Độc đáo bộ tranh kể về ký ức ngày Thống nhất đất nước

30/04/2020 08:00 GMT+7

Bộ tranh được 3 chàng trai tại TP.HCM thực hiện bằng cách thức vô cùng độc đáo, họ đã chụp lại khung cảnh của thành phố hiện tại và vẽ tranh đan xen khung cảnh của ngày Thống nhất đất nước 30.4.

3 chàng trai gồm Maxk Nguyễn (nhiệm vụ lên ý tưởng, truyền thông), Nguyễn Dương Minh (nhiếp ảnh) và Đỗ Thái Thanh (họa sĩ), tất cả họ đều là những chàng trai rất trẻ trung và hiện đại, nhưng luôn mang trong mình tình yêu về những giá trị lịch sử và truyền thống của dân tộc. Họ muốn kể những câu chuyện lịch sử dưới cái nhìn của người trẻ và bằng những chất liệu rất mới. Chính vì thế mà bộ tranh độc đáo kể về ngày Thống nhất đất nước 30.4 ra đời.

Từ trái sang Maxk Nguyễn và Nguyễn Dương Minh

HOA NỮ

“Đã 45 năm trôi qua và cứ đến ngày Thống nhất đất nước 30.4 là chúng ta luôn phải xem lại những hình ảnh trắng đen và tư liệu cũ, năm nào chúng ta cũng xem như vậy nên nó trở nên quá quen thuộc. Và đến một thời điểm, bỗng dưng mình nhận ra là những cảnh đường phố quen thuộc hiện tại đều dựa trên quá khứ, là di sản của quá khứ. Chính vì ngày xưa đã có một trận chiến lịch sử vẻ vang như vậy nên đường phố và mọi thứ mới được như bây giờ. Vậy tại sao mình không kết hợp những hình ảnh hiện tại từ góc nhìn mới để kể về lịch sử?”, Maxk Nguyễn chia sẻ về lý do hình thành ý tưởng thực hiện bộ ảnh độc đáo này.

Cũng theo Maxk Nguyễn, nhóm muốn khai thác một bộ hình theo cảm giác dễ chịu, vui vẻ chứ không gây cảm giác nặng nề hay quá nghiêm túc. Nên khi mọi người xem bộ ảnh này sẽ có cảm giác  đây như một điều gì đó rất mới nhưng lại nói về một chủ đề cũ.

Chàng họa sĩ Đỗ Thái Thanh của bộ tranh

NVCC

“Là một người trẻ, tụi mình thích nghe về lịch sử nhưng mình chưa thật sự có được sự thu hút, vì khi mọi người kể về lịch sử thường kể bằng giọng văn mang tính thuật lại thông tin. Cũng chính vì mình luôn muốn nghe những thông tin lịch sử bằng góc nhìn của người trẻ, sẽ có cảm giác đồng cảm hơn. Tuy là một chủ đề cũ nhưng sẽ cho mình một không khí mới hơn, dễ đồng cảm hơn và thông tin cũng dễ để thẩm thấu vào người”, Maxk Nguyễn nói.

Bộ tranh gồm 9 bức. Bức thứ nhất tái hiện hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Khi vẽ về hình ảnh biểu tượng này, Thanh chọn cách vẽ chiếc xe tăng chạy ngang trên đường chứ không húc cổng. Chiếc xe tăng chạy song song với các phương tiện trên đường, những tia nắng chiếu lung linh trên áo chú bộ đội và mọi người đang chào mừng đoàn quân giải phóng.
Bức thứ 2 là hình ảnh về các cô, cậu bé cầm cờ cầm hoa. Thanh chia sẻ anh chàng rất hình ảnh cậu bé vẫy hai chiếc cờ trên nắp cappo xe, đây là một hình ảnh thú vị mà Thanh tìm thấy về ngày Thống nhất đất nước 30.4. Cậu bé như một hình ảnh về thế hệ trẻ, có thể là ngày xưa có thể là bây giờ, trong ngày trọng đại của dân tộc, Thanh nghĩ cậu cũng chỉ nhìn thấy ở đó niềm vui của mọi người xung quanh và cùng chung vui mà thôi, giống như người trẻ của các bạn vậy, rất ngây thơ. Cậu bé trên lưng bác chạy xe đạp, bình dị như một cảnh mà ta sẽ thấy bình thường hàng ngày, phần nào thể hiện sự đan xen, tương tác của hai dòng thời gian, phần khác thể hiện sự thân thuộc của cùng một địa điểm sau 45 năm.
Bức thứ 3 là về cô Kim Cúc mặc áo dài cùng với các bạn nhỏ tung tăng ở Hồ Con Rùa. Thanh cho biết cô Kim Cúc là người đã đọc bản tin chiến thắng từ đài Tiếng nói Việt Nam - Hà Nội 45 năm trước. Khi nhóm chọn ý vẽ một nhóm mọi người đứng ở Hồ Con Rùa chào mừng chiến thắng, Thanh đã tự ý cho cô “xuyên không”, cùng các bạn trẻ chạy tung tăng chào mừng chiến thắng tại TP.HCM. Thanh đoán ý này là ngẫu hứng tinh nghịch của người trẻ.

