Trong lúc giới khoa học trên thế giới đang loay hoay phát triển vắc xin ngừa Covid-19, giáo sư Takahiro Kusakabe tại Đại học Kyushu (Nhật Bản) và đồng nghiệp đang nghiên cứu bào chế một loại vắc xin độc đáo từ tằm, loài côn trùng thường được nuôi để lấy tơ.
Theo tờ Nikkei Asian Review, các chuyên gia xem mỗi con tằm là một “nhà máy” sản xuất một loại protein có thể là vật liệu then chốt để sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, dự kiến sẽ là loại vắc xin uống và thử nghiệm lâm sàng vào năm 2021.
“Tại cơ sở ở Đại học Kyushu, chúng tôi có khoảng 250.000 con tằm thuộc 500 giống khác nhau”, ông Kusakabe cho biết.
Tại phòng thí nghiệm, các chuyên gia cùng một số sinh viên tình nguyện được nhà trường cho phép đang miệt mài phát triển vắc xin.
Theo đó, gien lấy từ protein giúp hình thành nên gai bám của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 được đưa vào cơ thể tằm. Sau khoảng 4 ngày xâm nhập vào tế bào tằm, các protein gai có thể là vật liệu sản xuất vắc xin số lượng lớn sau khi được lấy ra và điều chỉnh.
Theo ông Kusakabe, các chuyên gia đã tìm được giống tằm có thể sản xuất các protein trên một cách hiệu quả nhất. Ông dự định sẽ thử nghiệm vắc xin trên động vật và hoàn tất vào đầu năm tới, trước khi thử nghiệm trên người.
Trong diễn biến liên quan, Đài Fox News ngày 9.8 dẫn khảo sát của công ty Gallup cho thấy 35% người Mỹ được hỏi cho biết họ sẽ không chủng ngừa Covid-19, ngay cả khi vắc xin được chứng nhận và cung cấp miễn phí.
Từ đầu đại dịch Covid-19, chính phủ Mỹ chi 10 tỉ USD nhằm cung cấp 300 triệu liều vắc xin cho người dân trước tháng 1.2021. Kể từ đó, chính phủ chi tiền cho nhiều công ty để phát triển vắc xin, như Novavax, Pfizer, Johnson & Johnson và AstraZenca.
Khảo sát được thực hiện đối với 7.632 người trên 18 tuổi đưa ra khuyến cáo rằng giới lãnh đạo nên nghiên cứu thêm về nguyên nhân một số người không sẵn sàng tiêm vắc xin ngừa Covid-19 để có thể thuyết phục họ.
Bình luận (0)