Mùa bí đao chín hằng năm rơi vào tháng 3, tháng 4 âm lịch. Chu trình sinh trưởng của giống bí đao ở làng Chánh Trạch thường là 6 tháng. Trước đó, khi đất đã ngấm đủ nước và dưỡng chất phù sa sau mưa lũ, người dân quê ở đây sẽ bắt đầu gieo hạt vào độ tháng 11 âm lịch. Trong tiết trời mát mẻ từ cuối đông đến cuối xuân, bí đao phát triển tốt nhất, cho trái ngon và to nhất.
Yêu bí như yêu con
Vườn bí đao của ông Lê Vâng (68 tuổi, ở thôn Chánh Trạch 2) có tiếng là một trong những vườn đẹp nhất làng. Trồng bí đao từ năm 20 tuổi đến nay, ông Vâng gắn liền với mảnh vườn và những dây bí đao. Cũng ngần ấy năm, vợ chồng ông và gia đình thức - ngủ cùng bí đao bằng sự say sưa chưa bao giờ nhạt màu. Tình yêu to lớn đó đủ sức chạm vào bất cứ trái tim, cảm xúc nào từng một lần đến vườn bí đao của ông.
Ông Lê Vâng và khách đến thăm vườn bí đao khổng lồ |
TÂM NGỌC |
Đó là một mảnh vườn vừa phải, có những trái bí đao đã đến mùa thu hoạch, được “bợ đỡ” cẩn thận bằng dây chằng vải buộc như mắc võng. Vì mỗi trái bí đao ở đây nặng hàng chục ký, một chút sơ sẩy thôi là sập giàn như chơi.
Ông Vâng mách nhỏ: “Đừng thấy tụi nó (ý nói mấy trái bí đao - PV) to con lớn xác mà muốn làm gì làm, phải vô cùng nâng niu vì sự nhạy cảm lạ thường của giống bí đao làng tui. Chăm bón từ nhỏ đã phải nhẹ nhàng, đến khi lớn một chút phải mắc võng cho nằm, ngày thu hoạch phải cẩn thận như con nhỏ, như người yêu. Chỉ cần một vết xước nhẹ bên ngoài vỏ thôi cũng phải lập tức sát trùng, “băng bó” để vết thương đó không phình to ra. Quá trình vận chuyển phải lót rơm, xốp để phần ruột bí đao bên trong không bị “động”, bởi nếu bị “động” thì quả bí sẽ bị úng cả trái”.
Khá lên từ trái bí khổng lồ
Theo ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thọ, cả làng Chánh Trạch hiện có khoảng 100 hộ trồng bí đao. Trước đây, nghề trồng bí đao trong làng chỉ vài chục hộ. Bí đao to và ngon nhưng thời trước giao thương khó khăn, đường sá đi lại cũng không thuận tiện như bây giờ. Trồng bí đao khi ấy chỉ là một nếp sinh hoạt trong đời sống thường ngày.
Thế nhưng, khoảng 10 năm trở lại đây, trái bí đao đã có “trọng lượng” hơn trên thị trường. Thương lái khắp nơi đã bắt đầu biết đến bí đao khổng lồ Chánh Trạch. Người tiêu dùng cũng dần quen và hỏi mua nhiều hơn. Sự đổi thay đó là tín hiệu đáng mừng với những nông dân làng quê này. Bởi lẽ ngoài trái bí đao để cải thiện cuộc sống, họ chỉ còn có cây lúa với thu nhập ở mức thấp.
Nghệ sĩ Xuân Bắc thử nâng quả bí đao khổng lồ làng Chánh Trạch |
hoàng trọng |
Từ vài chục hộ trồng bí đao, đến nay Chánh Trạch đã đến con số trăm hộ. Những vườn bí đao xuất hiện nhiều hơn. Màu xanh của bí đao đang tạo độ phủ “mướt mát” cho cả ngôi làng vốn nghèo khó trước đây.
Hỏi ra giống bí đao lạ lùng này có nguồn gốc từ đâu và từ bao giờ, thì không ai trả lời chính xác được. Họ chỉ biết Chánh Trạch có giống bí đao hệt như bí thần trong truyện cổ tích với những trái to một người ôm không xuể. Và họ cũng chỉ biết rằng, trồng bí đao và sống bằng việc bán bí đao đã trở thành nếp, thành lề lối và văn hóa của cả làng. Bí đao được người dân ở đây yêu quý, giữ gìn đã hàng trăm năm.
