Riêng 2 bộ phim (trong tổng số 7 phim tết ra rạp tại Trung Quốc) là Xin chào Lý Hoán Anh và Thám tử phố Tàu 3 lần lượt thu về 624 triệu USD và 619 triệu USD theo con số thống kê được tờ Variety cập nhật từ “gã khổng lồ” nền tảng bán vé Maoyan (Trung Quốc).
Tác động bất ngờ của đại dịch
Kỳ nghỉ tết Nguyên đán của Trung Quốc đã mang về doanh thu bán vé kỷ lục hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 1/10 doanh thu phòng vé năm 2020 toàn cầu chỉ trong thời gian ngắn. Nó đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc, doanh thu phòng vé một ngày của nước này vượt 155 triệu USD trong 5 ngày liên tiếp. Hơn 160 triệu lượt khán giả đã tham dự hơn 2,9 triệu suất chiếu, lập kỷ lục mới về lượng khán giả xem phim trong dịp lễ tết.
Các số liệu tăng vọt “không những chỉ báo ngành công nghiệp điện ảnh đang ấm trở lại mà còn cho thấy với việc ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, doanh thu phòng vé của Trung Quốc năm nay có thể đạt mức cao mới”, tờ Beijing News vui mừng viết trong một bài bình luận.
Năm mới âm lịch đã khởi đầu với một cú nổ lớn vào mùng 1 tết (12.2) với doanh thu 269 triệu USD. Khoảng 35 triệu lượt người đã đi xem phim vào ngày này, nhiều hơn ba triệu người so với năm 2019 mặc dù năm nay công suất rạp đã giới hạn 75% để ngăn chặn Covid-19, cũng như ít suất chiếu hơn do thời lượng phim dài.
Một số yếu tố đã góp phần vào sự thể hiện mạnh mẽ này. Trước hết, Trung Quốc hiện có thêm gần 15.500 rạp chiếu phim so với đầu năm 2019, và thêm 5.800 rạp chiếu phim mới vào năm 2020, bất chấp những cơn lốc nghiêm trọng của đại dịch.
Giá vé cũng đắt hơn rõ rệt trong năm nay - nguyên nhân từ sự phàn nàn không nhỏ của người tiêu dùng trực tuyến. Tuy nhiên, họ vẫn ra rạp do bị thu hút bởi sự đa dạng về thể loại phim hơn bình thường trong số 7 phim phát hành tết.
Lợi ích lớn nhất đối với doanh thu phòng vé năm nay là chính sách chống lây nhiễm Covid-19 của Chính phủ: khuyến khích người dân ở yên tại chỗ hơn là về quê thăm gia đình. Điều này đã làm cho phim tết trở thành một lựa chọn giải trí hấp dẫn hơn.
“Mọi người không thể du lịch, đến các hội chợ, hay đi lễ đền chùa cũng bị hủy bỏ, vì vậy xem phim đã trở thành trò tiêu khiển quan trọng nhất trong mùa tết năm nay. Chúng tôi đã tiêu số tiền vào việc mua vé xem phim mà lẽ ra có thể dùng để du lịch”, một nữ khán giả Trung Quốc, người đã xem 4 bộ phim trong hai ngày đầu tiên của kỳ nghỉ tết, nói với tờ Beijing News. Tuy nhiên, cô rất tiếc vì không thể chia sẻ trải nghiệm với gia đình phương xa của mình: “Sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, chúng tôi có thể cùng nhau trải qua một năm mới, khi ấy tôi muốn xem phim cùng gia đình mình. Chẳng hạn như xem phim Xin chào Lý Hoán Anh mô tả mối quan hệ mẹ con, khi xem cùng với mẹ, tôi sẽ thực sự nâng cao trải nghiệm”.
