Nhộn nhịp xúc tiến tiêu thụ vải thiều

24/04/2023 08:10 GMT+7

Cây vải đã qua thời kỳ rụng quả sinh lý, quả vẫn còn non và dự báo đến cuối tháng 5 mới bắt đầu cho thu hoạch vải chín sớm. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương ở Bắc Giang đã tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hướng đến mùa vải thiều thành công.

Một số vườn đã ký xong hợp đồng tiêu thụ

Xã Phúc Hòa (H.Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) là khu vực tập trung phần lớn diện tích vải chín sớm của tỉnh Bắc Giang, đồng thời là vùng nguyên liệu xuất khẩu đi nhiều thị trường, trong đó có cả những vùng vải thiều chuyên xuất khẩu Nhật Bản, Mỹ… Tại đây những ngày này, không khí bắt đầu nhộn nhịp khi các doanh nghiệp đã rục rịch khảo sát các nhà vườn để lên kế hoạch thu mua.

Nhộn nhịp xúc tiến tiêu thụ vải thiều - Ảnh 1.

Vải vẫn còn non nhưng nhiều nhà vườn ở H.Lục Ngạn đã có doanh nghiệp đến khảo sát, lên kế hoạch thu mua

HOÀNG PHAN

Ông Ngô Văn Cường, phụ trách tổ sản xuất vải xuất khẩu của HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (xã Phúc Hòa, H.Tân Yên), cho biết toàn bộ diện tích vải được trồng theo tiêu chuẩn cao nhất, hướng đến xuất khẩu Nhật Bản. Khi đạt được tiêu chuẩn vào thị trường này thì không lo không vào được các thị trường khác.

Năm nay, các doanh nghiệp khảo sát từ rất sớm. Trong tuần vừa qua, HTX này đã đón 3 doanh nghiệp trực tiếp cử người về các khu vườn đánh giá chất lượng vùng nguyên liệu, chưa kể một vài doanh nghiệp đã liên hệ lấy thông tin qua điện thoại. "Theo các doanh nghiệp đã thu mua vải thiều của HTX nhiều năm nay, ngoài Nhật Bản họ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc, Thái Lan nên phải chuẩn bị hàng sớm hơn mọi năm", ông Cường nói.

Ông Ngô Văn Liên, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Thanh Hải (H.Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), cho biết với trà vải chín sớm, hiện tại quả đã lớn bằng đầu ngón tay, tỷ lệ đậu quả khoảng 90%, chắc chắn sản lượng ngang ngửa năm 2022.

Còn với trà vải thiều chính vụ, hiện tại đang trong thời kỳ rụng quả sinh lý nhưng gặp điều kiện thời tiết hạn hán là khá bất lợi. Nhiều tháng nay, địa bàn H.Lục Ngạn không có mưa. "Trời không mưa thì quả vải thiều lớn chậm và nếu khi gặp mưa đột ngột, quả dễ bị nứt vỏ, đây là hiện tượng đã gặp nhiều năm", ông Liên bày tỏ lo lắng. Hiện, các nhà vườn đang tập trung nhân công tưới nước chống hạn cho vườn vải thiều.

Ông Liên thông tin thêm, với diễn biến thời tiết hiện nay, vải lớn chậm thì phải cuối tháng 5 mới bắt đầu thu hoạch vải chín sớm. Tuy nhiên, hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp đến khảo sát thu mua, cá biệt có một số vườn đã ký xong hợp đồng tiêu thụ, chỉ chờ ngày bẻ vải bàn giao cho doanh nghiệp.

Thương nhân Trung Quốc trực tiếp giám sát thu mua

Ghi nhận tại Bắc Giang, nhiều huyện trồng vải đã sẵn sàng phương án tiêu thụ trong mùa vụ năm nay. Cụ thể, UBND H.Tân Yên đã lên lịch đón các đoàn doanh nghiệp từ TP.HCM ra thăm vườn, lên kế hoạch thu mua xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu. Dự kiến trong đầu tháng 5, UBND H.Tân Yên sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều, kết nối ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nhà vườn.

Còn tại H.Lục Ngạn, địa phương tập trung phần lớn diện tích, sản lượng vải thiều của Bắc Giang đã triển khai kế hoạch tiêu thụ vải gắn với phát triển du lịch sinh thái. Để mở đường cho vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, UBND H.Lục Ngạn thành lập 2 tổ công tác phối hợp với Sở Công thương Bắc Giang khảo sát thị trường tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Bên cạnh đó, địa phương còn xúc tiến các hoạt động đưa vải vào các chợ đầu mối tại TP.HCM để mở rộng thị trường ở khu vực phía nam. Đặc biệt trong năm nay, H.Lục Ngạn còn tính đến phương án xuất khẩu vải theo đường sắt thông qua ga Kép (TT.Lạng Giang, H.Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) đi thẳng sang thị trường Trung Quốc.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, cho biết với tỷ lệ ra hoa đạt 90%, đậu quả 85% thì năm nay sản lượng vải thiều ước đạt khoảng 180.000 tấn, trong đó hơn 55% được xuất khẩu. Qua rà soát đến nay, Bắc Giang có 178 mã số vùng trồng vải và 215 cơ sở đóng gói đã được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan, Úc…

Cũng theo ông Trần Quang Tấn, đối với thị trường Trung Quốc, qua khảo sát ở các cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, Lào Cai, đến nay tình hình thông quan hàng hóa đã trở lại trước thời điểm chưa có dịch Covid-19. Đây sẽ là yếu tố thuận lợi giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ xuất, nhập khẩu trong mùa thu hoạch, tiêu thụ vải thiều năm nay.

"Sau 3 năm liên tiếp bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong mùa vải năm nay, các doanh nhân, thương nhân Trung Quốc sẽ trở lại Bắc Giang trực tiếp giám sát việc thu mua, đóng gói vải xuất khẩu nên dự báo tình hình tiêu thụ sẽ rất thuận lợi. Qua đăng ký từ các doanh nghiệp phía Trung Quốc, các địa phương đang xúc tiến làm thủ tục đề xuất các cơ quan chức năng cho phép hơn 100 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để giám sát thu mua vải", ông Tấn nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.