Độc đáo túi vải được làm từ thợ may đặc biệt, giá cao nhất là 300.000 đồng/cái

01/08/2024 15:00 GMT+7

Anh Nguyễn Hiếu Toàn (30 tuổi) ở Tân Thới Nhất, P.12, Q.Tân Phú, TP.HCM đã sáng lập thương hiệu "Bắt con cá", một nhãn hàng bán các loại túi vải có hình dáng các sinh vật biển được may bởi các phụ nữ đặc biệt.

Sản phẩm mới được nhiều người đón nhận

Anh Toàn khởi động công việc kinh doanh này từ tháng 9.2023, với các sản phẩm túi vải được may bởi đôi bàn tay của các phụ nữ khuyết tật vận động tại Làng May Mắn (Q.Bình Tân, TP.HCM). Các sản phẩm được thiết kế và may mô phỏng theo hình dạng của một số loài động vật biển như: cá chuồn, cá sơn thóc, các loài xò, cua, tôm… với nhiều kích thước khác nhau để khách hàng có thể sử dụng với nhiều mục đích như làm móc khóa, đựng tiền, vật dụng cá nhân hoặc các thiết bị điện tử. Giá từ 70.000 đồng - 300.000 đồng/cái.

Độc đáo túi vải được làm từ thợ may đặc biệt, giá cao nhất là 300.000 đồng/cái- Ảnh 1.

Anh Toàn giới thiệu sản phẩm túi vải

Nguyên Phúc

Không chỉ chú trọng vào hình thức bên ngoài, sản phẩm túi của những phụ nữ khuyết tật còn đặc biệt bởi thiết kế tỉ mỉ 2 lớp, có những sản phẩm còn chần lớp bông bên trong. Ngoài ra, các sản phẩm còn in hình xương cá, ngọc trai bên trong túi… để tạo điểm nhấn độc đáo cho sản phẩm.

Anh Toàn cho biết khi mới bắt đầu, anh đầu tư gần 100 triệu đồng để cho các phụ nữ khuyết tật làm ra các sản phầm. Lô hàng đầu tiên anh đặt may gần 550 chiếc túi. Anh tiêu thụ sản phẩm bằng cách đăng tải trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Anh cũng định hướng kinh doanh bán lẻ hướng đến đối tượng khách hàng là mẹ và bé. Thế nhưng, sau vài tháng kinh doanh, sản phẩm túi vải thu hút học sinh, sinh viên và khách du lịch. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng cũng tìm tới đế lấy sỉ.

Độc đáo túi vải được làm từ thợ may đặc biệt, giá cao nhất là 300.000 đồng/cái- Ảnh 2.

Độc đáo túi vải được làm từ thợ may đặc biệt, giá cao nhất là 300.000 đồng/cái- Ảnh 3.

"Mình bán lẻ được 6 tháng thì nhiều khách gọi để liên hệ mua sỉ. Đến nay, mình cũng cấp sỉ cho gần 10 cửa hàng trong cả nước. Đặc biệt là những cửa hàng lưu niệm tại Phú Quốc, Đà Nẵng, Hà Nội… Ngoài ra, còn có nhiều chủ các quán cà phê ở TP.HCM cũng ngỏ ý muốn ký gửi sản phẩm", anh Toàn chia sẻ.

Hiện, thương hiệu "Bắt con cá" của anh Toàn đem về hơn 60 triệu đồng doanh thu mỗi tháng. Giúp nhóm 5 thợ may khiếm khuyết có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng/người. Anh Toàn cũng đang mở rộng thêm thị trường, đa dạng sản phẩm hơn để tạo thêm việc làm cho nhiều đối tượng tại Làng May Mắn.

Chất lượng làm nên thương hiệu

Anh Toàn cho biết trước khi mở "Bắt con cá" anh là nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, vì công việc của anh và vợ đều bận rộn nên ít có thời gian chăm sóc con nhỏ. Do đó anh chọn tự kinh doanh để chủ động được thời gian cho gia đình. Bắt đầu lên ý tưởng kinh doanh, anh nhớ đến trước đây mình có tham gia một hoạt động tình nguyện tại Làng May mắn. Khi ấy cùng với tổ chức thiện nguyện, anh đã hỗ trợ triển khai dự án nâng cao tay nghề may mặc cho đối tượng khiếm khuyết vận động. Trong lần khởi sự kinh doanh này, anh cũng hy vọng sẽ làm sản phẩm gì đó vừa mang lại lợi nhuận lại tạo thêm nguồn thu cho các chị em khiếm khuyết.

Độc đáo túi vải được làm từ thợ may đặc biệt, giá cao nhất là 300.000 đồng/cái- Ảnh 4.

Độc đáo túi vải được làm từ thợ may đặc biệt, giá cao nhất là 300.000 đồng/cái- Ảnh 5.

Sản phẩm túi vài đa dạng về kích thước, mẫu mà và phù hợp với nhiều mục đích sử dụng đối với khách hàng

NVCC

Tuy vậy, khi đưa sản phẩm ra thị trường, anh chưa bao giờ lấy lý do hỗ trợ người khiếm khuyết để "níu chân" khách hàng. Trên các trang Facebook của mình, anh luôn có những bài đăng nói về công dụng, chất lượng của sản phẩm chứ tuyệt nhiên không nhắc tới đối tượng làm ra nó. Nếu ai đó biết những chiếc túi này do chính tay những người khiếm khuyết làm ra thì chắc chắn họ đã từng mua qua sản phẩm và nhận được thư cảm ơn từ anh.

"Đã từng có nhiều người tìm tới, ngỏ ý sẽ đầu tư để mình phát triển, mở rộng hơn cho thương hiệu. Tuy nhiên, họ có ý tưởng sẽ truyền thông nhiều về câu chuyện người khuyết tật làm nên sản phẩm, do đó mình không hợp tác. Tất nhiên mình không giấu việc người may túi là các chị em trong Làng May Mắn, nhưng mình muốn khách hàng biết điều đó sau khi đã trải nghiệm về chất lượng sản phẩm", anh Toàn nói.

Là một khách hàng thân quen, chị Mộc Khiết (ở đường Phạm Hữu Lầu, P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM), cho biết: "Sau một lần được bạn bè tặng một túi vải mô phỏng hình con cá, mình sử dụng và thấy thích nên tìm hiểu để mua thêm. Đến nay, mình đã mua 6 sản phẩm ở "Bắt con cá". Nhìn chung, mình thấy sản phẩm ở đây tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ, đa dạng về mẫu mã và kích thước. Bên cạnh đó, người bán cũng nhiệt tình tư vấn khi mình tìm hiểu sản phẩm".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.