Tờ Variety dẫn lại bài báo của tờ Nhân dân Nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – nhận định rằng doanh thu phòng vé của Trung Quốc khiến “các công ty điện ảnh Hollywood và quốc tế không ngừng ganh tị”. “Thời điểm phát hành phim tết thể hiện tiềm năng to lớn của thị trường điện ảnh Trung Quốc, sự hình thành của thói quen tiêu dùng tết âm lịch, sự đa dạng hóa thể loại phim nội địa và những cải tiến rõ ràng về tiêu chuẩn, chất lượng”, bài báo viết.
|
So sánh doanh thu phòng vé ở Mỹ ngay thời điểm tết mới thấy 1,2 tỉ USD tiền vé ở Trung Quốc “khủng” cỡ nào mặc dù nước Mỹ không đón tết Nguyên đán như châu Á nhưng số liệu thống kê cũng cho thấy tình hình kinh doanh phim tại rạp vẫn rất èo uột do đại dịch. Hãng Reuters vừa cập nhật số liệu phòng vé, theo đó The Croods: A New Age, phần tiếp theo phim hoạt hình của hãng Universal Pictures đã thu về 1,7 triệu USD từ 1.913 rạp chiếu vào cuối tuần qua, đủ để vượt qua các bộ phim phát hành gần đây như The Little Things và Judas and the Black Messiah. Sau 13 tuần ra rạp, phần tiếp theo của The Croods thu được 50 triệu USD, có thể vượt qua Tenet (58 triệu USD) để trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong "kỷ nguyên" Covid-19. Các phim khác chỉ đạt doanh thu khá “bèo": The Little Things kiếm được 11 triệu USD trong 4 tuần ra rạp; Wonder Woman 1984 là 42 triệu USD; The Marksman chỉ 11,4 triệu USD…
Bối cảnh phòng vé nội địa Mỹ hoàn toàn khác với Trung Quốc, nơi doanh thu bán vé năm nay đã tăng vọt lên mức kỷ lục. Ngoài ra, đất nước này đã có một số bộ phim bom tấn thật sự vào năm 2021, chẳng hạn như Xin chào Lý Hoán Anh, Thám tử phố Tàu 3. Khó thể tin rằng doanh thu phòng vé cạn kiệt ở Mỹ có thể sớm trở lại mức trước đại dịch. Trong khi đó các nhà phân tích và giám đốc điều hành những hãng phim đều nhìn về Trung Quốc với sự lạc quan.
Hollywood đang “run”
Trang Deadline bình luận, điều này đã xảy ra ngay cả khi một số hạn chế tụ tập vì Covid-19 vẫn được áp dụng ở một số nơi tại Trung Quốc. Trong khi đại dịch hoành hành ở các khu vực khác trên thế giới, làm thế nào mà Xin chào Lý Hoán Anh và Thám tử phố Tàu 3 đạt được những đỉnh cao chưa từng có như vậy? Và điều đó có ý nghĩa gì đối với lượng phim bom tấn tồn đọng của Hollywood sẵn sàng tấn công Trung Quốc, toàn cầu và đặc biệt là các rạp phim ở Mỹ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở những nơi khác được kiểm soát?
Rõ ràng, Trung Quốc đã trở thành “siêu cường” về phim ảnh theo nghĩa doanh thu phòng vé vào dịp tết Nguyên đán cổ truyền. Nhưng hiệu suất của tháng tết này hy vọng đóng vai trò là một chỉ báo về sự phục hồi doanh thu sẽ mở rộng sang các nước khác khi thị trường dần hồi phục với các sản phẩm phim mới cũng như việc khống chế số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.
|
Thành công từ các hãng phim nội địa Trung Quốc thể hiện rõ một điều rằng họ “đủ lớn” khi phải chống chọi với hoàn cảnh bất lợi (thiên tai, dịch bệnh) để thu lợi nhuận từ ngành công nghiệp điện ảnh. Một trong những động thái khôn ngoan nhất mà các nhà làm phim ở Đại Lục thực hiện là… kiên nhẫn. Nhà sản xuất phim Thám tử phố Tàu 3 nhận định: “Chúng tôi đã chống lại áp lực phải phát hành phim sớm hơn. Một giám đốc phân phối phim có trụ sở tại Mỹ hoàn toàn đồng ý. Bằng cách chờ đến tết Nguyên đán phim đã tăng tối đa lợi nhuận”.
Các nhà làm phim Trung Quốc thực hiện xuất sắc một kế hoạch rất kiên nhẫn và thông minh cho các phim bom tấn. Họ không dễ dàng chịu thua khi chấp nhận đưa phim phát trực tuyến. Đó là một bước đi thật sự thông minh. Đoàn làm phim Thám tử phố Tàu 3 đã thực hiện chuyến quảng bá phim vào năm 2019-2020, tăng cường tiếp thị trực tuyến, với các ngôi sao trong phim tham gia các sự kiện truyền thông xã hội cũng như một loạt trailer giới thiệu phim mới và đưa ra các video tổng hợp nhiều cảnh quay trong hai bộ phim bom tấn kể trên để khai thác sự “khao khát” của người hâm mộ.
