Độc đáo 2 cổng thành vừa phát lộ ở kinh thành Huế

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
30/06/2020 06:23 GMT+7

Sau khi di dời các hộ dân ở khu vực 1 kinh thành Huế, vị trí Đông Thành thủy quan và dọn dẹp mặt bằng, các bức tường nhà dân được hạ giải đã làm xuất lộ 2 cổng thành độc đáo của hệ thống kinh thành Huế.

Khác hẳn với các cổng thành chính của kinh thành Huế đều nối với các trục giao thông đường bộ đi vào kinh thành, 2 chiếc cổng này có kích thước nhỏ, nằm bên phải và cửa bên trái của Đông Thành thủy quan, cách nhau vài trăm mét và kết nối với hệ thống đường thủy của sông Ngự Hà và Hộ Thành hào, cách sông Hộ Thành (Đông Ba) để ra bên ngoài. Cổng được xây theo hình thức cổng vòm, cao khoảng 0,7 m, rộng khoảng 0,6 m với 7 lớp gạch có giật cấp, phía dưới là những tảng đá xanh còn khá nguyên vẹn. Chiếc cổng có lối kiến trúc vòm 2 lớp liên kết nhau, vật liệu hoàn toàn đồng dạng với kinh thành, hình thức mỹ thuật được chăm chút rất kỹ, rất đẹp.
Theo Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (trung tâm), đây là cửa đặt đại bác phòng thủ bên phải và cửa bên trái của Đông Thành thủy quan, nằm trong hệ thống kinh thành, là nơi đóng quân của lính bảo vệ Đông Thành thủy quan.

Đã từng được khảo sát

Công trình đã từng được ghi chép trong sử sách triều Nguyễn, cũng như tài liệu của người Pháp chứ không phải “chưa từng được ghi chép trong sử sách” như một vài thông tin phỏng đoán trước đó. Cụ thể, sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc Sử quán triều Nguyễn) ghi rõ: “Đông Thành thủy quan: Thời kỳ đầu Gia Long làm cầu gỗ, có tên Thanh Long kiều. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830) xây cầu gạch, dưới cầu đặt cánh cửa để tiện đóng - mở, trên cầu xây lan can và cửa xưởng đặt Đại pháo nên đổi lại tên mới. Tây Thành thủy quan: Làm vào năm Minh Mạng thứ nhất, phía dưới đặt cánh cửa bằng sắt, trên đặt Đại pháo xưởng, như tên gọi”.
Theo bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (của trung tâm), khả năng 2 cửa thành này sau sự kiện thất thủ kinh đô (năm 1885) đến năm 1886, khi Pháp vào chiếm đồn Mang Cá nên không còn sử dụng nữa. Sách Đại Nam nhất thống chí, thời Minh Mạng ghi rõ ở đây có xưởng đại bác và có vệ binh 20 người để canh giữ Đông Thành thủy quan.
Năm 1933, trong tài liệu Kinh thành Huế: Địa danh của Cardière đánh dấu rõ trên bản đồ vị trí 121, ghi chú cửa trái và cửa phải của Đông Thành thủy quan. Léopold Michel Cadière còn đề cập đến hiện trạng của 2 cổng thành này là “nay đã bị bít lại”. Cũng theo bà Lê Thị An Hòa, cách đây 2 năm, trung tâm đã khảo sát Thượng thành để kiểm tra hệ thống lô cốt và các công trình trên Thượng thành, đã cho chụp ảnh lại 2 cửa trái và phải ở Đông Thành thủy quan và cắm biển thông báo cẩn thận khi thu dọn, giải hạ.
“Hiện nay, dự án di dời hộ dân trên Thượng thành đã hoàn thiện dần và trả lại kiến trúc của kinh thành, trung tâm đang nghiên cứu, tập hợp tư liệu, xây dựng hồ sơ để phục hồi Thượng thành và hệ thống phòng thủ 24 pháo đài, các kho đạn, hệ thống thoát nước rất độc đáo trên Thượng thành. Song song với việc phục hồi, trung tâm tiến hành khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch bền vững trên nền tảng hệ thống Ngự Hà và di sản kinh thành Huế”, bà Lê Thị An Hòa cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.