Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà, về doanh thu, năm 2018, công ty mẹ chỉ đạt 1.814 tỉ đồng, giảm 860 tỉ đồng so với năm 2017 - giảm tới 32,2%. Trong đó, lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp còn giảm sốc hơn, lên tới 86,7%, khi chỉ đạt 22,4 tỉ đồng, giảm 145 tỉ đồng so với năm 2017. Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty Sông Đà cũng giảm mạnh. Theo đó, doanh thu đạt hơn 6.300 tỉ đồng, giảm gần 3.400 tỉ đồng so với 2017. Lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 221 tỉ đồng so với năm trước đó.
Đi kèm đó là những khoản nợ nần rất ảm đạm. Đáng chú ý nhất là tổng nợ phải trả lên đến 11.135 tỉ đồng, gồm nợ vay và nợ thuê tài chính hơn 5.300 tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, mặc dù các chỉ số cho thấy công ty mẹ có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp các công ty con, công ty liên kết gặp khó khăn, không có khả năng thanh toán khi nợ phải trả khách hàng và nợ phải trả khác chủ yếu là các công ty con và công ty liên kết chiếm tới 76% tổng nợ phải trả với con số vượt 8.500 tỉ đồng.
Về đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, Bộ Tài chính rà soát thấy mặc dù một số khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà mang lại hiệu quả như Công ty CP Sông Đà 4, 5, 6, 9,10 nhưng còn một số khoản đầu tư không mang lại cổ tức, lợi nhuận với tổng giá trị đầu tư là hơn 3.500 tỉ đồng. Ví dụ như Công ty CP thủy điện Nậm Chiến, Công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà, Công ty CP điện Việt Lào... Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư đã bị lỗ hoặc mất vốn như: Công ty cổ phần Sông Đà 3, Công ty CP phòng cháy chữa cháy và đầu tư xây dựng Sông Đà… Điển hình là Công ty cổ phần Sông Đà 3, báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy lỗ lũy kế đã là 188 tỉ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 9 lần. Hay tại Công ty CP Sông Đà 12, vốn điều lệ là 50 tỉ đồng nhưng vốn chủ sở hữu đã âm 41 tỉ đồng. Năm 2018, công ty tiếp tục thua lỗ với lợi nhuận sau thuế âm 3,8 tỉ đồng.
Đáng ngại nhất là tại Công ty CP điện Việt Lào. Công ty này có 3 công ty con, trong đó, Công ty TNHH thủy điện Xekaman 3 - có dự án thủy điện Xekaman 3 vẫn tiếp tục bị dừng do gặp sự cố từ tháng 12.2016. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 3,75 lần, trong đó vay và nợ thuê tài chính hơn 9.531 tỉ đồng, chiếm 81% tổng nợ phải trả khiến Bộ Tài chính lo ngại: “Công ty CP điện Việt Lào đang gặp nhiều khó khăn, áp lực về tài chính, tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, dù Tổng công ty Sông Đà chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ 6.4.2018, song đến thời điểm tháng 12.2019 (quá 1 năm so với thời gian quy định), Bộ Xây dựng vẫn chưa thực hiện quyết toán vốn nhà nước tại Sông Đà.
Bình luận (0)