Doanh nhân trẻ cần nuôi dưỡng ý chí lớn

13/10/2021 07:44 GMT+7

Chủ tịch nước cho rằng doanh nghiệp là rường cột của quốc gia, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Doanh nhân trẻ cần nuôi dưỡng ý chí lớn, tôi rèn bản lĩnh vượt lên và có khả năng tranh đua với các doanh nhân trẻ thế giới...

Sáng qua (12.10), tiếp tục chương trình công tác tại TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì gặp mặt Hội Doanh nhân trẻ VN nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân VN (13.10).

Báo cáo với Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN Đặng Hồng Anh cho rằng trong đợt dịch lần thứ 4 này doanh nghiệp, doanh nhân bị ảnh hưởng và thiệt hại rất nặng nề, nhất là Hội Doanh nhân trẻ VN với các hội viên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi doanh nhân tiêu biểu

SỸ ĐÔNG

Tại buổi gặp mặt, gần 10 đại biểu đã nêu lên những kiến nghị liên quan về vấn đề tính đồng bộ của quy định pháp lý (tránh chồng chéo, cản trở sự phát triển - PV), lưu thông hàng hóa, sản xuất, chính sách hỗ trợ về vốn và tín dụng để “bơm ô xy cho doanh nghiệp”, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; ưu tiên vắc xin cho các tỉnh, thành có tỷ trọng xuất khẩu cao, phát triển du lịch...

Trong đó, một số ý kiến cho rằng các doanh nghiệp “không xin tiền mà chỉ cần cơ chế cởi mở, công khai, minh bạch, công bằng để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước”.

Khởi nghiệp với tinh thần yêu nước

Phát biểu kết luận tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp trẻ nói riêng, các tổ chức thiện nguyện đã có nhiều giải pháp, việc làm sáng tạo hỗ trợ công tác an sinh xã hội và an dân trong đại dịch. Đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt trong thời gian giãn cách kéo dài.

Chủ tịch nước thông tin do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có trên 100.000 doanh nghiệp ngừng sản xuất; riêng TP.HCM có gần 16.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Doanh nghiệp dừng hoạt động ảnh hưởng đến việc làm, doanh thu, ngân sách, an sinh xã hội.

“Chính phủ và TP.HCM đã và đang xây dựng nhiều chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách an dân khác để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, khôi phục sản xuất để phát triển. Thông qua các ý kiến đóng góp của doanh nhân, Chính phủ, TP.HCM và các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện giải pháp cụ thể, ban hành thực hiện trong thời gian tới”, ông khẳng định.

“Doanh nghiệp là rường cột của quốc gia, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Từng bàn tay và khối óc của doanh nhân trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nói chung đều là sự đóng góp cho bản thân, gia đình và đất nước”, Chủ tịch nước nhấn mạnh và chia sẻ rằng trong khó khăn, đất nước thấy tự hào khi có một thế hệ doanh nhân trẻ đầy hào khí và năng lực, cùng với sự dìu dắt của các thế hệ doanh nhân đi trước sẽ là nền tảng đưa đất nước phát triển.

Đồng hành với tinh thần tiên phong, đổi mới, sáng tạo

Ảnh

Chia sẻ với các doanh nhân trẻ về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong đại dịch Covid-19 vừa qua, tại buổi gặp mặt, anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, khẳng định T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN luôn đồng hành cùng Hội Doanh nhân trẻ VN với tinh thần tiên phong, đổi mới, sáng tạo. “Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng doanh nhân trẻ để góp phần phục hồi kinh tế mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới”, anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Anh Nguyễn Anh Tuấn đánh giá cao kết quả nổi bật của Hội Doanh nhân trẻ VN trong những năm vừa qua. Trong đó, nổi bật nhất là tinh thần kết nối khởi nghiệp, hợp tác quốc tế, chuyển đổi số; chăm lo và hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp của thanh niên để tạo ra nhiều doanh nhân trẻ mới, góp phần tạo thành sức mạnh cộng đồng.

