Tự động phát
Cơ quan quản lý và nghiên cứu vắc xin Đức PEI thuộc Bộ Y tế Đức tuyên bố: "Chúng tôi cho phép tiến hành cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đối với vắc xin BNT162 chống Covid-19 do công ty BioNTech (Đức) và hãng Pfizer (Mỹ) phối hợp phát triển". Theo PEI, đây là một "bước tiến quan trọng trong nỗ lực tạo ra vắc xin Covid-19 càng sớm càng tốt".
Cơ quan này khẳng định đã đánh giá cẩn thận về mối rủi ro lẫn lợi ích tiềm năng trước khi phê duyệt thử nghiệm lâm sàng. Cuộc thử nghiệm lâm sàng sẽ được tiến hành trên 200 tình nguyện viên khỏe mạnh độ tuổi 18-55 tại Đức trong giai đoạn đầu tiên và giai đoạn thứ 2 sẽ bao gồm cả những người có nguy cơ cao mắc Covid-19. Cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc xin BNT162 cũng đã được lên kế hoạch ở Mỹ nhưng phải đợi cơ quan quản lý phê chuẩn.
|
PEI, BioNTech và Pfizer không nêu rõ khi nào sẽ bắt đầu cuộc thử nghiệm. Đây là vắc xin thế hệ mới sử dụng RNA (vật liệu di truyền của virus). Các phân tử RNA hướng dẫn các tế bào trong cơ thể con người sản xuất ra kháng thể, giúp hệ miễn dịch phát triển kho vũ khí chống lại virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.
BioNTech, Pfizer đang cạnh tranh với công ty công nghệ sinh học CureVac (Đức) và Moderna (Mỹ) trong cuộc đua phát triển vắc xin RNA phòng Covid-19. Công ty Moderna bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin ở Mỹ vào tháng 3.
Hai loại vắc xin Covid-19 khác do Công ty công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc) và Viện nghiên cứu Sản phẩm Sinh học Vũ Hán phối hợp phát triển đã được Trung Quốc phê duyệt cùng lúc để thử nghiệm trên người hồi tuần trước.
Vào tháng 3, chính phủ Trung Quốc đã bật đèn xanh cho phép thử nghiệm lâm sàng một vắc xin Covid-19 của Viện Hàn lâm Khoa học Quân y và công ty công nghệ sinh học CanSino Bio.
|
Ở Anh, các tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng của Đại học Oxford được tiêm liều vắc xin Covid-19 đầu tiên vào ngày 22.4.
Covid-19
thử nghiệm lâm sàng vắc xin
phòng chống Covid-19
đức
vắc xin Covid-19
thử nghiệm vắc xin trên người
Bình luận (0)