Bí đao Chánh Trạch có điểm đặc biệt đầu tiên chính là hạt giống. Theo những chuyên gia về nông nghiệp ở đây, thông thường các giống cây qua thời gian sẽ dần bị thoái hóa, cần sự cải tạo để đối phó với sâu bệnh và thời tiết thay đổi. Riêng giống bí đao khổng lồ này lại có sức chống chọi bền vững và không cần có thêm một tác động nào từ khoa học hay công nghệ tiên tiến. Nó cũng không cần đến thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Giống bí đao này đơn thuần chỉ cần được gieo trồng trên mảnh đất quê Chánh Trạch, đủ nước, đủ độ ẩm và dưỡng chất tự nhiên thì sẽ sinh trưởng mạnh mẽ.
Người ta nhiều lần đem giống bí đao Chánh Trạch trồng nơi khác, cũng cho đất có phần cát nhiều tơi xốp, đủ nước... Trái bí đao thu được cũng to cũng nặng nhưng độ đặc, độ dẻo và mùi thơm thì không thể so được với bí đao trồng ở Chánh Trạch.
Đến khi thu hoạch, những trái bí đao nhỏ nhất cũng tầm 30 - 40 kg sẽ được rải đi các chợ lớn nhỏ trong làng, trong huyện hoặc xa hơn là TP.HCM, Hà Nội. Theo ông Lý Văn Vĩ, Phó phòng NN-PTNT H.Phù Mỹ, một sào bí đao (500 m2 - PV), nếu được mùa và được giá (dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg), người dân sẽ thu được khoảng 40 triệu đồng. Như vậy, sau 6 tháng trồng trọt và chăm sóc, thì đây là mức lợi khá tốt với nông dân.
Có quả bí đao được xem là “èo uột” cũng nặng trên 30 kg |
TÂM NGỌC |
Thêm những kỳ vọng
Ngoài giá trị là một sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, bí đao khổng lồ ở Chánh Trạch còn đóng góp cho phát triển du lịch mang tính đặc trưng chỉ riêng có ở làng này. Ông Vâng chia sẻ rằng nhờ trồng bí đao mà vợ chồng ông nuôi mấy đứa con ăn học thành tài, đi làm hết trong thành phố. Những nông dân khác trong vùng cũng nhờ “trúng bí đao” mà cải thiện đời sống, xây nhà, mua xe tay ga. Sự hồi sinh của một vùng đất được bắt nguồn từ những dây bí đao kỳ diệu do ông bà xưa để lại.
Ngày càng nhiều du khách đến Chánh Trạch tham quan làng bí đao. Người ta còn trồng thêm cả một đầm sen để du khách có thêm điểm “check-in”. Mùa bí đao chín cũng là mùa sen nở rực rỡ, tạo thêm sức hút cho làng bí đao khổng lồ Chánh Trạch. Nông dân làng Chánh Trạch cũng rất nhiệt tình và hào hứng tham gia làm du lịch cộng đồng.
Khi đến tham quan làng bí đao khổng lồ Chánh Trạch, chị Võ Thị Mỹ Hiền (du khách ở Hà Nội) chia sẻ: “Không những to, đẹp mà lại còn rất thơm ngon. Ở những nước phát triển về nông nghiệp như Đài Loan, Úc và châu Âu, người ta có cách tiêu thụ các nông sản này rất hiệu quả, giúp nông dân yên tâm và có lời cao. Tôi hy vọng, Việt Nam cũng có những mô hình như vậy để người dân ở đây mở rộng thêm những vườn bí đao tuyệt đẹp và đặc biệt này”. (còn tiếp)
Trong những ngày TP.HCM cao điểm dịch Covid-19 năm 2021, bà con nông dân ở làng Chánh Trạch đã cùng nhau gửi những chuyến xe bí khổng lồ để tiếp sức cho người dân TP.HCM. Trên mỗi quả bí đều có viết những dòng chữ động viên mộc mạc, đáng yêu: “Miền Nam ơi, cố lên!”, “Sài Gòn cố lên!”… Hơn 600 kg bí đao đã được chuyển vào Nam trên những chuyến xe nghĩa tình như thế.
Độc đáo làng Việt
Bình luận (0)