xem là cánh cổng hiệu quả để ngăn chặn những nguy cơ an toàn thông tin xâm hại hệ thống doanh nghiệp, tuy nhiên, đa phần các ‘bản ghost’ lưu hành trên các trang mạng đều đính kèm mã độc loại ‘cửa sau’ (backdoor) hay trojan để thâm nhập hay đánh cắp thông tin.
Trường hợp khác là dù mua bản quyền phần mềm nhưng từ các kênh lậu cho rẻ hơn vài chục phần trăm giá chính hãng từ các kênh phân phối chính thức, nên bản quyền đó lại bị ‘chia năm sẻ bảy’ dẫn đến nguy cơ bản quyền bị nhà phát hành chính hãng cắt mất bất cứ lúc nào. Vừa mất tiền lại đẩy mình vào thế ‘vườn không nhà trống’ cho tin tặc và mã độc thâm nhập.
Theo số liệu của Cục An toàn thông tin - Bộ TT-TT, trong quý 3/2019 ghi nhận 1.466 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trước đó, số liệu của Cục An toàn thông tin cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam được ghi nhận là 3.159 cuộc, cho thấy mức độ thường xuyên gánh chịu những cuộc tấn công mạng đa dạng không chỉ đến từ tin tặc trong và ngoài nước, mà còn cả những đối thủ kinh doanh.
Chuyện tưởng nhỏ, thiệt hại to lớn
Theo ghi nhận của Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC), đã có tình trạng công ty thuê tin tặc tấn công vào hệ thống của đối thủ cạnh tranh tại Việt Nam, lấy đi các thông tin quan trọng như hồ sơ thầu, kế hoạch kinh doanh... gây thiệt hại hàng tỉ đồng.
Phương thức tấn công tuy đa dạng nhưng vẫn tập trung phần lớn vào lừa đảo (phishing) đại trà, trong đó có những trường hợp tấn công mục tiêu chủ đích (spear-phishing). Theo nghiên cứu công bố bởi các nhà nghiên cứu từ Barracuda, các doanh nghiệp cần chú ý đến làn sóng tấn công bởi mã độc giả dạng hoặc mã khai thác lỗi bảo mật đính kèm các tập tin tài liệu Word, Excel, Powerpoint hay PDF trà trộn trong hàng ngàn email trao đổi qua hệ thống thông tin của doanh nghiệp mỗi ngày, mà theo báo cáo, đến 48% file có dấu hiệu mã độc, và 300.000 loại mã độc khác nhau giả dạng tài liệu được các nhà nghiên cứu nhận dạng. Nguy hại hơn, các loại mã độc này có thể được mua bán dễ dàng ở ‘chợ đen’ trên mạng
|
Doanh nghiệp nhỏ càng lơ là bảo mật càng dễ chịu thiệt hại lớn khi xảy ra sự cố an toàn thông tin. Nhân viên có thể tải xuống một tập tin tài liệu nhiễm mã độc, lây lan vào mạng nội bộ, đánh cắp hợp đồng thầu khiến mất gói thầu vào tay đối thủ nắm được giá mời thầu tốt hơn. Đó là những trường hợp thực tế mà doanh nghiệp Việt gặp phải, phải liên hệ các công ty an ninh mạng để điều tra.
Theo ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bảo mật Nam Trường Sơn (NTS Security): “Các cuộc tấn công mạng có chủ đích nhắm vào doanh nghiệp hiện nay đều được thực hiện qua nhiều lớp bài bản và quy mô. Bên cạnh mã độc đánh cắp thông tin, doanh nghiệp cần chú ý loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền nạn nhân đang có dấu hiệu phát triển tại Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng bi đát. Dù có đồng ý trả tiền thì chưa chắc nhận toàn vẹn dữ liệu, có thể bị rò rỉ và bán sang bên khác. Doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có các kế hoạch sao lưu dữ liệu quan trọng định kỳ và thường xuyên, cũng như khai thác ‘lưu trữ đám mây’, chú ý bảo vệ từng máy tính trong mạng nội bộ với các quy định, phần mềm anti-virus kèm tường lửa như Kaspersky Internet Security sẽ giảm thiểu nguy cơ”.
Bình luận (0)