Bức thứ 4 về cô nữ dân quân ôm hoa, trong bức ảnh có được chất bình lặng của TP.HCM, một buổi trưa hè có bác đang ngồi trong bóng cây đọc báo. Sẽ ra sao nếu bác đột nhiên nhận được một bó hoa hướng dương từ cô nữ dân quân 45 năm trước?

Bức tranh 5, 6 và 7 Thanh vẽ về rất nhiều cậu bé cầm cờ trên xe, bức chiếc xe tăng giữa đường, bức các cô du kích trên xe jeep. Cả ba bức này đều là những hình ảnh tiêu biểu của ngày Thống nhất đất nước 30.4 thể hiện sự vui mừng và rộn ràng của mọi người. Bên cạnh họ là những người của thời hiện đại đang hoạt động và sống như bình thường, cùng một địa điểm đó, cũng là chứng nhân của những giây phút hào hùng 45 năm trước.

Bức ảnh thứ 8 tái hiện về các chú bộ đội và xe bán hàng. Trong tranh Thanh muốn thể hiện hình ảnh tự nhiên của các chú bộ đội trong cảnh hiện đại, với mục đích đó, Thanh cho các chú đang đi ngang qua và tương tác với một người bán hàng thời hiện đại.

Bức cuối cùng là 3 chú đứng cạnh nhau. Hình này dựa theo một bức ảnh nổi tiếng về chú bộ đội đứng cạnh chú phi công chiến đấu. Nhóm muốn có một sự tương tác giữa những con người cùng một màu áo nhưng trong những thời kì khác nhau, sự khác biệt giữa thời chiến và thời bình, đứng cạnh nhau một cách bình dị.

 Để làm được bộ ảnh mang tính lịch sử như thế này, các bạn đã phải tự nghiên cứu và tìm hiểu rất nhiều về các kiến thức lịch sử để tránh sự sai lệch.

“Tụi mình là những người trẻ, sinh ra trong thời bình, không trực tiếp trải qua những thời khắc lịch sử, hào hùng của cả dân tộc nên khi vẽ mình gặp rất nhiều khó khăn để tái hiện khoảnh khắc đó về cả tinh thần lẫn tính chính xác”, Thanh nói và phân tích về tinh thần là một điều bao trùm trong tất cả hình ảnh các bạn được xem về ngày Thống nhất đất nước 30.4. Đó là niềm vui  nô nức, sự đón chào, hy vọng của toàn dân tộc, mọi người khi thì từng góc nhỏ, khi thì tràn ra đường, khi đi xe, khi đi bộ, lúc duyệt binh…

“Nhóm tụi mình nghĩ về ngày này cũng là niềm vui, nhưng vì là người trẻ nên niềm vui của người trẻ lại buồn cười hơn, ngày Thống nhất đất nước 30.4 thường là một ngày nghỉ rất dài và rất nô nức trên cả đất nước. Mình dựa vào hai nguồn cảm xúc này, niềm vui nô nức chào đón tương lai, sau khi đã vượt qua bao hi sinh mất mát cộng với niềm vui của lứa trẻ sinh ra sau chiến tranh, được sống trong hoà bình.Vậy nên tất cả các nhân vật trong bộ tranh đều được thể hiện bằng vẻ mặt tươi vui trong sáng dễ thương, Thanh chia sẻ.

Về tính chính xác cũng là điều mà các bạn trăn trở nhất. “Tụi mình còn khá trẻ, mặc dù cũng ham thích tìm hiểu và vẽ về các chủ đề lịch sử nhưng dựa trên các ảnh tư liệu, sẽ có nhiều lúc mình không hiểu trong ảnh là vật gì, màu gì, tác dụng ra sao, nếu không đủ cẩn thận nhiều khi sẽ truyền đạt các thông tin sai lệch”, Thanh nói và cho biết để giải quyết phần này thì Thanh chọn cách thể hiện hoạt hình, nhiều màu sắc và dễ thương, vừa là truyền tải cảm giác vui tươi, một phần là không bị đi quá sâu vào tính đúng - sai trong tranh.

Còn với Minh, để chụp được bộ ảnh này, Minh cũng phải chụp thế nào để ảnh vừa đủ độ hay mà vừa còn có khoảng trống trong bức ảnh để họa sĩ có không gian vẽ thêm vào.

Ngoài những địa điểm quen thuộc mà khi nhắc đến TP.HCM ai cũng nghĩ ngay đến những địa điểm đó, thì Minh còn chọn thêm những góc nhìn mới như là góc ảnh từ chung cư cũ nhìn xuống góc đường. Bởi theo Minh những chung cư cũ sẽ có tính lịch sử, và sự tồn tại của nó trong khoảng thời gian rất ít thay đổi nên những hình ảnh hơi cũ cũ, mới mới cũng là dụng ý mà Minh đã chọn để chụp.

Sau khi có ảnh chụp từ Minh, Thanh sẽ tìm cách để thổi vào trong đó các nhân vật, hoàn cảnh, phù hợp với các ý chính ban đầu mà các bạn đã đặt ra, để tái hiện được ngày Thống nhất đất nước 30.4 trên nền hình ảnh của cuộc sống hiện đại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.