Siêu sao điện ảnh Thái Lan Tony Jaa (nổi tiếng qua hàng loạt phim Ong-Bak, Furious 7, Monster Hunter) đã tham gia buổi quay Thám tử phố Tàu 3 ở Tokyo. Ngôi sao hành động Thái nói rằng anh rất vui vì có cơ hội được tham gia Thám tử phố Tàu 3 vì từng là một fan lớn của hai phần phim Thám tử phố Tàu trước đó, đặc biệt là khi phần 1 quay ở Thái Lan - điều này tình cờ dẫn đến sự thúc đẩy du lịch ở quê nhà của anh. Anh gọi đạo diễn Trần Tư Thành là “một người thực sự thông minh” và tin rằng sự thành công của Thám tử phố Tàu 3 phần nào đó nhờ sự trì hoãn ra rạp một năm. “Mọi người đã chờ đợi bộ phim này”, Tony Jaa nói.
Nhà sản xuất Thám tử phố Tàu 3 cũng chỉ ra những yếu tố khác giúp phim thành công. Khi rạp chiếu phim mở cửa trở lại vào tháng 7.2020, chính phủ bắt buộc tất cả vé phải được mua trực tuyến. Khán giả lo lắng xung quanh việc giãn cách chỗ ngồi khi vào rạp, đặc biệt là do các hạn chế về số vé bán trong 1 suất chiếu và vì vậy đã giúp thúc đẩy việc mua vé trước để xác định vị trí ngồi.
“Về mặt lý thuyết, nếu mọi người tuân thủ, điều đó sẽ tốt vì có thể truy nguyên được nếu chẳng may ai đó được phát hiện bị nhiễm Covid-19. Mọi người biết chính xác thời gian họ đến rạp chiếu phim cũng như vị trí ngồi”, nhà sản xuất phim nhìn nhận.
Xin chào Lý Hoán Anh và Thám tử phố Tàu 3 có thể là cơ hội để Hollywood “nhìn nhận Trung Quốc từ một quan điểm khác. Rằng Trung Quốc đủ cơ sở hạ tầng và con người để làm những bộ phim bom tấn lớn”, Deadline nhận định. Các phim bom tấn do Trung Quốc sản xuất sẽ thúc đẩy nhiều tài năng điện ảnh Mỹ làm việc với Trung Quốc ngay từ khi bắt đầu dự án và “xem chúng tôi như một đối tác, những đồng nghiệp làm phim thực sự để cùng sáng tạo”, một nhà sản xuất phim nói.
Giáo sư Stanley Rosen chuyên gia về Trung Quốc kết luận: “Giờ đây, Trung Quốc đã học hỏi được nhiều điều về cách kể chuyện, cách làm phim hoạt hình và hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt từ Hollywood, kết hợp với các chính sách hạn chế phim ngoại nhập của chính phủ khiến cho những gì Hollywood có được khi chiếm hơn 50% thị trường phim ở Trung Quốc đã đến và đi. Nếu Hollywood có thể lấy lại 40% con số đó thôi thì sẽ là một chiến thắng tuyệt vời. Ngay cả trước đại dịch Covid-19, con số này đã giảm hằng năm. Hollywood có thể cần Trung Quốc hơn bao giờ hết nhưng giờ đây Trung Quốc cần Hollywood ít hơn bao giờ hết”.
Điều quan trọng cần nhớ là thành công ở Trung Quốc trong dịp phát hành phim tết không đến một sớm một chiều. Khi các rạp phim bắt đầu mở cửa trở lại vào tháng 7.2020, thị trường đã mang đến những tựa phim nhập khẩu mà việc phát hành đã bị trì hoãn bởi Covid-19 để khán giả quen với việc quay lại rạp. Trung Quốc đã phát hành The Eight Hundred (Bát Bách) đạt doanh thu rất lớn vào giữa tháng 8, lên đến hơn 472 triệu USD, hạ gục nhiều phim bom tấn của Hollywood.
Bình luận (0)