Cùng với đó, các doanh nhân trẻ đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hỗ trợ các địa phương mà dẫn chứng sinh động nhất là tinh thần dân tộc của doanh nhân trẻ trong đại dịch Covid-19 vừa qua, được xã hội ghi nhận, khẳng định vị thế quan trọng của mình...

Chủ tịch nước bày tỏ sự tin tưởng với doanh nghiệp trẻ, các thành phần khác của nền kinh tế tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để vượt qua khó khăn. “Ai cũng có khó khăn riêng nhưng chúng ta đều vượt lên được. Rất nhiều doanh nhân trẻ khởi nghiệp với tinh thần yêu nước”, ông nhìn nhận.

Để TP.HCM phát triển mạnh hơn

Theo Chủ tịch nước, trong khó khăn của đại dịch thì các thế hệ doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân trẻ phải gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

“Doanh nhân trẻ cần nuôi dưỡng ý chí lớn, tôi rèn bản lĩnh vượt lên và có khả năng tranh đua với các doanh nhân trẻ thế giới”, Chủ tịch nước nói, và cho rằng trong bối cảnh cả thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, doanh nhân trẻ cần mạnh dạn phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sự sáng tạo không chỉ có lớp trẻ mà còn cả thế hệ doanh nhân đi trước.

“Trước những thử thách, doanh nhân càng phải vươn lên, có niềm tin mãnh liệt vào cơ nghiệp bản thân, cơ đồ của dân tộc và tương lai của đất nước; luôn giữ vững sự kiên nhẫn trong hành động chứ không để mất dần niềm tin”, Chủ tịch nước kỳ vọng.

Lắng nghe ý kiến của các doanh nhân, Chủ tịch nước khẳng định những kiến nghị xác đáng sẽ được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xây dựng chính sách phục hồi nền kinh tế VN nói chung và TP.HCM nói riêng trên các lĩnh vực: tài khóa, tiền tệ, an ninh, an dân và tâm lý xã hội. Riêng với TP.HCM cần sớm ban hành chính sách cụ thể để không đứt gãy chuỗi lao động và các chuỗi cung ứng khác; có biện pháp thu hút lao động từ các tỉnh đến TP.HCM làm việc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến “cỗ xe tam mã” trong phát triển: thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu, đầu tư công và những vấn đề mà cuộc sống đặt ra; đồng thời đề nghị doanh nghiệp, doanh nhân trong khả năng của mình bắt tay vào công việc để TP.HCM phát triển mạnh hơn, nhanh hơn và bền vững hơn.

TP.HCM tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, dịch vụ

Ảnh

Cũng tại buổi gặp mặt, Ủy viên T.Ư Đảng - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ cảm kích trước những ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp khi trong lúc khó khăn nhất, các doanh nghiệp không nói nhiều về khó khăn của mình mà góp ý, hiến kế cho đất nước và TP.HCM giải quyết khó khăn dịch bệnh và phục hồi kinh tế.

Ông Phan Văn Mãi tri ân cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đồng lòng chống dịch, đóng góp và hỗ trợ không chỉ thể hiện bằng vật chất mà bằng cả tấm lòng sẻ chia.

Theo ông Phan Văn Mãi, thời gian qua TP.HCM bị tổn thương nặng nề do dịch bệnh Covid-19, đến lúc phải dưỡng thương, phục hồi nhanh chóng. TP.HCM đang tiếp tục hoàn thiện chương trình phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, xác định từ nay đến cuối năm và năm 2022 là thời gian để phục hồi, và sau đó phát triển mạnh mẽ. “Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, TP.HCM tin tưởng và kỳ vọng doanh nghiệp và người dân thật sự là chủ thể trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế”, ông nói.

“Chúng tôi xem sức mạnh của doanh nghiệp là sức mạnh của TP.HCM. TP.HCM sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp bàn bạc chính sách để tháo gỡ khó khăn”, ông Phan Văn Mãi khẳng định và cho biết trong tháng 10.2021 sẽ khởi động một số công trình, dự án bị ách tắc.

Ông Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung các chính sách, cơ chế thí điểm để có thể triển khai ngay, trong đó tập trung hỗ trợ sản xuất, dịch vụ chủ lực cũng như hỗ trợ, phục hồi và phát triển cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.