Độc đáo bán vải thiều nguyên cây ở Bắc Giang

08/05/2023 07:00 GMT+7

Bán vải thiều nguyên cây là hình thức bán hàng độc đáo, mới lạ nhất trong mùa vụ năm nay ở "thủ phủ" vải thiều H.Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), khi các nhà vườn kết hợp với doanh nghiệp mở tour, thu hút khách du lịch đến vườn để gia tăng giá trị từ cây vải.

Chi cả chục triệu để mua vải nguyên cây

Giữa tháng 3 vừa qua, khi vườn vải thiều rộ hoa, gia đình ông Trần Văn Hành (trú thôn Chão, xã Giáp Sơn, H.Lục Ngạn) liên kết với một doanh nghiệp tổ chức lễ khai trương tour du lịch đồi vườn đón khách từ Hà Nội lên tham quan, trải nghiệm. Chỉ trong 1 tháng, nhà vườn này đã đón tiếp vài chục đoàn khách lên dựng lều cắm trại, hào hứng trải nghiệm công đoạn quay mật ong hoa vải. Cả vụ hoa, ông Hành thu được gần 10 tấn mật ong và được doanh nghiệp thu mua.

Độc đáo bán vải thiều nguyên cây ở Bắc Giang - Ảnh 1.

Khách du lịch đến H.Lục Ngạn trải nghiệm quay mật ong hoa vải

NVCC

Nhưng điều đặc biệt nhất sau đó là hình thức mua bán vải thiều nguyên cây được nhiều khách du lịch thích thú. Ở H.Lục Ngạn, ông Hành nổi tiếng là "phù thủy vải thiều" với biệt tài làm chủ kỹ thuật có thể cho cây vải ra quả từ thân cây. Vườn vải nhà ông Hành có chứng nhận GlobalGAP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, quả vải to, thơm ngon nổi tiếng. Có lẽ uy tín, thương hiệu của nhà vườn này đã thuyết phục, tạo niềm tin cho khách du lịch khiến họ sẵn sàng chi ra cả chục triệu đồng để sở hữu cây vải vừa mới ra hoa và hồi hộp chờ đợi đến ngày hái quả.

"Đến ngày 3.5, vườn vải nhà tôi đã bán được hơn 10 cây, giá từ 10 - 10,5 triệu đồng/cây. Khi giao dịch xong, dưới gốc cây đều được cắm biển tên khách hàng. Tôi sẽ tiếp tục chăm sóc cho đến khi có vải chín thì thông báo cho họ lên vườn cùng tham gia thu hoạch. Vải bán nguyên cây đều là những cây vải có tuổi đời vài chục năm, chất lượng quả ổn định. Dự báo, với tỷ lệ đậu quả như năm nay, mỗi cây vải cho sản lượng thấp nhất khoảng 70 - 80 kg, cây sai quả đạt hơn 100 kg", ông Hành nói.

Cũng theo ông Hành, ngoài số vải bán nguyên cây gia đình "đã bỏ túi hơn 100 triệu đồng", tổng diện tích 10 ha, dự kiến sản lượng khoảng 200 tấn của nhà ông đã có doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua toàn bộ với giá 22.000 đồng/kg.

Chia sẻ về câu chuyện thành công trong mở vườn đón khách du lịch đến tham quan, mua vải trong vụ vải năm 2022, ông Ngô Văn Hùng (trú thôn Cầu Điền, xã Thanh Hải, H.Lục Ngạn) cho biết gia đình ông đã có một mùa vải bội thu. Lần đầu tiên 7 tấn vải của gia đình ông không có quả nào "lọt" ra ngoài chợ hay bán cho thương lái, tất cả đều được khách du lịch mua. "Các đoàn khách đến vườn chơi chụp ảnh, ăn thử vải, thấy ngon sau đó gần như ai cũng mua về làm quà. Nhà tôi chỉ vặt vải xuống bán cho khách du lịch còn không đủ nhu cầu. Giá bán tại vườn từ 32.000 - 35.000 đồng/kg, cao hơn so với giá bán ngoài chợ hay bán cho thương lái", ông Hùng nói.

Để chuẩn bị cho mùa vải năm nay, ông Hùng đã cho sửa sang lại vườn, tạo những góc đẹp, lối đi lại thuận tiện và sẵn sàng đón khách du lịch quay trở lại tham quan, mua vải.

Nhiều hoạt động thu hút khách du lịch

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND H.Lục Ngạn, cho biết trong mùa vải năm 2022, địa phương này đặt mục tiêu thu hút khoảng 70.000 lượt khách du lịch, nhưng thực tế các nhà vườn đã đón trên 90.000 lượt khách. Hiện nay, toàn H.Lục Ngan đã có trên 200 hợp tác xã trồng vải và gần như hợp tác xã, nhà vườn nào cũng có thể đón tiếp khách đến tham quan, chụp ảnh trong mùa vải. Bên cạnh khai thác dịch vụ từ cây vải, nhiều hợp tác xã sẵn sàng cung cấp các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí cho du khách khi kết hợp với danh lam thắng cảnh tại địa phương.

Theo ông Thi, khách du lịch đến Lục Ngạn vào mùa vải chín mang đến nhiều giá trị cho các nhà vườn trồng vải, người dân địa phương. "Khách đến tham quan, chụp ảnh đăng lên các mạng xã hội thì hình ảnh quả vải được lan tỏa rộng rãi. Không chỉ vải, họ còn mua sắm rất nhiều loại nông sản của địa phương nên đây là một kênh tiêu thụ, bán hàng hiệu quả cho các nhà vườn. Khi có khách du lịch, các dịch vụ ăn uống, đi lại, ngủ nghỉ… cũng phát triển rất sôi động, người dân địa phương có thêm thu nhập", ông Thi nói.

Phó chủ tịch UBND H.Lục Ngạn chia sẻ thêm, năm nay, UBND H.Lục Ngạn sẽ tổ chức chương trình du lịch "Lục Ngạn mùa vải chín" diễn ra từ tháng 5 - 7. Để thu hút và hấp dẫn khách du lịch, UBND H.Lục Ngạn tập trung công tác thông tin tuyên truyền, khuyến khích các nhà vườn chủ động quảng bá, sản xuất các clip giới thiệu về vải thiều Lục Ngạn đăng tải trên các trang mạng xã hội; phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức các tour du lịch đến với các vườn vải.

Các hợp tác xã trồng vải sẽ tổ chức cho du khách tham quan tham gia các cuộc thi hái vải tại vườn; thi hái quả vải bằng tay hoặc kéo chuyên dụng, không được bẻ cành hoặc các thao tác làm hỏng cây vải; tạo hình bằng trái vải; tổ chức các trò chơi ngay tại vườn vải; chế biến món ăn từ vải…

Bên cạnh đó, UBND H.Lục Ngạn sẽ tổ chức các tour du lịch trải nghiệm vườn vải kết hợp tham quan hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần; thi thả diều nghệ thuật trên núi ở chùa Am Vãi; giải đua thuyền hồ Làng Thum (xã Quý Sơn), hồ Bầu Lầy (xã Kiên Thành)… để giúp khách du lịch có nhiều lựa chọn, trải nghiệm phong phú.

"Dự kiến ngày 31.5, UBND H.Lục Ngạn sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều, lễ xuất hành lô vải xuất khẩu đầu tiên, chính thức khởi động mùa du lịch đến các vườn vải. Mục tiêu năm nay, toàn huyện sẽ đón 150.000 lượt khách du lịch đến với Lục Ngạn trong mùa vải chín", ông Thi nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.